Vụ 'BOT hầm Đèo Ngang thu phí vượt thời gian': Còn hơn 31 tỉ đồng tiền thu 'quá tay' chưa được nộp vào ngân sách

Trong vụ BOT hầm Đèo Ngang thu phí vượt thời gian, Bộ GTVT vừa cho hay Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà đã nộp hơn 57 tỉ đồng vào ngân sách trong tổng số hơn 88 tỉ đồng được xác định là thu "quá tay".
Vụ BOT hầm Đèo Ngang thu phí vượt thời gian: Còn hơn 31 tỉ đồng tiền thu quá tay chưa được nộp vào ngân sách - Ảnh 1.

Trạm thu phí hầm Đèo Ngang. (Ảnh: Dân trí).

Liên quan đến thông tin Bộ Công an điều tra dự án BOT hầm Đèo Ngang của Tổng công ty Sông Đà, theo thông tin chúng tôi nhận được, Bộ GTVT mới có văn bản gửi đơn vị này.

Cụ thể, văn bản số 3112/BGTVT-ĐTCT của Bộ GTVT gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an cung cấp thông tin về việc quyết toán hợp đồng BOT hầm Đèo Ngang.

Theo tìm hiểu, do lưu lượng giao thông tăng cao nên thời gian thu phí hoàn vốn dự án BOT trên được rút ngắn khoảng 7 năm 10 tháng so với hợp đồng và kết thúc thu phí vào khoảng tháng 4/2015.

Tuy nhiên, dự án BOT hầm Đèo Ngang lại thu phí đến tháng 12/2016. Sự việc này được phát hiện khi Bộ GTVT thanh tra dự án vào năm 2016.

Theo văn bản 3112 nêu trên của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đề nghị Tổng công ty Sông Đà nộp số tiền thu vượt vào ngân sách nhà nước là 88.361.971.000 đồng.

Ngày 25/3/2019, Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản báo cáo về việc Công ty TNHH MTV hạ tầng Sông Đà (doanh nghiệp dự án) đã nộp số tiền 57.156.625.000 đồng vào ngân sách nhà nước ngày 22/3/2019.

Đồng thời, phía Sông Đà đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục xem xét giải quyết một số nội dung chưa thống nhất như khoản hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, nguyên tắc tính lãi vay giai đoạn xây dựng và giai đoạn khai thác.

"Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục Đường bộ đàm phán, thống nhất các nội dung còn lại, xác định chính xác thời gian thu phí, số tiền nhà đầu tư phải nộp trả ngân sách nhà nước.

Kết quả thực hiện, Bộ GTVT sẽ báo cáo kịp thời đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an", Bộ GTVT cho hay.

Ngày 15/5, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết dự án đang quyết toán còn nhiều vấn đề tranh cãi.

"Mặc dù công an đang điều tra nhưng có nhiều vấn đề chưa rõ về quan điểm xử lí", vị này cho biết thêm.

Trước đó, vào năm 2017, Tổng công ty Sông Đà đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc vướng mắc trong điều chỉnh hợp đồng BOT của dự án này (hợp đồng ký năm 2002 giữa Bộ GTVT và Tổng công ty Sông Đà).

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng công ty Sông Đà, từ khi dự án hoàn thành (8/10/2004) cho đến năm 2015 các bên mới chính thức thực hiện điều chỉnh hợp đồng BOT và cho đến nay vẫn chưa thống nhất được phương án tài chính của dự án do quan điểm xác định doanh thu và chi phí của dự án còn nhiều ý kiến trái chiều.

Được biết, Tổng công ty Sông Đà đã thực hiện yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm dừng thu phí trạm Đèo Ngang dự án hầm đường bộ qua Đèo Ngang, phối hợp chốt doanh số thu phí của dự án, rà soát chi phí để xác định thời gian thu phí của dự án, điều chỉnh hợp đồng BOT.

Cũng theo thông tin từ Tổng công ty Sông Đà, công trình hầm đường bộ qua Đèo Ngang có phía Bắc thuộc tỉnh Hà Tĩnh; phía Nam thuộc tỉnh Quảng Bình.

Chiều dài dự án là 2849,4m; trong đó tổng chiều dài hầm là 495m (rộng 11,9m, cao 7,5m); tổng chiều dài 2 cầu trên tuyến là 234,4m. Đường dẫn dài 2165m.

Cũng theo Tổng công ty Sông Đà, dự án bắt đầu xây dựng từ tháng 4 năm 2003 và hoàn thành vào tháng 8 năm 2004.

Giải pháp công nghệ đào hầm do nhóm tác giả thuộc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải thực hiện, dựa trên công nghệ được chuyển giao từ dự án xây dựng hầm đường bộ Hải Vân.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.