Với con cái, ta hãy lắng nghe, đừng độc đoán

Nhiều người làm cha, làm mẹ thường cho rằng mình là người có quyền đối với con cái, bảo gì con phải nghe nấy mà không chưa thật biết rõ rằng độc đoán là một trong những nguyên nhân khiến con cái xa rời chúng ta.
voi con cai ta hay lang nghe dung doc doan
TS. Trần Thành Nam. Ảnh: VGP/Phương Liên

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã trao đổi cùng TS. Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, về vai trò của giáo dục gia đình đối với trẻ vị thành niên, một giai đoạn đặc biệt quan trọng của mỗi con người.

Lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi muốn duy trì một khoảng cách nhất định với bố mẹ, không thích bố mẹ xâm nhập vào thế giới riêng tư và để ý những điều thầm kín của chúng. Vì vậy, các em thường né tránh tiếp xúc với bố mẹ. Đây được xem là đặc tính chung của tất cả những đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên. Bởi vậy, đối với việc hình thành nhân cách, đạo đức lối sống đối với trẻ vị thành niên, gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng.

Mục đích của giáo dục gia đình đối với trẻ vị thành niên là xây dựng, phát triển và hoàn thiện nhân cách cho trẻ. Không chỉ hướng dẫn cho trẻ nhận thức đúng đắn về những giá trị đích thực, những chuẩn mực và khuôn mẫu xã hội, mà còn giúp trẻ nhận thức được bổn phận, nghĩa vụ của mình đối với gia đình và xã hội.

Theo TS. Trần Thành Nam, đối với trẻ vị thành niên, phương pháp giáp dục quan trọng nhất là sự gần gũi, động viên, lắng nghe tâm tư tình cảm của cha mẹ dành cho con cái. Điều này sẽ tạo được cho các em sự tự chủ, nỗ lực vượt khó, có tính độc lập.

Có nhiều cha mẹ luôn có tư tưởng áp đặt độc đoán đối với con cái, cho rằng mình là người lớn có quyền đối với con, bảo gì phải nghe nấy. Theo TS. Trần Thành Nam, phong cách bố mẹ nói gì con răm rắp làm theo sẽ khiến đứa trẻ không thể ứng phó được sự thay đổi trong cuộc sống. Bố mẹ cũng phải học cách thức luôn tôn trọng con, là người đồng hành, hỗ trợ và định hướng cho con chứ không phải là người bảo bọc và ép buộc con theo cách của mình.

Theo TS. Trần Thành Nam, ngay từ khi con còn rất nhỏ, cha mẹ hãy luôn quan tâm và giáo dục con cái đến nơi, đến chốn. Luôn thể hiện sự tôn trọng, hiểu con và ngược lại tạo điều kiện cho con hiểu cha mẹ. Lắng nghe ý kiến và cho phép con tham gia phát biểu ý kiến với tư cách là thành viên gia đình, là người bạn.

Nếu con mắc lỗi, cha mẹ hãy phân tích góp ý và tạo cho con những cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Nếu cần trách phạt con, cha mẹ cần thể hiện sự tâm lý, công bằng, rõ ràng. Nếu sơ suất trong cư xử để con chịu thiệt thòi sẽ hình thành những tâm lý không phục, mặc cảm, đối kháng ở trẻ và đây là yếu tố dễ dẫn đến trẻ hư hỏng, phạm lỗi lầm.

Với trẻ ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần phải hiểu và thông cảm, luôn gần gũi, chia sẻ với con, thường xuyên theo dõi mọi sự thay đổi của con. Tùy theo sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi mà có biện pháp giáo dục phù hợp. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đặc biệt để định hướng, điều chỉnh với diễn biến tâm lý, không để trẻ tự do phát triển nhân cách. Cân nhắc, đáp ứng đúng những mong muốn, đề nghị của con nếu chính đáng, trao đổi giúp con hiểu rõ thông tin và đi đến quyết định đúng.

TS. Trần Thành Nam cũng gợi ý cha mẹ có thể tác động và định hướng con đến với những nhóm bạn phù hợp với giá trị gia đình. Có nhiều cách thức để bố mẹ thực hiện điều đó dựa trên những điểm mạnh của con, chọn cho con những hoạt động nào đó con vừa thích vừa được sinh hoạt chung với những nhóm bạn tốt. Như thế bố mẹ sẽ giúp con tạo được những nhóm bạn tốt xung quanh con, những nhóm xã hội tích cực. Trẻ sinh hoạt trong những nhóm đó sẽ hình thành được những giá trị như cha mẹ mong muốn.

Ngày nay, khi mức sống ngày càng được nâng lên, nhiều gia đình dư giả tiền bạc đã để con cái mình hưởng thụ quá sớm. Điều này vô tình đẩy các em vào lối sống sa đọa, dễ hư hỏng.

Được sống trong môi trường chỉ biết nhận và hưởng thụ nên hầu hết trẻ hình thành thói quen sống lười biếng, ích kỷ, không hiểu được giá trị của lao động. Trong khi đó, cha mẹ lại bận rộn, mải mê làm kinh tế, không có thời gian gần gũi, chăm sóc, lắng nghe những tâm tư, tình cảm để định hướng kịp thời cho con trẻ.

Ngoài ra, ảnh hưởng của thời đại kỹ thuật số khiến cho trẻ vị thành niên thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cao. Ảnh hưởng từ những trò chơi bạo lực, từ những động thái quá khích trong các phim hành động, kiếm hiệp… đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhân cách và việc hoàn thiện nhân cách của trẻ vị thành niên.

Trước những điều tiêu cực khó lường trong cuộc sống, cha mẹ bên cạnh việc quan tâm, chăm sóc về sức khỏe, học tập, rèn dạy các kỹ năng trong cuộc sống cho con, còn phải giáo dục con về cách ứng xử với ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè, với các thầy cô giáo và những người xung quanh; dạy dỗ trẻ biết làm những công việc phù hợp với lứa tuổi để tự chăm sóc bản thân và phụ giúp người lớn...

TS. Trần Thành Nam cũng nhấn mạnh các gia đình cần trang bị cho trẻ vị thành niên càng sớm càng tốt những kiến thức cơ bản về giới tính, hình thành cho trẻ quan điểm tích cực về giới tính, tình dục lành mạnh để chúng có được thái độ, hành vi đúng và có trách nhiệm với những quyết định của mình.

Gia đình là tế bào của xã hội. Nếu mỗi gia đình đều thực hiện được những giải pháp này để cùng nhà trường và xã hội hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ vị thành niên - thế hệ tương lai của đất nước - là đã góp phần xây dựng gia đình văn hóa, con người văn hóa Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.