Vụ nước mắm nhiễm asen: 'Có dấu hiệu câu kết bất lương'

Đó là nhận định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khi trả lời báo chí ngày 21-10 về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng công bố kết quả khảo sát nước mắm

Phóng viên: Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (VINASTAS) vừa công bố thông tin 67% mẫu nước mắm do hội này khảo sát bị nhiễm asen (thạch tín) vượt mức cho phép, bộ trưởng nhận xét gì về vấn đề này?

- Bộ trưởng Trương Minh Tuấn: Tôi theo dõi rất kỹ và thấy rằng đúng là một sự cố truyền thông không bình thường. Trước hết, cần chú ý nội dung mập mờ mà VINASTAS công bố trong “thông cáo báo chí” của họ. VINASTAS nêu khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu asen tổng theo quy định của Bộ Y tế nhưng thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định thì không phát hiện asen vô cơ.

Mặc dù vậy, họ không hề giải thích giữa asen hữu cơ và vô cơ, loại nào là độc hại loại nào là vô hại. VINASTAS kết luận theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng asen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/lít. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm asen tổng cho thấy 101/150 mẫu khảo sát không đạt quy định này. Họ còn nhấn mạnh các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ mẫu có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng nhằm ám chỉ sự độc hại của nước mắm truyền thống.

Ai cũng biết thạch tín là chất cực độc, thường được sử dụng làm thuốc diệt chuột, nên sự sợ hãi, hoang mang đối với nước mắm bao trùm lên người tiêu dùng. Nếu không xóa tan nỗi sợ hãi này thì ngành sản xuất nước mắm truyền thống đứng trước nguy cơ phá sản hàng loạt.

vu nuoc mam nhiem asen co dau hieu cau ket bat luong

Sản xuất nước mắm truyền thống ở Khánh Hòa Ảnh: Thanh Long.

Cần biết, QCVN 8-2:2011/BYT là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm được ban hành theo Thông tư 02/2011/TT/BYT ngày 13-1-2011 của Bộ Y tế. Quy chuẩn này giới hạn lượng ăn vào hằng tuần có thể chấp nhận tạm thời tính theo mg/kg thể trọng đối với 6 thứ kim loại nặng, trong đó có asen nhưng ghi rõ là tính theo asen vô cơ.

Như vậy, quy chuẩn chỉ quy định giới hạn về asen vô cơ, không có quy định về asen hữu cơ hay asen tổng như VINASTAS tự đặt ra. Asen vô cơ mới độc hại, còn asen hữu cơ là chất tồn tại tự nhiên trong hải sản hay các nguyên liệu làm nước chấm, không độc hại đối với con người.

Kết quả khảo sát của VINASTAS về thạch tín trong nước mắm, nếu công bố một cách trung thực thì phải công bố các mẫu nước mắm được khảo sát không nhiễm thạch tín theo QCVN 8-2:2011/BYT mới chính xác nhưng họ không làm như vậy.

Về động cơ, sự tùy tiện và sai phạm của những người tổ chức khảo sát và công bố thông tin, liệu có ai đứng đằng sau điều khiển việc đó, đề nghị các cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Ở đây, tôi chỉ nói về trách nhiệm của cơ quan báo chí và nhà báo. Nếu có sự câu kết để cố ý tạo thành một chiến dịch truyền thông lấy người tiêu dùng làm “con tin” nhằm làm lợi cho doanh nghiệp này, gây hại cho doanh nghiệp kia thì trở thành một vấn đề khác. Đó không chỉ là sự bất lương mà còn vi phạm pháp luật.

Vậy theo bộ trưởng, có sự câu kết bất lương này?

- Có dấu hiệu vì ở đây có sự bất thường. Bất thường là cùng một sự kiện mà một loạt cơ quan báo chí đều cẩu thả và thiếu chuyên nghiệp hệt như nhau, thậm chí việc rút tít bản tin cũng na ná nhau.

Hiện thông tin trên báo chí dường như đã đảo chiều khi một số nhà chuyên môn khẳng định sự vô hại của asen hữu cơ?

- Vấn đề là sự đồng loạt của thông tin ban đầu. Nếu như các cơ quan báo chí đưa thông tin ban đầu đó không cẩu thả hoặc không cố tình bẻ cong sự thật thì đã không có sự lan truyền tai hại như vậy.

Sự phản bác của các nhà chuyên môn và những bài phân tích ngược lại sau đó của một số báo, đối với công chúng chỉ là sự tranh cãi, phản biện, đúng - sai chưa ngã ngũ, bởi vậy không đủ tác dụng đảo ngược thông tin.

Tôi còn nghe nói có thể những người tổ chức chiến dịch truyền thông này bảo với nhau rằng chỉ cần thông tin ban đầu đó tồn tại trên báo điện tử vài ngày, sau đó dù có bị gỡ bỏ thì cũng đã đạt mục đích gây hoang mang. Chỉ đến khi xóa tan được nỗi hoang mang, sợ hãi của người dân mới cứu được ngành sản xuất nước mắm truyền thống thoát khỏi cơn điêu đứng.

Siêu thị chờ kết luận của cơ quan quản lý

Ngày 21-10, 3 hệ thống siêu thị tại TP HCM là Co.opmart, Big C, Lotte Mart cùng khẳng định cho đến thời điểm này vẫn kinh doanh mặt hàng nước mắm bình thường.

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, cho biết Saigon Co.op tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến asen hết sức cẩn trọng trên nguyên tắc minh bạch và trung thực nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng cũng như đối tác, nhà sản xuất cung cấp sản phẩm. Tất cả sản phẩm nước mắm bày bán tại hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op đều bảo đảm chất lượng theo quy định và được kiểm nghiệm định kỳ nên người tiêu dùng an tâm sử dụng.

Theo ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc thu mua thực phẩm khô Lotte Mart, trước những thông tin trái chiều về nước mắm, Lotte Mart đã tiến hành kiểm tra chất lượng các loại nước mắm được bày bán trong hệ thống, đồng thời yêu cầu nhà sản xuất cung cấp chứng từ, kết quả kiểm nghiệm mới nhất về hàm lượng asen trong sản phẩm và đã được đáp ứng.

Các hệ thống siêu thị đang chờ kết luận chính thức và hướng dẫn của cơ quan quản lý để có kế hoạch ứng xử phù hợp.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.