Các bị cáo trong vụ VN Pharma tại tòa. Ảnh: Ngọc Hoa |
Theo HĐXX nhận định, cấp sơ thẩm đã chưa xem xét toàn diện, phản ánh hết nội dung vụ án và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, bỏ lọt hành vi phạm tội, còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ liên quan đến các chứng cứ, các mối quan hệ về bản chất của vụ án.
Đối với hành vi bỏ lọt người phạm tội, lọt hành vi phạm tội, để có thể nhập lô thuốc H-Capita về Việt Nam, bị cáo Cường đã làm giả các loại giấy tờ của công ty nước ngoài để đưa cho Hùng thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc để nhập khẩu. Với việc môi giới, làm giả các loại giấy tờ, Cường thu lợi bất chính 1,2 tỷ đồng.
HĐXX cho rằng, bị cáo Hùng đã cùng các thuộc cấp làm giả các loại giấy tờ, tài liệu, hồ sơ, con dấu và thuê người viết hồ sơ kỹ thuật thuốc để trình cho Cục quản lý Dược cấp phép. Bị cáo Hùng cùng bị cáo Cường bàn bạc xây dựng hồ sơ, nhập thuốc và nâng khống giá thuốc.
Hành vi trên có dấu hiệu tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức nhưng cấp sơ thẩm không điều tra, truy tố và xét xử Cường, Hùng và 4 thuộc cấp là bỏ lọt tội phạm.
Ngoài ra, 3 cá nhân khác gồm ông Phan Xuân Thiện, Phó tổng giám đốc VN Pharma, bà Hoàng Trúc Vy, nhân viên phòng nghiên cứu phát triển công ty VN Pharma và ông Nguyễn Quang Huy có dấu hiệu đồng phạm nên cần phải điều tra, làm rõ để xử lý chung trong một vụ án.
Về lô thuốc thuốc H- Capita 500 mg Caplet, HĐXX nhận định rằng, đây là lô thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Bên cạnh đó, bản kết luận điều tra của Bộ y tế về việc thành lập Hội đồng giám định lô thuốc này gồm 10 thành viên, nhưng có 3 thành viên không ký vào bản giám định. Từ đó, HĐXX cho rằng yêu cầu giám định lại toàn bộ lô thuốc là hoàn toàn cần thiết.
Về giám định của Bộ Y tế việc thuốc H-Capita là thuốc “không dùng chữa bệnh cho người” còn nhiều mâu thuẫn. Bên cạnh đó, Cục quản lý dược giám định chính lô hàng mình cấp phép là không khách quan. Do đó, cần thiết phải giám định lại lô thuốc nhập khẩu bằng một hội đồng giám định mới.
Đối với sai phạm của cục quản lý dược, việc các bị cáo trong vụ án sử dụng hồ sơ, tài liệu của giả để nhập khẩu thành công hàng loạt các loại thuốc mà không bị phát hiện là do thiếu sự kiểm tra, tác trách của Cục quản lý dược.
Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Cường có cung cấp cho HĐXX giấy chứng nhận cho phép công ty Helix hoạt động tại Việt Nam, cùng giấy ủy quyền do ông Raymundo ký cho phép Cường đại diện cho công ty này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngày 30/9/2014, Bộ ngoại giao có văn bản trả lời công ty Helix không có thật, ngoài ra con dấu của công ty Helix thu giữ được tại công ty VN Pharma là con dấu giả nên cần thiết phải xem xét, điều tra làm rõ vấn đề này.
Về vật chứng của vụ án, tại phiên tòa, 2 bị cáo Cường và Hùng thừa nhận đã bàn bạc với nhau để nâng khống giá thuốc lên 157 tỷ đồng. Bị cáo Hùng và Pham Cảm Loan cũng thừa nhận số tiền này được chuyển lòng vòng ra nước ngoài, rồi chuyển về Việt Nam. Và việc nâng khống giá thuốc để bù vào tiền chi hoa hồng cho các bác sĩ tại bệnh viện để tiêu thụ thuốc. Cần phải làm rõ số tiền này đang ở đâu, chi cho ai thì đây là vật chứng của vụ án.
Cần điều tra làm rõ số tiền 7,5 tỷ đồng (cao hơn giá trị lô thuốc H-Capita 500mg) mà các bị cáo khai là tiền chi hoa hồng cho bác sĩ để tiêu thụ. Như vậy cần điều tra làm rõ số tiền này chi hoa hồng cho những lô thuốc nào, vì nếu chi cho lô thuốc 9.300 hộp H- Capita 500 mg Caplet thì không phù hợp, bởi tiền mua thuốc thấp hơn tiền chi hoa hồng.
Ông Nguyễn Quang Huy được bị cáo Phan Cẩm Loan (Phó trưởng phòng nhập khẩu công ty VN Pharma) thuê làm thủ tục nhập khẩu. Huy đã cung cấp hồ sơ cho hải quan, bao gồm bản sao công chứng giấy phép hoạt động (đã hết hạn) của công ty Austin Hồng Kông. Huy nhận số tiền 10.000USD của bị cáo Hùng chuyển cho với lý do chi phí sử dụng pháp nhân công ty Austin Hồng Kông.
Hơn 10.000USD tỷ đồng này là vật chứng của vụ án là khoản thu bất chính do thực hiện hành vi phạm pháp mà có, tòa cấp sơ thẩm không tuyên tịch thu sung công quỹ nhà nước là thiếu sót, không đúng quy định tại điều 74, 76 BLTTHS.
Từ những căn cứ này, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định chấp nhận tòa bộ kháng nghị của VKSND Cấp cao tại TP HCM, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Duy trì lệnh bắt tạm giam đối với 2 bị cáo Cường và Hùng để đảm bảo việc điều tra được khách quan.
Hùng và Cường nghe tòa tuyên án. Ảnh: Ngoc Hoa |
Trước đó, sau khi xét hỏi và nghị án, TAND Cấp cao tại TP HCM dự kiến sẽ tuyên án vụ án này vào sáng 23/10. Tuy nhiên, sau khi hội ý kéo dài, HĐXX xét thấy đây là vụ án phức tạp, cần nhiều tình tiết cần được làm rõ nên quyết định quay lại phần xét hỏi.
Trong các phiên tòa, bị cáo Hùng vẫn cho rằng, bị cáo không có chủ đích buôn bán bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Do khi đàm phán và thỏa thuận với Cường, Cường đưa ra một số giấy tờ, giấy phép do Bộ y tế Canada cung cấp, giấy ủy quyền của công ty Helix cho Hùng xem nên Hùng tin tưởng và không nghĩ rằng là giấy tờ giả.
Ngoài ra, Hùng cũng khẳng định rằng, số tiền 7,5 tỷ đồng là tiền không phải là tiền chi hoa hồng cho bác sĩ, mà là tiền linh hoạt trong bán hàng, maketting, tiếp khách. Về số tiền 157 tỷ đồng, Hùng cho rằng. Số tiền này được dùng thế chấp ngân hàng vay nếu công ty thiếu tiền. Khi bị cáo bị bắt, ngân hàng thu khoản tiền này để đảm bảo trả nợ.
Tuy nhiên, bị cáo Hùng thừa nhận việc đã thuê dược sĩ Thông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc trình Cục quản lý dược xin cấp phép; toàn bộ mẫu mã, nhãn hàng của thuốc đều do công ty VN Pharma thiết kế và cùng Cường bàn bạc nâng không giá thuốc từ 25USD/hộp lên 75USD/hộp để thu lợi nhuận.
Đồng phạm được xác định có vai trò cầm đầu với bị cáo Hùng là bị cáo Cường vẫn khẳng định, bị cáo là người được ông Raymundo ủy quyền để đại diện cho công ty Helix và được Cục Quản lý Dược công nhận. Cường cho rằng mình không có chuyên ngành dược, chỉ là người môi giớinhiệm vụ của Cường là làm các công đoạn xúc tiến thương mại, và hoàn toàn không lô thuốc H- Capita 500 mg Caplet cùng hai giấy tờ FSC và GMP là giả.
Về con dấu của Công ty Helix Canada tại công ty Cường, Cường nói không biết con dấu này là giả, bởi chính ông Raymundo đã đưa con dấu và ủy quyền sử dụng con dấu này cho Cường.
Đến tham gia các phiên tòa, đại diện Bộ y tế ông Đỗ Trung Hưng (Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế) cho biết, việc cấp phép cho công ty Helix Canada dựa trên đề xuất của Cục quản lý Dược. Ông Hưng khẳng định với HĐXX, quá trình cấp phép cho công ty Helix Canada hoạt động tại Việt Nam là đúng theo quy trình chuẩn.
Đại diện Cục Quản lý Dược, ông Chu Đăng Trung trả lời HĐXX về 7 loại thuốc đã cấp cho công ty VN Pharma trước đó. Ông Trung cho biết, sau khi ký cấp phép nhập khẩu, Cục quản lý Dược căn cứ vào công văn của đại sứ quán và căn cứ vào hồ sơ của công ty VN Pharma, phát hiện thấy thuốc nhập không đúng như thực tế nên Cục Quản lý Dược đã quyết định rút toàn bộ 7 giấy phép này.
Khi được nói lời nói sau cùng trong phiên tòa chiều 24/10, bị cáo Hùng khóc nức nở xin nhận trách nhiệm, mong HĐXX xem xét cho thuộc cấp vì họ chỉ là những người làm công ăn lương. Hùng cũng mong HĐXX cho bị cáo được tại ngoại và giảm nhẹ một phần hình phạt, để có cơ hội trở thành một công dân tốt và chăm sóc gia đình.
Còn bị cáo Hùng vẫn cho rằng bản thân bị oan và chỉ là người trung gian, người đại diện hợp pháp của công ty Helix Canada, có giấy ủy quyền cho ông Raymundo ký. Về các loại giấy tờ giả, bị cáo không có kiến thức chuyên môn nên không thể làm giả được bị cáo khẳng định công ty Helix là công ty có thật, ông Raymundo là có thật, mong HĐXX tìm ra ông Raymundo để minh oan cho bị cáo.
7 bị cáo còn lại trong vụ án này thừa nhận sai phạm, mong được pháp luật khoan hồng, tuyên mức án thấp để sớm được tự do, nuôi gia đình và cống hiến cho xã hội.
Nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ, VN Pharma có dấu hiệu trốn thuế?
“Hành vi nâng khống giá thuốc hơn 100 tỷ đồng của VN Pharma có dấu hiệu tội trốn thuế. Rất tiếc, cơ quan điều tra ... |