Ngày 6/9, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên) và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc tập đoàn cà phê Trung Nguyên).
Theo đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo khởi kiện ông Vũ vì ra các quyết định, nghị quyết và văn bản gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 6/9, cả nguyên đơn và bị đơn đều vắng mặt, chỉ cử đại diện ủy quyền tham gia phiên tòa.
Đại diện ủy quyền nguyên đơn và bị đơn tại phiên phúc thẩm. Ảnh: Phạm Dũng.
Đại diện ủy quyền của nguyên yêu cầu hủy một phần bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho tòa sơ thẩm xét xử lại vì cho rằng tòa sơ thẩm áp dụng không đúng các quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến uy tín của bà Diệp Thảo.
Trong khi đó, đại diện phía bị đơn yêu cầu tòa phúc thẩm bác kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Theo đó, ngày 10/10/2015, bà Thảo nhận được văn bản đề nghị triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị công ty vào ngày 27/10/2015, với nội dung yêu cầu thảo luận và biểu quyết việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của bà và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi đó, bà Thảo đã có văn bản trả lời không đồng ý việc triệu tập cuộc họp trên. Tuy nhiên, sau đó ông Vũ vẫn tổ chức nhiều cuộc họp vắng mặt bà Thảo, trong đó có cuộc họp ngày 2/11/2015.
Tại cuộc họp này, ông Vũ đã họp nhóm 2 thành viên, lập biên bản và ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên, bầu ông Vũ làm Chủ tịch HĐQT, bổ nhiệm ông Vũ làm tổng giám đốc và thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty từ bà Thảo sang ông Vũ.
Tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương đã xét xử sơ thẩm vụ kiện này, tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo vì cho rằng các văn bản mà bà Thảo yêu cầu tòa hủy đã được phía ông Vũ thu hồi trước khi tòa sơ thẩm xét xử vụ án.
Tại phiên phúc thẩm, HĐXX nhận định đây là việc kinh doanh thương mại chứ không phải là vụ án kinh doanh thương mại. Lẽ ra TAND tỉnh Bình Dương phải trả đơn, đình chỉ vụ án. Tuy nhiên, TAND tỉnh Bình Dương vẫn thụ lý đơn kiện, xét xử sơ thẩm và áp dụng các quy định của pháp luật của vụ án kinh doanh thương mại để xử sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật.
HĐXX tuyên bác kháng cáo của nguyên đơn, huỷ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Dương, đình chỉ xét xử đối với vụ việc này.