Vụ góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Ngân hàng Nhà nước giải đáp ý kiến luật sư

Sáng 24/3, phiên tòa xét xử vụ án góp vốn 800 tỷ đồng của PVN vào OceanBank tiếp tục với phần tranh luận.
vu gop von 800 ty dong vao oceanbank ngan hang nha nuoc giai dap y kien luat su
Bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) đối chất tại tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã tham gia đối đáp với các quan điểm bào chữa của luật sư. Đáng lưu ý, tại phiên tranh luận sáng nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi tới Hội đồng xét xử công văn số 1861 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 23/3/2018, trong đó có giải đáp nhiều ý kiến tranh luận của các luật sư.

Thỏa thuận góp vốn phải đưa ra Hội đồng quản trị PVN thảo luận

Trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát đã trích dẫn bài bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng) cho rằng: Các thành viên Hội đồng quản trị đã biết và thống nhất để bị cáo Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn số 6934 ngày 18/9/2008 với Hà Văn Thắm. Cụ thể là Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Ngọc Sự (đều nguyên là Phó Tổng Giám đốc PVN) là thành viên Hội đồng quản trị nên khi báo cáo việc thỏa thuận góp vốn vào OceanBank, hai người này đương nhiên nắm được và mặc nhiên đã đồng ý.

Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Nguyễn Xuân Sơn chỉ là Trưởng ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt và Nguyễn Ngọc Sự chỉ là Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính kế toán PVN, chứ không phải là thành viên Hội đồng quản trị. Do đó, ý kiến của luật sư cho rằng các thành viên Hội đồng quản trị đã biết và coi đó là mặc nhiên đã thống nhất, đồng ý là không có căn cứ.

Việc thỏa thuận góp vốn theo văn bản số 6934 được ký kết giữa bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN (đại diện PVN) và Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, đại diện OceanBank), nhưng các thành viên Hội đồng quản trị PVN chỉ biết thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30/9/2008. Mặt khác, theo quy định của Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN thì vấn đề này phải được đưa ra Hội đồng quản trị PVN thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết theo nguyên tắc tập thể.

Đại diện Viện Kiểm sát nhấn mạnh, bản thân bị cáo Đinh La Thăng cũng ý thực được vi phạm này nên vào đầu năm 2017 khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, bị cáo Thăng đã nhờ các ông bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa, Đỗ Văn Đạo (nguyên thành viên Hội đồng quản trị PVN) xác nhận bị cáo đã có bàn bạc thống nhất về chủ trương và giao cho bị cáo Đinh La Thăng thực hiện. Tuy nhiên, sự thật không đúng như vậy. Trong phần bào chữa, bị cáo Thăng cho rằng mình không che giấu hành vi vi phạm. Song trên thực tế, bị cáo Thăng muốn che giấu khi bị kiểm tra và tại Cơ quan điều tra khi chưa bị khởi tố, bị cáo Thăng đã đưa tài liệu này ra để chứng minh việc đã có sự thống nhất của các thành viên Hội đồng quản trị. Sau đó, Cơ quan điều tra đã phải chứng minh đó không phải là sự thật, cũng như những nội dung Viện Kiểm sát đã làm rõ tại phiên tòa.

Liên quan đến nội dung này, trong phần bào chữa của luật sư Phan Trung Hoài đã đề nghị Viện Kiểm sát giải thích vì sao Kết luận điều tra có đưa nội dung này nhưng Cáo trạng truy tố đã loại bỏ mà trong luận tội, đại diện Viện Kiểm sát lại nêu ra để chứng minh hành vi vi phạm của bị cáo Đinh La Thăng.

Về ý kiến này, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị luật sư xem kỹ nội dung Cáo trạng số 13 ngày 27/12/2017 tại trang 4 đã nêu rất rõ: “Đến thời điểm này các thành viên Hội đồng thành viên mới biết PVN có chủ trương góp vốn vào OceanBank. Tháng 3/2017, Đinh La Thăng điện thoại nhờ xác nhận việc Hội đồng quản trị PVN đã bàn bạc, thống nhất về chủ trương PVN góp vốn vào OceanBank và giao cho Đinh La Thăng ký Thỏa thuận số 6934/TTHT với OceanBank. Do cả nể nên ông Hùng, ông Cảnh, bà Hòa đã ký xác nhận cho Đinh La Thăng vào Giấy xác nhận ghi ngày 28/3/2017, nhưng trên thực tế thời điểm Đinh La Thăng ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank, ông Cảnh, ông Hùng và bà Hòa không được Đinh La Thăng trao đổi, bàn bạc, riêng ông Đỗ Văn Đạo không ký xác nhận theo đề nghị của Đinh La Thăng”.

Chấp thuận OceanBank tăng vốn không đồng nghĩa với chấp thuận cho PVN góp thêm vốn

vu gop von 800 ty dong vao oceanbank ngan hang nha nuoc giai dap y kien luat su
Bị cáo Phan Đình Đức (sinh năm 1960), nguyên thành viên Hội đồng thành viên PVN đối chất tại tòa. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tại phiên tòa sáng 24/3, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi tới Hội đồng xét xử Công văn số 1861 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 23/3/2018, trong đó có giải đáp nhiều ý kiến đối đáp của các luật sư.

Cụ thể, tại phần bào chữa của luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Thăng có ý kiến cho rằng: Khi Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 1/1/2011, nhưng thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa có văn bản hướng dẫn việc thoái vốn khi vi phạm tỷ lệ sở hữu tại Luật các tổ chức tín dụng. Đến ngày 1/6/2015, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư 06/2015 hướng dẫn về thời hạn, trình tự, thủ tục thoái vốn khỏi các ngân hàng thương mại cổ phần? Đây có phải là nguyên nhân cản trở việc PVN thoái vốn tại OceanBank?

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã trích dẫn Khoản 5, Điều 161 - Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Thông tư 06/2015 ngày 1/6/2015 quy định cụ thể về thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với các tổ chức tín dụng có cổ đông sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước xác định: Thông tư 06/2015 không quy định trình tự, thủ tục thoái vốn như ý kiến của luật sư đã đề cập.

Tại phiên tòa, ý kiến của các luật sư cho rằng: Liên quan đến đợt góp vốn 300 tỷ đồng của PVN vào OceanBank, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn 6382 ngày 23/8/2010 chấp thuận việc OceanBank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng. Như vậy, việc góp vốn 300 tỷ đồng trên đây của PVN vào OceanBank đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Đối với Công văn 6382 chấp thuận việc OceanBank tăng vốn điều lệ từ 2.000 tỷ đồng lên 5.000 tỷ đồng, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, nội dung công văn này không chấp thuận việc PVN góp thêm vốn vào OceanBank.

Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề nghị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xem xét trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác tránh ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, cũng như những tác động tiêu cực đến hoạt động các ngân hàng.

Chiều 24/3, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa.

vu gop von 800 ty dong vao oceanbank ngan hang nha nuoc giai dap y kien luat su Ông Đinh La Thăng: 'Hãy đối xử với bị cáo như chính thân phận của các vị'

Ngay sau phần đối đáp của VKS, ông Đinh La Thăng đã có phần tự bào chữa bổ sung, theo đó, ông Thăng khẳng định ...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.