Lò than vẫn không khắc phục ô nhiễm
Sau một thời gian dài người dân kiến nghị tới các cấp chính quyền, báo chí cũng nhiều lần phản ánh về dấu hiệu ô nhiễm môi trường do lò than của ông Đoàn Bằng Giang (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) gây nên nhưng tình trạng vẫn không được khắc phục.
Lò sản xuất than củi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh luôn tràn ngập khí thải. Ảnh: Trang Anh. |
Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1954, thôn Tân Thành, xã Cư Dliê M’nông) cho biết, vườn tiêu của gia đình bà được đầu tư hơn 100 triệu nhưng nay bị ảnh hưởng từ khói bụi của lò than khiến những trụ tiêu bị khô héo, lá tiêu hư, rụng trắng gốc.
“Gia đình tôi có một sào đất, nhưng cứ trồng được một thời gian lại bị chết do khói bụi ô nhiễm. Thời gian trước gia đình trồng cà phê nhưng chỉ thu được một tạ nhân.
Sau đó, cà phê chết dần nên nhiều người khuyên gia đình chuyển sang trồng tiêu. Nhưng mấy ngày gần đây, số tiêu gần lò than của ông Giang cũng đang chết dần do khói và hơi nóng”, bà Lan nghẹn ngào nói.
Theo quan sát của chúng tôi, vườn tiêu của gia đình nhà bà Lan chỉ cách lò đốt than củi của ông Giang vài bước chân. Số trụ tiêu gần khu vực lò bị ám đen, vàng úa. Chỉ cần dùng tay chạm nhẹ vào trụ tiêu thì lá tiêu đã rụng xuống trắng cả gốc.
Xót xa ngồi cạnh bên trụ tiêu đang chết dần, chết mòn của gia đình, bà Lan chỉ còn biết trông chờ các cấp chính quyền vào cuộc để di dời lò than. Chỉ có như vậy, gia đình bà và người dân nơi đây mới yên tâm lao động, sản xuất.
Trước đó, như phản ánh của chúng tôi, vào đầu tháng 4/2017, sau khi trả lời báo chí về vấn đề ô nhiễm do lò than gây nên, đến ngày 24/4, ông Trần Quốc Tiến đã bị một người lạ mặt đe dọa, hành hung khiến gia đình ông phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ.
Huyện sợ bị nói "làm khó doanh nghiệp"?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các biên bản làm việc vào ngày 21/08/2014, 29/09/2014, 18/01/2017... của xã Cư Dliê M’nông và Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Mgar đều cho thấy, cơ sở sản xuất than củi của ông Giang đã vi phạm về vấn đề bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, vào thời điểm kiểm tra ngày 3/4/2017, xã Cư Dliê M’nông phát hiện cơ sở của ông Giang đốt đến 6 buồng lò, trong khi đó giới hạn cho phép chỉ từ 3-4 buồng lò.
Khí thải được xả trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng tới những người dân sinh sống lân cận. Ảnh: Trang Anh. |
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, mỗi lần vào kiểm tra lò than của ông Giang thì cơ sở đều đốt đúng số buồng lò theo quy định.
Nhưng tại cơ sở phát sinh ra lượng khói tương đối nhiều mặc dù cơ sở đã lắp đặt hệ thống ống khói. Việc che chắn xung quanh cũng chưa đảm bảo nên khói phát sinh ra nhiều.
“Đơn vị chỉ xử phạt ông Giang một lần là 4,7 triệu đồng do vi phạm hành chính vào năm 2014. Nhưng chỉ là sai phạm nhỏ để khói lan tỏa, chứ chưa lần nào phát hiện lò than của ông Giang đốt quá buồng lò quy định”, vị Phó Chủ tịch nói.
Chúng tôi đề cập đến vấn đề, vào ngày 3/4/2017, sau khi xã Cư Dliê M’nông tiến hành kiểm tra lò than củi của ông Giang thì phát hiện lò than đốt đến 6 buồng lò, vượt ngưỡng cho phép.
Lúc này, ông Minh cho hay, nếu cơ sở vượt quá mức cam kết xã có quyền lập biên bản và báo cáo với huyện để xử lí. Tuy nhiên, suốt từ năm 2016-2017, chưa có báo cáo nào từ xã về việc lò than của ông Giang đốt vượt số buồng lò cho phép.
Đắk Lắk: Trưởng thôn rớt nước mắt vì bất lực nhìn lò than 'hành dân' |
Trước đó, UBND huyện Cư M’gar có quyết định số 656/QĐ-UBND ngày 1/10/2014 về việc tạm đình chỉ và quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 13/11/2014 về việc đình chỉ hoạt động lò đốt than củi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh tại thôn Tân Lập, xã Cư Dliê M’nông.
Tuy nhiên, đến ngày 7/11/2016, UBND huyện lại ra quyết định số 929/QĐ-UBND để thu hồi và hủy bỏ hai quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ.
Trả lời về vấn đề này, vị Phó Chủ tịch huyện cho hay, quyết định tạm đình chỉ có hiệu lực trong vòng 3 tháng. Sau đó, UBND huyện nhận thấy cơ sở của ông Giang đã khắc phục được một số yêu cầu như: đặt ống khói cao lên và che chắn....
Chính vì vậy, UBND huyện đã cho cơ sở của ông Giang hoạt động trở lại. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, nếu không cho lò than hoạt động lại thì chủ lò than sẽ nói “địa phương khó khăn với doanh nghiệp".
Theo phản ánh của bà Lan, vườn tiêu của gia đình bà chết dần, chết mòn do ảnh hưởng từ khói bụi từ lò than. Ảnh: Trang Anh. |
Trong báo cáo số 2915/UBND –TNMT, ngày 06/10/2016 của UBND huyện Cư M’gar gửi lên UBND tỉnh Đắk Lắk và Sở Tài nguyên và Môi trường thì khu vực lò than của ông Giang đã được đề xuất quy hoạch là đất dân cư theo quy định điều chỉnh 2010-2020, giai đoạn 2016-2020 của UBND huyện.
Báo cáo cũng nêu rõ, vị trí hoạt động của lò sản xuất than củi của ông Đoàn Bằng Giang là không đảm bảo về môi trường trong khu dân cư.
Cũng theo văn bản số 2915 nói trên, UBND huyện Cư M’gar cho biết, để xác định mức độ ô nhiễm môi trường của cơ sở chế biến than củi của Công ty Phúc Minh làm cơ sở để đình chỉ hoạt động thì thời điểm lấy mẫu phân tích môi trường, lò than phải hoạt động tối thiểu 50% công suất thiết kế.
Tuy nhiên, UBND huyện cho rằng, hiện tại lò than của Công ty Phúc Minh chỉ có hai buồng lò đang ủ chờ ra than và một lò đang vào củi, các lò còn lại đều để trống nên không thể thực hiện chương trình quan trắc để xác định mức độ ô nhiễm.
Về vấn đề này, ngày 04/11/2016 Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra công văn số 2034/STNMT-BVMT về việc giải quyết kiến nghị của UBND huyện Cư M’gar về đề nghị kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất than củi của Công ty TNHH MTV Phúc Minh.
Theo công văn, Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, nếu căn cứ vào Điểm e, Khoản 2, Điều143 Luật bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13, ngày 23/6/2014 việc kiểm tra, thanh tra, xử lí vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo... đối với Công ty Phúc Minh là thuộc thẩm quyền của UBND huyện.
Vụ lò than 'hành dân' ở Đắk Lắk: Người 'tố' sai phạm bị hành hung? |
Việc UBND huyện đưa ra khó khăn khi không lấy được mẫu khí thải để xác định mức độ ô nhiễm là chưa đúng bản chất của quy định theo Điểm a, Khoản 3, Điều 7 Thông tư số 40/2015/TT-BTNMT, ngày 17/8/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bởi công suất thiết kế tại quy định nêu trên là công suất của một quy trình công nghệ sản xuất. Vì vậy trong trường hợp một lò hoạt động trên 50% công suất thiết kế thì vẫn có thể tiến hành lấy và giám định mẫu khí thải để xác định mức độ ô nhiễm.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho rằng, việc lấy mẫu không khí xung quanh các hộ dân để đánh giá mức độ ô nhiễm là chưa đảm bảo tính chính xác và khách quan vì có thể có nhiều nguồn khác tác động.
Chính vì thế, để đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm do khí thải phát sinh từ hoạt động sản xuất than của Công ty Phúc Minh cần tiến hành lấy mẫu khí thải ống khí phát sinh ra từ lò đốt, ủ than.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.
Đô thị 06:50 | 08/10/2019
Đô thị 12:52 | 06/10/2019
Đô thị 20:27 | 04/10/2019
Đô thị 12:18 | 04/10/2019
Du lịch 16:47 | 18/09/2019
Đô thị 14:50 | 24/08/2019
Thời sự 09:25 | 13/06/2019
Tiêu dùng 18:22 | 04/06/2019