Phụ huynh học sinh bị ngã gãy chân ‘phản pháo’ báo cáo của trường TH Nam Trung Yên | |
Hai 'sự thật' của cô hiệu trưởng về vụ xe đâm học sinh gãy chân |
Điều khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi trong vụ việc này lại là những câu trả lời “tiền hậu bất nhất” của vị hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc.
Chân của cháu Kiên sau khi bó bột |
Sau những lùm xùm của vụ việc, báo chí truyền thông vào cuộc, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã gửi tới các cơ quan báo chí bức thư kêu cứu với mong muốn "cơ quan chức năng điều tra làm rõ sự thật, bảo vệ lẽ phải cho các thầy cô giáo".
Theo trần tình của bà Ngọc, ngày 1/12, khi cháu Kiên bị ngã gãy chân, bà không có mặt trên chiếc xe ô tô khi va chạm với cháu Kiên mà khi vị này xuống xe và chiếc xe ra về mới xảy ra va chạm. Điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà vợ lái xe Trần Quốc Tuấn thông tin với báo chí.
Vợ ông Trần Quốc Tuấn cho biết: “Chồng tôi lái xe đưa hai cô giáo trường Tiểu học Nam Trung Yên về trường, đến sân trường thì va chạm với học sinh. Chồng tôi có xuống đỡ cháu bé lên nhưng một giáo viên nói chồng tôi đi đi và sự việc không có gì”.
Trong khi, vào khoảng cuối tháng 12/2016, khi trao đổi về sự việc, bà Ngọc lại khẳng định: “Ngày 1/12, khi cháu Kiên bị ngã, không có chiếc xe nào ra vào trong trường. Xảy ra tai nạn của cháu Kiên có thể là do cháu chạy và va vào chiếc ô tô nào đó đang đỗ ở trường”.
Khi PV thắc mắc, có thể xác định cụ thể cháu Kiên va vào ô tô nào và trong trường hôm ấy có bao nhiêu ô tô, thì bà hiệu trưởng lại nói không nhớ.
Và cho đến thời điểm này, khi vụ việc xuất hiện những tình tiết mới là công an TP. Hà Nội tìm được người lái xe taxi đâm vào cháu Kiên hôm đó đồng thời dựng lại hiện trường vụ việc thì bà Ngọc lại nói: “Vô tình không để ý đến chi tiết tôi có đi taxi vào trường".
Chính những lời nói “tiền hậu bất nhất” của vị hiệu trưởng này đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.
Liên quan đến sự việc này, thầy Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh cho hay: “Tôi rất bất ngờ vì những lời nói trước sau không rõ ràng của vị hiệu trưởng này.
Điều quan trọng là khi chúng ta mắc lỗi, chúng ta phải biết nhận ra lỗi lầm của mình thay vì liên tục nói dối quanh co.Một vị hiệu trưởng đứng đầu một cơ sở giáo dục mà lại hành xử như thế thì thật đáng buồn.
Thái độ và cách ứng xử lạ lùng của cô hiệu trưởng trong sự việc này cho thấy cô quá kém trong cách giao tiếp, hay nói cách khác cô quá lộng quyền và điều quan trọng là không dũng cảm trước những gì mà mình gây ra.
Nó được thể hiện rõ qua báo cáo đầu tiên của nhà trường với Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy khi khẳng định việc phát phiếu khảo sát 100% học sinh và giáo viên cho biết không có ô tô nào ra vào trường trong ngày 1/12.
Sau sự việc lộ tẩy thì cô lại nói là “vô tình không nhớ”…Tôi nghĩ một người như thế không xứng đáng đứng trong môi trường giáo dục chứ đừng nói đứng đầu một cơ sở giáo dục”.
Ở một diễn biến khác, GS. Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam cho hay: “Nếu sự việc đúng như trên thì cô hiệu trưởng này không xứng đáng với tư cách của một người bình thường chứ chưa nói đến góc độ một nhà giáo”.
Để rộng đường dư luận, PV báo Infonet tiếp tục có cuộc trò chuyện với luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh.
Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay: “Đầu tiên cần phải hiểu rằng, nếu vụ việc liên quan đến thương tích của cháu Trần Chí Kiên được đưa ra pháp luật xử lý thì người bị xử lý là lái xe ô tô chứ không phải những người ngồi trên xe ô tô. Hay nói cụ thể hơn là các cô giáo ngồi trên xe ô tô không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.
Trong trường hợp quá trình điều tra sau này chứng minh rằng thương tích của cháu Trần Chí Kiên là do chiếc ô tô taxi gây ra, thì người lái xe có thể bị xử lý về hành vi vô ý gây thương tích cho người khác hoặc hành vi vi phạm quy định về an toàn ở những nơi đông người. Chế tài xử lý là hành chính hay hình sự tùy thuộc vào tỉ lệ thương tích của cháu Kiên do cơ quan giám định xác nhận.
Cũng phải giải thích thêm rằng mặc dù người lái xe taxi đang điều khiển ô tô, tuy nhiên do di chuyển trong khu vực trường học nên sẽ không bị xử lý về hành vi vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà sẽ bị xử lý về các hành vi như đã nêu trên".
Luật sư Giang Hồng Thanh – Văn phòng Luật sư Giang Thanh. |
Luật sư Giang Hồng Thanh cũng cho biết thêm: "Còn về phía những người ngồi trên xe ô tô tại thời điểm đó, theo thông tin báo chí cho biết thì đây là hai cô giáo của trường.
Điều này cũng được lái xe taxi khẳng định. Nếu như khi xảy ra sự việc, hai cô đưa cháu Kiên vào bệnh viện, thông báo với gia đình và cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, thì chắc chắn rằng phía gia đình sẽ thông cảm bỏ qua.
Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà các cô lại phủ nhận hoàn toàn sự liên quan của mình. Chính điều này đã gây nên sự bức xúc cho gia đình cháu Kiên và cho toàn xã hội.
Trong hầu hết các vụ việc, nhất là những vụ việc có tính chất vô ý, chẳng may, thì thái độ ứng xử của người gây ra hậu quả và những người liên quan quyết định phần lớn đến cách giải quyết sau này của cả người bị nạn lẫn cơ quan pháp luật, theo hướng nhẹ nhàng đi hay căng thẳng lên. Rất tiếc là các cô giáo đã không bình tĩnh để hiểu được điều đó mà hành xử thiếu chuẩn mực đạo đức.
Các cô sẽ không phải gánh chịu một bản án hình sự nào vì vụ việc này. Nhưng điều tiếng để lại mà các cô nhận được có lẽ còn nặng nề hơn rất nhiều”.
Trước đó, báo Infonet đã đưa tin, anh Trần Chí Dũng (bố của học sinh Trần Chí Kiên lớp 2, Trường tiểu học Nam Trung Yên kể về việc con trai anh bị xe ô tô đâm gãy chân ngay tại trường.
Cháu Trần Chí Kiên cũng có nói với bố mẹ, trong giờ ra chơi, cháu và các bạn cùng lớp có ra sân sau của trường chơi, đến khi có chuông báo vào học, cháu và các bạn (4 bạn) chạy về lớp. Trong lúc con chạy về lớp thì có va chạm vào một chiếc xe ô tô màu xanh nước biển đang di chuyểntrong sân trường và nhận ra trên xe có cô hiệu trưởng và một cô giáo khác.
Tuy nhiên, trước đó theo biên bản mà Trường tiểu học Nam Trung Yên gửi đến Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy về sự việc thì ngay sau khi xảy ra tai nạn, nhà trường đã tiến hành phát phiếu khảo sát. Kết quả cho biết, 100% cán bộ, giáo viên và bảo vệ khẳng định không có xe ô tô ra vào trường trong giờ học và giờ ra chơi.
Nếu có hiện tượng học sinh ngã là do nô đùa, đuổi nhau chạy quá nhanh, quá mạnh. Có 4/4 giáo viên trực ngày 1/12, ngày xảy ra sự việc, khẳng định, không có ô tô từ ngoài đi vào trường.
Tới ngày 6.2, trong cuộc họp giao ban với các sở ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhắc lại sự việc này và yêu cầu Sở GD-ĐT Hà Nội cũng như phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy xem xét đình chỉ chức vụ của hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên trong lúc chờ điều tra làm rõ vụ việc.
Thời sự 01:50 | 02/03/2017
Thời sự 01:07 | 01/03/2017
Thời sự 07:47 | 27/02/2017
Thời sự 16:58 | 26/02/2017
Thời sự 08:05 | 22/02/2017
Thời sự 06:24 | 22/02/2017
Thời sự 08:52 | 21/02/2017