Bị chồng đệ đơn ly hôn, tại tòa, chị vợ bất ngờ phản tố, đề nghị anh chồng phải bồi thường cho mình hơn 200 triệu đồng tiền điều trị bệnh hiếm muộn do anh chồng tinh trùng yếu.
Gần chục năm trong nghề luật sư, bảo vệ cho hàng trăm thân chủ nhưng luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy - Trinh chưa bao giờ gặp phải vụ ly hôn nào hy hữu, cười ra nước mắt như vụ ly hôn của cặp vợ chồng ở huyện Đăk R’ Lấp, tỉnh Đắk Nông.
Vợ chồng anh H. là cặp vợ chồng tri thức, chị N. vợ anh là một người có vai vế tại địa phương. Tuy nhiên, cưới nhau vài tháng mà chị N. vẫn chưa mang thai, sốt ruột cả hai vợ chồng đưa nhau đi khám thì mới hay anh H.bị yếu tinh trùng, khó có con. Cả hai chạy chữa khắp nơi mà không có kết quả.
Tòa yêu cầu anh H. cung cấp tài liệu, chứng cứ điều trị hiếm muộn
Chán nản, người chồng lao vào bài bạc khiến nợ nần chồng chất, có lần còn bị giang hồ tới tận nhà đòi nợ. Từ đây, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng trở nên gay gắt. Cuối năm 2016, cả hai quyết định ly thân và tới đầu năm 2017, anh H. chính thức đệ đơn ly hôn.
Mặc dù, đồng thuận ly hôn nhưng tại tòa chị N. bất ngờ phản tố, bởi theo chị N., trong quá trình chung sống, anh H. bị hiếm muộn do tinh trùng yếu nên phải điều trị rất tốn kém và chị N. yêu cầu chồng phải bồi thường hơn 200 triệu đồng.
Trước đề nghị phản tố của chị vợ, TAND thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã ra Quyết định yêu cầu anh H. phải cung cấp toàn bộ hóa đơn, chứng từ điều trị hiếm muộn liên quan tới hai vợ chồng anh H.
Trước Quyết định này, ngày 4/10, anh H. có bản tự khai trình bày “Hiện tôi không không lưu giữ chứng cứ, tài liệu điều trị bệnh hiếm muộn theo yêu cầu của tòa án nên tôi không thể cung cấp theo yêu cầu. Bà N. có yêu cầu phản tố thì bà N. có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Tôi xin cam kết trước nay tinh trùng của tôi rất mạnh !”.
Anh H. cho rằng vợ đề nghị phản tố thì phải tự cung cấp tài liệu
Trước sự việc hy hữu này, theo luật sư Nguyễn Duy Bình cho hay: “Căn cứ theo yêu cầu phản tố của bị đơn tôi nhận thấy yêu cầu chỉ nêu chung chung về số tiền đòi bồi thường thiệt hại và được hiểu do chồng có lỗi (yếu sinh lý) gây ra thiệt hại, nên phải bồi thường. Căn cứ theo quy định của pháp luật nếu đây là tài sản chung của vợ chồng có được trong thời kỳ hôn nhân thì ông chồng (nguyên đơn) không phải trả lại vì khoản này được chi tiêu nhằm mục đích chung của vợ chồng.
Xét về đạo lí, tôi nhận thấy bị đơn không nên đòi bồi thường như vậy vì dù sao hai người đã từng yêu thương và chung sống bên nhau cả một quá trình. Mặt khác, nếu khoản tiền này là tài sản riêng của vợ có trước hôn nhân và chứng minh được do chồng mượn thì chồng cũng không có nghĩa vụ phải trả lại vì số tiền này đã được dùng phục vụ mục đích chung của vợ chồng.
Nếu khoản tiền này do một hoặc hai vợ chồng vay mượn của người khác để chi tiêu vào việc chữa trị và hiện chưa trả thì mỗi người phải chịu 1/2 khoản nợ”.