Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thị Kim Phụng. (Ảnh: Báo Tin tức/TTXVN) |
Chiều nay, 16/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ họp với các trường sư phạm để tìm hướng phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo trong bối cảnh điểm chuẩn đầu vào quá thấp. Phóng viên báo VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học về các giải pháp mà Bộ đang hướng tới. - Thưa Vụ trưởng, dư luận xã hội hiện đang rất lo ngại về vấn đề chất lượng đào tạo giáo viên khi điểm đầu vào ở nhiều trường sư phạm năm nay đã chạm đáy. Bà nghĩ sao về điều này?
Nguyễn Thị Kim Phụng: Nếu nhìn trong toàn khối sư phạm thì cả nước có 14 trường đại học chuyên về sư phạm, 58 cơ sở đại học có đào tạo sư phạm và 33 trường sư phạm chuyên ngành. Tuy nhiên, ở các trường sư phạm cũng có cả chỉ tiêu đào tạo các ngành khác, không phải chỉ có sư phạm.
Ngành sư phạm "rớt thảm", Bộ Giáo dục và Đào tạo họp khẩn
Trong thời gian qua, chúng ta chưa thực hiện quy hoạch được do chưa ban hành được bộ tiêu chuẩn để đánh giá các trường sư phạm. Và vì thế, chưa kiện toàn hệ thống, tuyển sinh chưa kiểm soát được trình độ đầu vào. Đầu ra vẫn để dư thừa nhiều, dẫn đến có những bức xúc trong dư luận. Cuộc họp riêng các trường sư phạm sẽ phải bàn nâng cao chất lượng các trường sư phạm và phải bàn kỹ hơn ở nội dung phát triển các trường sư phạm Đối với các trường sư phạm thì can thiệp và điều tiết của thị trường sẽ ít hơn so với toàn hệ thống. Chúng ta phải đánh giá rằng với quy mô dân số như vậy, với nhu cầu học tập như vậy thì nhu cầu sử dụng giáo viên đến đâu. Và nhu cầu giáo viên đến đâu chúng ta đào tạo đến đó chứ không phải thị trường tùy nghi quyết định.
Nghề giáo không còn là lựa chọn của nhiều thí sinh . (Ảnh: Nguyễn Anh Dũng/TTXVN) |
Đầu tư vào các trường sư phạm là đầu tư cho cả hệ thống giáo dục nên vấn đề nâng cao chất lượng phải được xem trọng. Và vì vậy, trong năm học tới, bên cạnh xây dựng quy chuẩn trường đại học nói chung, chúng tôi cũng sẽ có chuẩn riêng của các trường sư phạm để đánh giá. Trên cơ sở chuẩn đó sẽ rà soát lại hệ thống trường sư phạm hiện nay.
Trường nào đạt chuẩn sẽ tiếp tục đầu tư, tồn tại. Trường nào chưa đạt chuẩn nhưng ở vị trí trọng yếu thì vẫn phải đầu tư và có thể hợp nhất với trường lớn, chất lượng đã tốt rồi, để lan tỏa chất lượng. Và tất nhiên, trường nào yếu, chất lượng quá thấp, xã hội không lựa chọn, sẽ phải đóng cửa, Đó là những định hướng chính trong dự thảo mà chúng tôi đang xây dựng.
- Một trong những nguyên nhân dẫn đến thí sinh không muốn học sư phạm là do vấn đề đầu ra tìm việc khó. Có ý kiến cho rằng cần có chính sách đảm bảo việc làm cho sinh viên sư phạm như với quân đội, công an. Bộ đã có định hướng thế nào về vấn đề này?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Trong dự thảo quy hoạch với các trường sư phạm, chúng tôi cũng dự định toàn khối sư phạm sẽ phân khúc, phân loại. Những trường đạt chuẩn sẽ có đặt hàng đào tạo, có đặt hàng đào tạo sẽ đảm bảo có đầu ra. Đối với sinh viên có thành tích học tập tốt sẽ có những ưu đãi về việc làm.
Điểm chuẩn cao kỷ lục, "mưa" tiêu chí phụ vẫn khó phân loại thí sinh
Trước mắt sẽ tập trung vào khối trường chất lượng nhất và khối sinh viên chất lượng nhất. Khi nào có khảo sát của toàn hệ thống thì có thể sẽ tiến tới quy hoạch chất lượng hơn từ chỉ tiêu cho đến đầu ra. Hiện chỉ tiêu của khối sư phạm chúng tôi cũng đã siết rất nhiều, quản lý chặt chẽ hơn so với các trường khác, không chỉ căn cứ vào năng lực mà còn căn cứ vào nhu cầu. Trong ba năm gần đây thì hầu như mỗi năm đều giảm từ 15-20% chỉ tiêu của toàn hệ thống.
- Nhưng giáo viên đa số ở các trường công lập, nghĩa là việc sắp xếp việc làm vượt ngoài tầm với của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thời gian qua cũng có rất nhiều vụ việc giáo viên bị thôi việc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể can thiệp. Vậy Bộ Giáo dục và Đào tạo làm thế nào để thực hiện điều này, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng: Chúng tôi hiểu rõ điều này và chính vì vậy, chúng tôi mới cần xây dựng Đề án quy hoạch các trường sư phạm, đào tạo giáo viên và Đề án này thẩm quyền phê duyệt quyết định là của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó sẽ xác định trách nhiệm của các bộ ngành trong việc thực hiện chủ trương này. - Xin cảm ơn bà !.