Võ sĩ pencak silat Trần Thị Thêm: Từng bị chấn thương nặng ở vai, thỉnh thoảng vẫn tái phát

HCB ASIAD 2018 - Võ sĩ nữ Trần Thị Thêm chia sẻ: "Khi luyện tập võ chuyên nghiệp thì tụi mình được học rất nhiều về đạo, nên không bao giờ dùng võ để giải quyết mâu thuẫn cả. Là dân võ nhưng tụi mình rất ngại va chạm".

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

Trần Thị Thêm sinh năm 1996, tại xã Thạch Đồng, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang là võ sĩ nữ tại đội tuyển pencak silat quốc gia. Cô từng đạt nhiều giải thưởng danh giá trong khu vực và thế giới như HCB giải vô địch thế giới năm 2015, HCV châu Á 2016, 2017, 2018; HCB Seagames 2017; HCB Asiad 2018.

Để có thể đi theo nghiệp võ, người con gái Hà Tĩnh này đã phải trải qua nhiều khó khăn. Vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình có anh trai theo học karatedo, chị gái theo pencak silat nên Trần Thị Thêm vốn nuôi trong mình niềm đam mê và ước mơ luyện tập võ thuật chuyên nghiệp

Năm 2010 khi còn là học sinh lớp 8, Trần Thị Thêm lén đi học võ. Đến tháng 8/2012, nữ sinh này 1 mình lên Từ Sơn (Bắc Ninh) để tham gia đội tuyển trẻ. 2 năm sau, cô chính thức ghi tên mình vào đội tuyển pencak silat quốc gia và lên Hà Nội học tập chuyên nghiệp cho tới nay.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Ngoài niềm đam mê từ nhỏ khi nhìn thấy anh chị tập võ thì điều gì khiến bạn quyết định theo học võ?

Năm 2009, SEA game 25 được tổ chức ở Lào, trận chung kết Việt Nam đấu với Thái Lan. Lúc đó mình thích lắm, ước gì mình được đi thi đấu SEA game như vậy. Hơn nữa bản thân cũng có "máu quyết thắng" nên càng ngày càng đam mê. Khi nào còn đam mê thì mình còn cống hiến.

  • Là con út trong gia đình, lại là một cô gái chân yếu tay mềm, khi theo nghiệp võ, bạn đã gặp phải nhiều khó khăn như thế nào?

Mình bắt đầu theo võ từ năm học lớp 8, đó cũng là thời gian chuẩn bị chuyển cấp. Hồi đó, mình đã trốn học thêm để đi luyện võ nên bị cô giáo gọi về nhà. Gia đình biết chuyện thì hốt hoảng lắm, hồi đó còn bị đòn nữa.

Mẹ và anh chị nghĩ mình là con gái, học võ nguy hiểm, sau này còn lập gia đình nên không cho theo. Nhưng hồi đó mình cứ bỏ quần áo vào cặp rồi lén đi học võ. Sau rồi thấy mình thích nên chị gái bắt đầu ủng hộ và giải thích cho gia đình hiểu. Cuối cùng cũng được đồng ý.

Sau này mình theo học chuyên nghiệp rồi thì gia đình ủng hộ hoàn toàn. Nếu như trước kia mọi người còn e sợ thì nay đã trở thành "vinh dự".

  • Khi luyện tập thì một võ sĩ nữ như bạn có được ưu đãi gì hơn so với các bạn nam?

Trong các đội tuyển võ, con gái thường ít hơn con trai nhưng chế độ tập luyện như nhau, không có gì ưu đã cả.

  • Nếu như vậy có lẽ bạn đã từng nhiều lần bị chấn thương?

Năm 2016, mình bị chấn thương khá nặng ở vai, tập tay không được, phải điều trị tại trung tâm y tế của trường khoảng 1 tháng. Cùng năm đó, mình phải đi thi đấu nên vết thương nặng hơn, giờ đã ổn hơn nhưng thỉnh thoảng vẫn đau lại. Trong giải ASIAD 2017 vừa rồi, mình cũng bị đau lại.

  • Khi bị chấn thương thì ai là người giúp bạn vượt qua tất cả để tiếp tục tập luyện?

Ban huấn luyện giúp đỡ mình nhiều. Các thầy làm tâm lý rất tốt, quan tâm, động viên mình rất nhiều. Ngoài ra còn có mẹ nữa. Trước kia, mình bị thương hay kể cho mẹ, mẹ biết thì thương và buồn lắm. Sau này mình không kể nữa, về nhà cứ giả vờ như không có chuyện gì xảy ra vì không muốn mẹ phải lo lắng nữa.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Nói đến con gái luyện võ, nhiều người sẽ cho rằng các bạn sẽ không quá khó khăn khi gặp những mâu thuẫn. Theo võ đã 9 năm, đã bao giờ bạn phải dùng đến võ để đối phó với những tình huống xấu chưa?

Chưa bao giờ. Người ta cứ bảo con gái học võ thường đanh đá, nhưng thực ra không bao giờ. Khi luyện tập võ chuyên nghiệp thì tụi mình được học rất nhiều về đạo, nên không bao giờ dùng võ để giải quyết mâu thuẫn cả. Là dân võ nhưng tụi mình rất ngại va chạm.

Có lần ra ngoài bị nhiều anh đùa hơi quá, nhưng mình chỉ cười cái rồi đi chứ không bao giờ làm gì cả.

  • Con gái thì lành tính như vậy, thế còn con trai võ thì sao? Bạn tiết lộ đôi chút về tính cách chung của các võ sĩ nam được không?

Thực ra con trai thể thao tốt, không chỉ về thể chất mà còn rất tâm lý và điềm đạm nữa. Hầu hết đều là những người sống nội tâm.

  • Vậy bạn có ý định sẽ yêu một võ sĩ nam không?

Mình chưa từng có ý định đấy. Hiện tại mình với bạn trai cũng đang trong giai đoạn tìm hiểu. Hai gia đình biết nhau và ủng hộ hai đứa.

  • Bạn đã từng phải bớt thời gian học phổ thông theo võ, bạn có từng hối tiếc vì sự lựa chọn này?

Vì đam mê nên mình chẳng bao giờ hối tiếc. Mình phân bố được thời gian vừa học vừa tập. Thời gian tập ở Từ Sơn thì cũng mệt nhưng sau này phân bố được. Mình đã xác định đam mê thì dồn cả thanh xuân để theo đuổi.

  • Nếu không học võ thì Thêm sẽ theo nghề gì?

Hồi bé mình từng có suy nghĩ được du học, cho biết đây biết đó, học được nhiều thứ. Nhưng khi theo võ rồi thì chỉ đam mê với cái nghiệp này thôi. Hơn nữa ở đây cũng nhiều bạn gái cùng trang lứa nên không hề buồn tủi gì cả, mà rất vui đấy.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Bao lâu thì bạn về thăm mẹ và anh chị một lần?

Mình ít khi về nhà lắm, chỉ về sau mỗi lần thi đấu xong, 1 năm về được 3 - 4 lần thôi.

  • Lâu mới về như vậy thì đã bao giờ bạn khóc vì nhớ nhà?

Lúc mới đi Từ Sơn để tham gia đội tuyển trẻ, chị gái đưa đi, khi chị vừa quay lưng về là mình khóc 1 tuần liền. Tối cứ ôm chăn khóc, chẳng ai biết gì cả. Mình có gọi về cho mẹ nhưng vẫn phải tỏ ra bình thường vì sợ mẹ buồn. Sau này không khóc nữa nhưng đi ra ngoài đường mà gặp ai giống mẹ thì lại nhớ lắm.

Khi mẹ chuẩn bị đồ cho mình ra xe thì mình với mẹ cũng lại khóc nữa, biết là không nên như vậy nhưng không kìm được nước mắt.

  • Đã bao giờ Thêm làm gì khiến mẹ phải buồn chưa?

Đối với mình, mẹ vừa là mẹ vừa là bố. Mình làm gì cũng chỉ nghĩ về mẹ, khi thi đấu cũng vậy. Mẹ là động lực để mình cố gắng nhiều hơn. Cho nên từ lúc đi thể thao đến giờ, mình chỉ làm những điều khiến mẹ tự hào. Với mình, mẹ lúc nào cũng là số 1.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Từ nhỏ chỉ có mẹ là người lo toan, chăm sóc. Bạn có thấy tủi thân vì thiệt thòi hơn bạn bè cùng trang lứa?

Lúc đi thi đấu về mọi người thường được gia đình ra sân bay đón nhưng mẹ mình ở quê không ra đón được, mình cũng tủi thân lắm. Nhưng mỗi nhà một hoàn cảnh, quan trọng là giờ mẹ mình khỏe mạnh và hai mẹ con thường xuyên nói chuyện qua điện thoại.

  • Lúc ở xa thì hai mẹ con nói chuyện qua điện thoại. Thế còn khi về nhà thì mẹ hay tâm sự những gì với cô con gái út nhưng đã sớm tự lập?

Hai mẹ con hay tâm sự ban đêm lắm. Mẹ vẫn hỏi, hay lo lắng, tâm sự chuyện gia đình. Mỗi lần mình đi thi đấu, mẹ sợ lắm, chỉ dám đứng sau cùng để xem vì sợ nhìn thấy con bị chấn thương. Lúc về là mẹ sờ tay sờ chân xem có bị làm sao không? Dạo gần đây, không mình đau nữa thì mẹ mừng lắm.

  • Mỗi khi chấn thương, mẹ phản ứng như thế nào?

1 đợt mình bị trẹo cổ chân, mẹ chạy đôn chạy đáo, lấy hết thuốc này thuốc kia để chữa trị. Nhưng sau đó mình bảo "con không sao" nên mẹ cũng đỡ lo.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Ngoài quan tâm chăm sóc sức khỏe thì mẹ có lẽ cũng đang lo lắng về chuyện lập gia đình của cô con gái ngoài 20 tuổi của mình?

Chị gái có thể bị giục nhưng mình thì không. Mẹ bảo mình khác, chị gái khác. Mẹ còn nói: "Con cứ theo đuổi đam mê đi. Mẹ sợ con lại phải mất thời gian, sợ con lấy chồng sớm, khi nào có sự nghiệp ổn định rồi nghĩ chồng con".

  • Một mình mẹ gánh vác toàn bộ công việc trong nhà, chăm sóc con cái. Mẹ có khi nào than phiền với đàn con của mình?

Mẹ sống nội tâm và mạnh mẽ lắm. Nhiều lúc mẹ cũng buồn, hay trằn trọc, đi sớm về khuya nhưng mẹ không nói. Mẹ có thể khổ nhưng không bao giờ để con thiệt thòi với đám bạn.

Mình tập thể thao được 9 năm. Mọi kinh tế trong gia đình, mẹ lo hết, chưa bao giờ mẹ xin tiền con cái. Mẹ rất yên tâm về mình nên chưa bao giờ phải quát mắng hay nặng lời.

vo si pencak silat tran thi them tung bi chan thuong nang o vai thinh thoang van tai phat

  • Khi nhắc về mẹ, bạn nhớ nhất kỉ niệm gì?

Lần đầu tiên thi đấu, cả đoàn chỉ có riêng mình là con gái. Mẹ lo lắm nên cứ 15 phút lại gọi 1 lần. Đến năm 2012, khi mình đi từ Hà Tĩnh ra Bắc Ninh, mẹ gọi thường xuyên vì sợ bị lừa, bắt cóc…

Một lần khác khi đi nước ngoài thi đấu, 3h sáng bay, nhưng mình mới nằm ngủ được 1 tí, thì đến 1h sáng mẹ đã gọi em rồi. Nghĩ lại vừa buồn cười vừa thương mẹ. Bình thường ở nhà, mẹ lúc nào cũng coi mình là đứa trẻ con, cần được bảo ban, dạy dỗ nhiều.

  • Tham gia làng võ thuật đã 9 năm, cũng giành được nhiều thành tích lớn nhỏ, bạn đã lo được gì cho gia đình của mình?

Hàng tháng mình vẫn đưa mẹ tiền tiêu vặt nhưng mẹ không lấy. Nên giờ thấy trong nhà thiếu gì thì mình cố gắng sắm sửa giúp mẹ.

Bây giờ mình thấy thỏa mãn mọi vấn đề tình yêu, công việc cho tới gia đình. Chỉ mong sao mẹ mãi khỏe mạnh tiếp tục ở bên con cái.

Cảm ơn bạn. Chúc bạn hạnh phúc và thành công hơn nữa trên con đường đã chọn.

----

BÀI: THU HOÀI | TRÌNH BÀY: CÔ TRỊNH

THEO ĐỜI SỐNG VÀ PHÁP LÝ

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.