Cuộc đấu khẩu với những ngôn từ chợ búa, tục tĩu giữa giáo viên trung tâm Tiếng Anh MST English với học viên khiến nhiều người cho rằng sự việc này là mâu thuẫn giữa các bên trong việc thực hiện các thỏa thuận, cam kết ban đầu. Mối quan hệ thầy – trò ở các trung tâm Tiếng Anh suy cho cùng chỉ là giữa người bán – kẻ mua, và hàng hóa ở đây là kiến thức.
"Kỉ luật thép" của trung tâm Tiếng Anh MST English gây nhiều tranh cãi. |
Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Dũng English Speaking, giáo viên 1 trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội để có được góc nhìn từ phía những người - theo suy nghĩ của không ít người là người đi bán kiến thức.
- Là người trực tiếp dạy học viên là người đã đi làm, theo anh, việc dạy tiếng Anh cho nhóm người học này sẽ có gì khác biệt và khó khăn hơn so với dạy học sinh, sinh viên?
Dựa trên đặc điểm của từng nhóm người học, giáo viên sẽ phải có những phương pháp dạy khác nhau để đem lại hiệu quả nhất.
Đối với những người đi làm, việc bắt họ làm hết được bài tập được giao về nhà là rất khó. Bởi việc đi học thêm tiếng Anh hay bất cứ một ngoại ngữ nào khác chỉ là yếu tố phụ. Thời gian chính của họ là đi làm, kiếm tiền để nuôi sống gia đình và bản thân. Đôi khi họ cũng có những công việc riêng đột xuất. Đây cũng là điểm mà giáo viên cần phải hiểu và phải thông cảm để có những biện pháp linh hoạt.
Bên cạnh yếu tố về thời gian thì người đi làm rồi cũng rất khó tập trung cho việc học. Họ còn có công việc chính, đi công tác, giải quyết các mối quan hệ họ hàng, gia đình… là những nguyên nhân khiến học viên dễ sao nhãng việc học.
Với những học viên nữ ngoài 30 tuổi, đã lập gia đình thì việc làm bài tập về nhà thường xuyên rất khó. Bởi họ còn chăm con, gia đình, công việc ở cơ quan chưa làm hết lại đem về nhà làm… nên cả buổi tối chỉ bận bịu những thứ ấy thì cũng khó có thời gian để ngó ngàng đến bài tập.
- Theo quan điểm của ông thì giáo viên sẽ không ép học viên làm bài tập về nhà, nếu như không có những biện pháp để ép học viên chăm chỉ học thì điều này có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả của khóa học và chất lượng của trung tâm?
Tôi tin rằng khi ở trên lớp, động lực mà giáo viên truyền cho học viên mới là yếu tố để thúc đẩy học viên muốn đi học và sắp xếp thời gian, công việc chính để có thể đến lớp học quan trọng hơn rất nhiều so với việc ép họ phải làm bài tập về nhà đầy đủ.
Nhưng để có thể truyền động lực học tới học viên trong từng buổi học chỉ có khoảng 1,5h, giáo viên cần phải có phương pháp dạy cuốn hút, có sự tương tác 2 chiều với học viên.
- Việc thực hiện “kỉ luật thép” như phạt tiền, đuổi học sẽ khiến học viên sợ và chăm chỉ học hơn. Theo ông, điều này có hợp lí không?
Nếu gọi là phạt tiền thì cũng không hẳn đã đúng, mà nên gọi là quỹ chung của lớp mà mọi người cùng đóng góp vào. Việc phạt tiền khi học viên không làm đầy đủ bài tập hay học từ vựng, ngữ pháp… là hình thức phổ biến trong các trung tâm Tiếng Anh hiện nay. Nhưng việc đóng góp bao nhiêu đối với mỗi lỗi phạt thì cần phải tham khảo ý kiến của mỗi thành viên trong lớp để đi đến kết luận thống nhất.
Giáo viên cũng phải tôn trọng tất cả mọi người, dù học viên của mình là những người lớn tuổi bằng bố mẹ mình hay là học sinh, sinh viên. Mình không được và không nên áp đặt hay đứng ở vị trí cao hơn để mắng chửi, mạt sát họ.
Tuy nhiên cũng cần có phương pháp để học sinh phải lắng nghe, sửa sai và tuân theo những quy định của lớp học, đảm bảo chất lượng chất lượng đầu ra của học viên. Việc nạt nộ, quát mắng sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn giáo viên cần phải tìm ra được những cách để chấn chỉnh những học viên này, chăng hạn như mời học viên ra khỏi lớp, chép phạt.
Cuộc đấu khẩu vưới ngôn từ tục tĩu chợ búa diễn ra ngay trong lớp học. |
- Nếu ở trong tình huống học viên không chịu làm bài tập về nhà nhưng cũng không chịu nộp phạt thì ông sẽ xử lí như thế nào?
Trong mối quan hệ giữa người – người trước tiên cần phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Dù là giáo viên đối với học viên mắc lỗi sai thì cũng phải tôn trọng họ và không được phép nói những câu mạt sát, mắng chửi học viên bằng ngôn ngữ chợ búa.
Đồng thời, để có thể giải quyết ổn thỏa tình huống này, giáo viên cần phải nắm bắt được tâm lí học viên của mình và nên nói chuyện riêng với học viên chứ không nên nói trực tiếp trước tất cả các thành viên trong lớp. Bởi như vậy họ sẽ xấu hổ, mặc cảm, rất khó để theo học tiếp lớp học đó hay trung tâm đó.
Trong cuộc nói chuyện riêng đó, giáo viên giải thích cụ thể về tình trạng học hiện tại thì rất khó đạt được mục tiêu đề khóa học, hỏi thăm những khó khăn khiến học viên không duy trì được mức độ chuyên cần, đưa ra những lựa chọn cho học viên như sắp xếp thời gian để tiếp tục học hoặc bảo lưu cho khoá học sau đó.
- Nhiều người cho rằng mối quan hệ giáo viên ở các trung tâm – học viên là mối quan hệ giữa người bán tri thức – kẻ mua kiến thức. Quan điểm của ông về nhận xét này như thế nào?
Tôi cho rằng đây là suy nghĩ quá theo chiều hướng kinh tế hóa và thực tế. Nếu là suy nghĩ của người ngoài (không phải giáo viên) thì tôi thấy có chút chạnh lòng cho bản thân và những giáo viên dạy học bằng tâm huyết của mình.
Còn nếu suy nghĩ này xuất hiện trong nhiều giáo viên thì mục tiêu mà họ đặt ra chỉ là kiếm tiền chứ không phải là giúp đỡ, chia sẻ kiến thức với người khác. Tồn tại suy nghĩ trong đầu cũng là nguyên nhân này khiến giáo viên khó có được tâm huyết với nghề dạy học. Đồng thời thể hiện rằng họ cũng không có mong muốn phát triển bản thân trong nghề dạy học mà chỉ cố phấn đấu để làm sao kiếm được thật nhiều tiền.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Sở GD&ĐT Hà Nội công bố 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học đăng kí hoạt động
Tính đến ngày 5/1, đã có 513 trung tâm ngoại ngữ, tin học được Sở GD&ĐT Hà Nội cấp phép hoạt động trên địa bàn ... |
Vụ trung tâm Tiếng Anh có giáo viên chửi học viên là lợn: Sao cứ lên mạng thì chính quyền mới biết?
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, vụ việc trung tâm Tiếng Anh dạy "chui" có giáo viên chửi học viên là "con lợn" cho thấy ... |