Vốn hóa mất gần 2.000 tỉ sau 4 ngày, Yeah1 đang làm gì?

Sau 4 phiên giảm sàn liên tiếp với vốn hóa bị “thổi bay” gần 2.000 tỉ đồng, Yeah1 đã công bố nghị quyết mua vào cổ phiếu quỹ. Đây được cho là động thái trấn an các nhà đầu tư, nâng đỡ giá cổ phiếu, phát đi tín hiệu ban điều hành vẫn lạc quan về triển vọng của công ty.

Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (MCK: YEG) chiều muộn 7/3 đã công bố nghị quyết thông qua phương án mua vào cổ phiếu quỹ. Cổ phiếu YEG đã giảm sàn phiên thứ tư liên tiếp trong tuần, với mức giảm hơn 25% và đang tiếp tục giảm trong phiên giao dịch hôm nay, ngày 8/3.

Công ty mua cổ phiếu quỹ, sếp lớn cũng tăng cường mua 

Tổng số cổ phiếu dự kiến đăng kí mua là 600.000 cổ phiếu, tương đương 1,9182% số lượng cổ phiếu đã phát hành của công ty.

Giá cổ phiếu quỹ mua vào theo giá trị thị trường tại thời điểm thực hiện giao dịch.

Vốn hóa mất gần 2.000 tỉ sau 4 ngày, Yeah1 đang làm gì? - Ảnh 1.

Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Yeah1 vừa công bố nghị quyết thông qua phương án mua lại cổ phiếu quỹ vào chiều muộn 7/3.

Thời gian giao dịch dự kiến sau khi có công văn chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và kể từ ngày công ty công bố thông tin. Thời hạn mua tối đa không qua 30 ngày kể từ khi bắt đầu thực hiện giao dịch.

Nguồn tiền để mua cổ phiếu quỹ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần.

Trước đó, ngày 4/3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch HĐQT Yeah1, đã đăng kí mua 100.000 cổ phiếu. Hiện tại, ông Tống đang là cổ đông lớn nhất của Yeah1, sở hữu 11,33 triệu cổ phiếu (tương đương 37,08%). Nếu hoàn tất giao dịch, Chủ tịch Yeah1 sẽ nâng số cổ phiếu sở hữu tại doanh nghiệp lên 11,43 triệu đơn vị.

Cùng với ông Tống, Phó Tổng giám đốc Tài chính Võ Thái Phong cũng đăng kí mua 50.000 cổ phiếu, để nâng số cổ phiếu nắm giữ tại doanh nghiệp lên 124.402 đơn vị.

Các giao dịch của hai lãnh đạo này dự kiến được thực hiện trong vòng một tháng, bắt đầu từ ngày 8/3.

Động thái này được nhận định nhằm mục đích trấn an nhà đầu tư sau sự cố YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung, bắt đầu cuối tháng 3 tới.

2.000 tỉ đồng bị 'thổi bay' sau 4 ngày và tiếp tục mất

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, đà giảm giá cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah 1 vẫn chưa dừng. Mỗi cổ phiếu YEG giảm tiếp 12.800 đồng (6,98%), giao dịch ở mức 170.600 đồng (lúc 10h30). Mức giá này chỉ còn bằng một nửa so với đỉnh cao nhất của cổ phiếu này thời điểm tháng 6/2018.

Chốt phiên giao dịch ngày 7/3, thị giá cổ phiếu YEG đứng ở mức 183.400 đồng, giảm 13.800 đồng so với phiên 6/3, là phiên thứ 4 giảm sàn và tiếp tục bị các nhà đầu tư bán tháo. Nếu so với mức giá đóng cửa cuối tuần trước (1/3), ở mức 245.000 đồng/cổ phiếu, thì mỗi cổ phiếu YEG mất 61.200 đồng.

Giá cổ phiếu YEG hôm đầu tuần 4/3, cũng là ngày mở đầu "sự cố Youtube", được giao dịch mức 227.900 đồng/cổ phiếu, giảm đến 17.100 đồng/cổ phiếu ngay khi dính sự cố Youtube. Sang ngày 5/3, mỗi mã YEG tiếp tục giảm 15.900 đồng, về mốc 212.000 đồng/cổ phiếu, và đến phiên 6/3 tiếp tục giảm về mốc 197.200 đồng/cổ phiếu.

Chỉ tính trong 4 phiên từ đầu tuần này, vốn hóa Công ty CP Tập đoàn Yeah1 đã giảm gần 2.000 tỉ đồng, từ mốc 7.600 tỉ đồng xuống còn hơn 5.700 tỉ đồng. Như vậy, chỉ trong vài ngày YEG đã mất hơn 25% thị giá.

Vốn hóa mất gần 2.000 tỉ sau 4 ngày, Yeah1 đang làm gì? - Ảnh 2.

Phiên giao dịch ngày 7/3 là phiên giảm sàn thứ tư liên tiếp của mã chứng khoán YEG. Nguồn: CTCK VNdirect.

Trong 3 phiên giảm sàn trước đó (4-6/3), tổng lượng cổ phiếu YEG được giao dịch chỉ 47.430 đơn vị, lượng dư bán xấp xỉ 400.000 đơn vị. Riêng phiên 7/3, có 470.780 cổ phiếu YEG được khớp lệnh, hầu hết ở giá sàn 183.400 đồng.

Khối lượng giao dịch ngày 7/3 cao gấp 50 lần trung bình 10 phiên gần nhất, và nhiều hơn tổng lượng cổ phiếu khớp lệnh từ đầu năm 2019.

Việc cổ phiếu YEG giảm sàn liên tục cho thấy Yeah1 đang bị ảnh hưởng nặng nề khi YouTube tuyên bố chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung từ ngày 31/3, đối với các công ty con hoặc công ty đầu tư tài chính có hoạt động kinh doanh liên quan mảng YouTube Adsense của Tập đoàn, gồm SpringMe Pte. Ltd., Yeah1 Network Pte Ltd và ScaleLab LLC.

Nguyên nhân do YouTube cho rằng SpringMe Pte. Ltd. (công ty có trụ sở tại Thái Lan, Yeah1 sở hữu gián tiếp 16,93%) đã có hoạt động quản lí tuyển chọn kênh chưa phù hợp với chính sách của YouTube. Điều này dẫn tới việc YouTube áp dụng chính sách tương tự với cả Yeah1.

Sự cố YouTube, Yeah 1 nói chỉ "mất" 12,9% tổng lợi nhuận

Báo cáo kết quả kinh doanh quí IV/2018, Yeah1 cho biết  doanh thu đạt 623 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 49 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 79% và 45% so với cùng kì năm 2017.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh kĩ thuật số trên YouTube và xuất bản nội dung số tăng mạnh hơn 93%, chiếm lần lượt 55,6% doanh thu và 88,6% lợi nhuận toàn tập đoàn. Yeah1 chỉ ra nguyên nhân của việc tăng trưởng ấn tượng này do tăng số lượng kênh/nhà sáng tạo nội dung trong mạng lưới.

Vốn hóa mất gần 2.000 tỉ sau 4 ngày, Yeah1 đang làm gì? - Ảnh 3.

Cơ cấu doanh thu của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 trong năm 2018. (Nguồn: Yeah1).

Mô hình kinh doanh Yeah1 công bố cho thấy, mảng kinh doanh kĩ thuật số của hãng hiện có doanh thu 55,6% và đóng góp 84,1% lợi nhuận sau thuế của toàn tập đoàn. Mảng này gồm 2 lĩnh vực chính là kinh doanh trên YouTube và xuất bản nội dung số.

Năm 2018, mảng kinh doanh trên YouTube mang lại cho Yeah 1 đạt 27,8% doanh thu và 51% lợi nhuận sau thuế.

Hoạt động này lại chia ra thành 2 nhánh, gồm bán hàng trực tiếp và YouTube MCN (quản lí các kênh YouTube). YouTube MCN cũng chính là mấu chốt liên quan rắc rối hãng này gặp phải với YouTube.

Vốn hóa mất gần 2.000 tỉ sau 4 ngày, Yeah1 đang làm gì? - Ảnh 4.

Theo Yeah1: "Trong trường hợp xấu nhất YouTube chấm dứt thỏa thuận Lưu trữ nội dung (CHSA) của Yeah1 thì phần doanh thu chỉ ảnh hưởng đến việc quản lí các kênh của bên thứ ba, chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu".

Hiện mảng kinh doanh YouTube MCN của Yeah1 lại được tiếp tục chia làm 2 nhánh nhỏ, gồm quản lí các kênh tự sở hữu và quản lí kênh của bên thứ 3 (đối tác).

Năm 2018, tổng doanh thu từ YouTube MCN là 309 tỉ đồng (tương đương 13,3 triệu USD), trong đó 1,35 triệu USD từ các kênh YouTube tự sở hữu và 11,95 triệu USD từ các kênh của bên thứ ba.

Tuy nhiên, do biên lợi nhuận từ các kênh tự sở hữu là trên 50%, trong khi đó, lợi nhuận từ việc quản lí kênh của bên thứ ba chỉ khoảng 8%, vì vậy, lợi nhuận ròng sau thuế liên quan đến việc quản lí các kênh YouTube này chỉ khoảng 1 triệu USD, tương đương 12,9% tổng lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn.

"Trong trường hợp xấu nhất YouTube chấm dứt thỏa thuận Lưu trữ nội dung (CHSA) của Yeah1 thì phần doanh thu chỉ ảnh hưởng đến việc quản lí các kênh của bên thứ ba chứ không ảnh hưởng đến hoạt động của các kênh YouTube tự sở hữu", đại diện Yeah1 khẳng định.