Anh Đinh chờ bán số hạt sa chi gia đình để trong nhà |
Cuối năm 2016, báo Tiền Phong có bài viết cảnh báo việc người dân tỉnh Gia Lai không nên mạo hiểm phá cà phê để trồng cây sa chi.
Ngày 15/6/2017, chúng tôi trở lại các vườn trồng sa chi ở thôn Brêp, xã Đắk Djrăng, huyện Mang Yang, Gia Lai. Thấy chúng tôi, khác hẳn vẻ hồ hởi trước kia, ông Vốt- Trưởng thôn Brêp lắc đầu ngao ngán “Thất bại rồi, vỡ mộng sa chi rồi chú ơi”.
Theo ông Vốt, thôn có 119 hộ dân thì 20 hộ truyền tai nhau đi mua giống sa chi với giá 800 nghìn đồng/kg về trồng. Sa chi là giống cây mới, người dân không biết kỹ thuật chăm sóc nên “liều” áp dụng cách thức trồng cà phê để trồng.
“Tưởng mỗi kg hạt sa chi bèo cũng được 600 nghìn đồng nhưng giờ thương lái chỉ trả 40 nghìn đồng. 10 hộ dân trồng sa chi đã phá bỏ, số còn lại vẫn hi vọng mỗi kg sẽ lên thành 200 nghìn đồng để lấy lại vốn. Bản thân mình cũng đầu tư hết 5 triệu đồng vào vườn sa chi nhưng giờ chỉ thu lại được 500 nghìn đồng.”- Ông Vốt nói.
Trưởng thôn Vốt bỏ hoang vườn sa chi của mình |
Theo ông Rý- Trưởng thôn T’leo, lúc nghe tin đồn giá 700 nghìn đồng/kg, nhiều người phá cà phê để trồng sa chi. Giờ thì ai cũng lỗ nặng vì tiền giống, tiền đầu tư quá lớn trong khi bán mỗi kg sa chi chỉ 35 nghìn đồng.
Người dân càng lo sợ hơn khi hơn 1 tháng nay không có thương lái đến mua. “Trong các buổi họp thôn mình đều nói với bà con là cán bộ khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt giống cây này. Cũng vì thế mà diện tích sa chi chỉ dừng lại 2ha.”- Ông Rý nói.
Anh Đinh (thôn T’leo, xã K’dang, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) tiếc nuối vì một năm trước đã lỡ phá 4 sào cà phê để trồng sa chi. Đầu tư gần 20 triệu đồng, giờ anh Đinh chỉ thu lại được vài trăm nghìn đồng. Chưa kể, thương lái đến thu mua được một hai lần với giá 40 nghìn đồng/kg, rồi biệt tăm.
Vườn sa chi của trưởng thôn Vốt một năm trước |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai cho biết: Tỉnh không có chỉ đạo về trồng cây sa chi. Dân 3 huyện Mang Yang, Đắk Đoa, Phú Thiện trồng sa chi tự phát nên chưa có đầu ra, tỉnh cũng chưa có thống kê diện tích cụ thể.
Đến thời điểm này, chỉ có Công ty TNHH Phương Phúc Nguyên ở Kon Tum gửi văn bản đề nghị với ngành trồng thử nghiệm cây sa chi trên địa bàn Gia Lai.
“Chúng tôi phải đánh giá đúng thực trạng, phù hợp với đất đai, biết rõ hiệu quả kinh tế và nằm trong quy hoạch. Đồng thời, yêu cầu công ty trên phải có hợp đồng, cam kết trách nhiệm về đầu ra sản phẩm với từng người dân thì chúng tôi mới đề xuất với tỉnh cho trồng thử nghiệm 4ha ở 3 huyện Krông Pa, Chư Sê, Chư Prông”- Ông Uyển nói.
Theo tiến sĩ Trương Hồng- Quyền viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, nông dân nên tỉnh táo với cây trồng mới vì có thể người ta nâng giá trị ảo lên cao để bán giống, nông dân làm ra sản phẩm lại không bán được cho ai.
Ồ ạt mở rộng diện tích tiêu, người dân 'ngậm quả đắng'
Do ồ ạt mở rộng diện tích tiêu mà không tuân thủ theo quy hoạch của địa phương nên hiện nay nhiều gia đình ở ... |