Họp báo thường kì tại trụ sở Bộ Công Thương ở Hà Nội, ngày 4/7. (Ảnh: Đức Huy).
Mở đầu buổi họp báo thường kì chiều nay, 4/7 của Bộ Công Thương, câu chuyện Central Group đột ngột dừng mua hàng của các doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã nhận được nhiều quan tâm. Lãnh đạo Bộ cho biết sáng nay, Bộ Công Thương đã làm việc với Big C cùng đại diện chủ sở hữu, là Tập đoàn Central Group Thái Lan, trước thông tin doanh nghiệp này bất ngờ ngừng nhập hàng may mặc được sản xuất bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, tại buổi làm việc, Big C cam kết ngay trong ngày hôm nay sẽ mở đơn hàng cho 50 nhà cung cấp dệt may Việt Nam, sau 15 ngày tiếp theo sẽ mở thêm đơn hàng cho 100 doanh nghiệp khác.
Đại diện Central Group cũng khẳng định việc ngừng nhập hàng chỉ là tạm thời. Giải thích cho quyết định đầy bất ngờ vào tối 2/7 vừa qua, Central Group cho biết tập đoàn đang triển khai chiến lược mới cho ngành hàng may mặc tại Việt Nam, do đó cần có thời gian để sắp xếp lại các kênh phân phối.
Bộ Công Thương yêu cầu Central Group phải thực hiện đúng các điều khoản hợp đồng thương mại đã kí với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, đồng thời phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Trước yêu cầu của Bộ Công Thương, Central Group nhấn mạnh tập đoàn luôn tuân thủ các hợp đồng thương mại đã kí với đối tác, và không vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam.
Tuy nhiên, Central Group cũng cho biết hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã không đáp ứng đủ những tiêu chuẩn sản phẩm mà những doanh nghiệp này đã kí kết.
Central Group đang đầu tư rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam. (Ảnh: Inside Retail Asia).
Thông tin từ lãnh đạo Bộ Công Thương tại buổi họp báo thường kì chiều nay cho biết, Tập đoàn Central Group chỉ có thời hạn sở hữu Big C trong vòng 10 năm, hoàn toàn không phải là vĩnh viễn.
Hiện tại Central Group đang làm việc với 4.000 nhà cung cấp tại Việt Nam, trong đó có 200 nhà cung cấp các mặt hàng may mặc.
Năm 2018, Central Group đã tạo ra việc làm cho hơn 17.000 lao động trực tiếp, hàng chục ngàn lao động gián tiếp. Riêng Big C hiện cũng đang tạo ra 9.000 việc làm cho người lao động.
Ngoài ra, trong năm 2018, Central Group đã nộp ngân sách hơn 1.000 tỉ đồng trong đó, Big C đóng góp hơn 500 tỉ đồng.
Bộ Công Thương cho biết Việt Nam nghi nhận những đóng góp của tập đoàn này trong việc tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước cũng như thiết lập mạng lưới phân phối hàng hóa dày đặc.
Tuy nhiên, Bộ cũng nhấn mạnh Việt Nam đã rất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài đến, làm việc và kinh doanh tại Việt Nam, và cũng sẽ luôn bảo về quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam, không để doanh nghiệp ngoại o ép hàng Việt.
Trong phiên làm việc này, Tổng thư kí Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng đã kí một nguyên tắc hợp tác với Central Group, để làm cơ sở giải quyết các vướng mắc sau này.
Trong thư gửi tới các đối tác tối 2/7, Big C cho hay: "Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của Tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019".
Thông báo cũng nêu rõ: "Tất cả vấn đề phát sinh trước ngày 2/7 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của hợp đồng hợp tác thương mại".
Do đó, kể từ tối qua, các hệ thống của Big C trên khắp cả nước đã tạm ngừng nhận, nhập các lô hàng mới từ các đối tác. Sáng nay, ngày 3/7, Big C đã tiến hành trả hết hàng cho các doanh nghiệp.
Nguyên nhân được Big C đưa ra trước những động thái vô cùng bất ngờ này là do việc " tái cấu trúc ngành hàng may mặc" theo những hợp đồng thương mại của Central Group Thái Lan.