Vụ xâm hại di sản Tràng An: Chủ đầu tư cam kết tháo dỡ phần sai phạm

Đến thời điểm này, ngoài một loạt hạng mục công trình đang bị đình chỉ thi công do xây vượt phép tới 1.810 m2, đã có vô số công trình được xây dựng từ trước ở Tràng An, khiến khu Thung Nham hoang sơ dày đặc các công trình phục vụ du lịch

Liên quan đến vụ việc Công ty CP Dịch vụ thương mại và Du lịch Doanh Sinh (Công ty Doanh Sinh) đang xây dựng hàng loạt công trình xâm hại nghiêm trọng vùng lõi di sản Tràng An tại khu vực Thung Nham (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) mà Báo Người Lao Động đã thông tin, ngày 16/12, đại diện lãnh đạo Ban Quản Quần thể danh thắng Tràng An cho biết Công ty Doanh Sinh đã cam kết sẽ tự tháo dỡ phần thi công sai phép trong vùng lõi di sản mà báo cáo của UBND huyện Hoa Lư đã đưa ra.

Theo báo cáo số 20 ngày 12/12 do ông Phạm Công Chất, Giám đốc Công ty Doanh Sinh, gửi UBND huyện Hoa Lư, công ty này cam kết sẽ tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng vượt phép. Đồng thời, công ty cũng sẽ san lấp, trả lại mặt bằng, trồng cây xanh phần diện tích bị ảnh hưởng của công trình.

Trong khi đó, theo hồ sơ phóng viên có được, việc xây dựng các công trình xâm hại Tràng An không phải bây giờ mới diễn ra mà đã có từ trước khi công ty này được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình quyết định thay đổi mục đích sử dụng đất.

Theo Quyết định 305 ngày 17/2/2016 do ông Đinh Chung Phụng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình (mới nghỉ hưu), phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng Khu Du lịch sinh thái Thung Nham, trước đó UBND tỉnh Ninh Bình đã cho Công ty Doanh Sinh thuê 34 ha đất từ năm 2003 (theo Quyết định số 1912/QĐ-UB) để đầu tư phát triển trang trại tổng hợp. Sau khi thay đổi quyết định điều chỉnh, UBND tỉnh Ninh Bình đồng ý cho công ty này xây dựng hàng loạt công trình nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí trên diện tích 1,34 ha trong tổng diện tích 333,4 ha.

Vụ xâm hại di sản Tràng An: Chủ đầu tư cam kết tháo dỡ phần sai phạm - Ảnh 1.

Công trình xây dựng xâm hại vùng lõi di sản Tràng An

Điều đáng nói là quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình lại ra đời sau Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ (sau 13 ngày) về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng quần thể danh thắng Tràng An. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ vùng lõi danh thắng Tràng An có diện tích 6.226 ha và được phân thành vùng cấm và hạn chế xây dựng (kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt), không cho kinh doanh dịch vụ và các hoạt động lưu trú.

Thế nhưng, không rõ Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình có biết Quyết định 230 của Thủ tướng đã có hiệu lực hay không mà vẫn quyết định điều chỉnh quy hoạch cho Công ty Doanh Sinh được xây dựng nhà hàng, khu nghỉ dưỡng ngay trong vùng lõi danh thắng Tràng An. Đến thời điểm này, ngoài một loạt hạng mục công trình đang bị đình chỉ thi công do xây vượt phép tới 1.810 m2, đã có vô số công trình được xây dựng từ trước, khiến khu Thung Nham hoang sơ dày đặc các công trình phục vụ du lịch.

chọn
Hình ảnh tiến độ KCN hơn 2.300 tỷ đồng của Ecoland ở Hưng Yên
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp số 3 được thực hiện tại huyện Khoái Châu, huyện Yên Mỹ và huyện Ân Thi (tỉnh Hưng Yên) có quy mô 159,7 ha với tổng vốn đầu tư là 2.310 đồng.