Vụ hành hung nữ nhân viên sân bay Nội Bài: Có thể khởi tố hình sự ?

Theo nhận xét của Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì đây là vụ việc vi phạm có tổ chức, căn cứ theo mức độ vi phạm để có hình thức xử lý nghiêm minh.

Những ngày qua, dư luận hết sức xôn xao về vụ việc nữ nhân viên của VietnamAriline bị 2 người đàn ông túm đánh ngay tại sân bay Nội Bài. Đến nay, sau khi xác minh, danh tính hai người đàn ông này đã được làm rõ nhưng vụ việc đang có những diễn biến phức tạp khi mà những người trong cuộc đang đưa ra những thông tin trái chiều.

Dưới góc nhìn pháp lý, Phóng viên Việt Nam Mới đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ những tình tiết vụ việc này.

vu hanh hung nu nhan vien san bay noi bai co the khoi to hinh su
Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Phóng viên: Thưa luật sư! Theo nội dung của video ghi lại thì ông Đào Vịnh Thuấn, cán bộ Sở GTVT Hà Nội là người giữ tay cô gái, còn ông Trần Dương Tùng, người mặc quần trắng đã trực tiếp đánh nữ nhân viên của VietnamAriline. Căn theo những diễn biến đã ghi lại ông Thuấn và ông Tùng đã vi phạm những quy định nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng trong trường hợp này, hành vi của ông Thuấn và ông Tùng là hành vi cố ý gây thương tích cho nữ tiếp viên. Tuy nhiên, tùy theo tính chất, mức độ mới xác định được vi phạm của ông Thuấn, ông Tùng là vi phạm hành chính hay hình sự.

Nếu là vi phạm hành chính thì theo quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 24 Nghị định số 147/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, thì người nào có hành vi hành hung cán bộ, công chức, viên chức, thành viên tổ bay, nhân viên hàng không, hành khách tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng sẽ bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Nếu là vi phạm hình sự thì đây là hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo đó, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; có tổ chức; trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Nếu vụ việc mà khởi tố hình sự thì như tôi đã nói ở trên, những người có liên quan có thể bị xem xét về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) về hành vi của mình.

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Thuấn và ông Tùng cùng đánh cô nhân viên sân bay như vậy là có dấu hiệu về việc "vi phạm có tổ chức ". Vậy, căn cứ theo các điều luật hiện tại thì đây liệu có thể coi là một hành vi có tổ chức?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng hành vi của ông Thuấn và ông Tùng chưa phải là hành vi có tổ chức hay phạm tội có tổ chức. Khoản 3 Điều 20 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Hành vi của ông Thuấn, ông Tùng là bộc phát và cũng không thể xem là có sự câu kết chặt chẽ, có bàn bạc, có phân công nhiệm vụ... Hơn nữa, theo đánh giá của tôi thì vụ việc này nhiều khả năng chưa đủ để cấu thành tội phạm; do đó trách nhiệm hình sự sẽ không được đặt ra.

vu hanh hung nu nhan vien san bay noi bai co the khoi to hinh su
Hình ảnh vụ xô xát, ông Thuấn là người khoanh đỏ

Phóng viên: Cho đến nay chưa có giám định thương tật đối với cô gái bị đánh nhưng theo Luật sư, với những diễn biến đã ghi lại, liệu vụ việc này có đủ yếu tố để khởi tố hình sự?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Như đã nói ở trên thì tôi cho rằng vụ việc này không đủ để cấu thành hình sự. Bởi như Điều 104 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định, nếu thương tích của người bị đánh trên 11% hoặc dưới 11% nhưng thuộc trường hợp phạm tội có tổ chức thì mới khởi tố hình sự. Mặc dù chưa có giám định thương tật đối với nữ tiếp viên nhưng tôi cho rằng khả năng là tỷ lệ thương tật sẽ dưới 11%; mà hành vi của ông Thuấn và ông Tùng thì chưa phải là hành vi có tổ chức. Do đó, không đủ yếu tố để cấu thành tội phạm cố ý gây thương tích.

Phóng viên: Ông Đào Vịnh Thuấn là một cán bộ nhà nước, với hành vi nêu trên, ông Thuấn liệu đã vi phạm các quy định về đạo đức, lối sống? Trong trường hợp ông Thuấn là Đảng viên thì các vi phạm như vậy sẽ bị xử lý như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Tôi cho rằng hành vi đánh người trước hết là không phù hợp trong cách ứng xử giữa mọi người với nhau mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đối với cán bộ, công chức, đánh người khác là vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa của cán bộ, công chức, không kể là có đang trong thời gian thi hành công vụ hay không. Điều 17 Luật Cán bộ, công chức 2008 đã quy định: Cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ là một trong những nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức.

Như vậy, đạo đức, lối sống của người cán bộ, công chức không phải chỉ thể hiện khi thi hành công vụ mà còn trong giao tiếp, ứng xử hàng ngày, ngay cả khi họ không phải trong thời gian làm việc. Hành vi đánh người không chỉ làm xấu hình ảnh của một cá nhân mà còn làm ảnh hưởng đến toàn bộ hình ảnh người cán bộ, công chức đó trong nhân dân, khiến nhân dân mất niềm tin, cho rằng cán bộ, công chức “hách dịch, cậy quyền, cậy thế”.

Về mặt tổ chức Đảng, có các hình thức xử lý kỷ luật đối với Đảng viên chính thức gồm: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ và tùy theo tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm… để xem xét xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm (nếu có). Tuy nhiên, xử lý kỷ luật Đảng không thay thế các hình thức xử lý của pháp luật.

Phóng viên: Trong lý giải mới nhất, ông Thuấn có nói mình chỉ là người can ngăn. Vậy theo Luật sư, sau khi xem hết diễn biến ghi lại, liệu ông Thuấn có phải là người đứng ra can ngăn?

Luật sư Nguuyễn Văn Hậu: Sau khi xem xong diễn biến được ghi lại, tôi cho rằng khó có thể nói ông Thuấn chỉ là người can ngăn. Theo tôi thấy thì ông Thuấn là người đã túm cổ áo của nữ tiếp viên trước khi ông Tùng xông ra, dùng ví đánh vào đầu người tiếp viên và sau đó cũng không thấy ông Thuấn có hành động can ngăn ông Tùng. Thậm chí có thể nói “nhờ” vào hành vi của ông Thuấn mà ông Tùng dễ dàng đánh trúng vào đầu nữ tiếp viên hơn, khiến người tiếp viên không thể tránh né. Và có lẽ không chỉ tôi mà mọi người sau đều nhận thấy lời giải trình của ông Thuấn là không thỏa đáng, không phù hợp với diễn biến sự việc.

Phóng viên: Về trường hợp của người đàn ông đã lao tới đánh ông Dương Ngọc Tùng để giải cứu cho cô gái. Ý kiến của Cảng vụ hàng không miền Bắc là sẽ xem xét xử lý hành vi gây rồi. Vậy theo luật sư nhận định việc xử lý như thế này có đúng hay không?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu: Về mặt tình, hành động giải cứu cho cô gái của người đàn ông đã lao tới đánh ông Dương Ngọc Tùng cho thấy sự nghĩa hiệp của người đó, giúp cho cô gái không tiếp tục bị ông Tùng đánh gây thương tích, giúp cô gái được ổn định về mặt sức khỏe cũng như tinh thần. Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật thì ý kiến của Cảng vụ hàng không miền Bắc cho rằng hành vi này cũng là hành vi gây rối không phải không có cơ sở. Bởi lẽ tại điểm a Khoản 4 Điều 24 Nghị định số 147/2013/NĐ-CP có quy định xử lý hành vi gây rối, kích động, lôi kéo người khác gây rối làm mất an ninh, trật tự trong khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay và nơi có công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng. Hành vi đánh trả của người đàn ông có thể làm mất an ninh, trật tự tại khu vực này và đặt giả thiết nếu gây ra thương tích nặng thì người này còn có thể bị xem xét về hình sự.

Song, nói như vậy không có nghĩa là pháp luật buộc mọi người “thấy chuyện bất bình bỏ qua” mà là hướng dẫn mọi người có cách ứng xử phù hợp, vừa ngăn cản những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội của người khác mà không khiến bản thân rơi vào tình trạng vi phạm pháp luật. Pháp luật cho phép mọi người có quyền phòng vệ chính đáng, nghĩa là vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm nhưng nếu vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại) thì người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Ví dụ như trong trường hợp này, người đàn ông và những người xung quanh có thế kéo, giữ, kiềm chế ông Tùng không thể tiếp tục đánh người và báo cho bộ phận an ninh sân bay để xử lý.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.