Sáng 9/3, báo Thanh niên đưa tin, lãnh đạo Công an H.Đơn Dương (Lâm Đồng) cho biết đã xác định được danh tính người điều khiển ô tô chở Phó Chánh án TAND H.Đức Trọng và 2 thẩm phán H.Đơn Dương gây tai nạn rồi bỏ chạy là bà Phan Bảo Thúy (44 tuổi, ngụ Khu phố 7, TT.Liên Nghĩa, H.Đức Trọng).
Trong vài ngày qua, dư luận tại Lâm Đồng xôn xao việc ô tô chở các bộ tòa án H.Đơn Dương và H.Đức Trọng gây tai nạn trên đường ĐH15 làm 2 phụ nữ bị thương, nhưng bỏ mặc các nạn nhân, chạy khỏi hiện trường.
Theo Công an H.Đơn Dương, qua điều tra bước đầu, vào khoảng 15h55 ngày 4/3, ô tô BS 49A - 205.16 lưu thông trên đường ĐH15 theo hướng xã Pró ra TT.Thạnh Mỹ (Đơn Dương). Khi đi đến địa phận thôn Quảng Hiệp, xã Quảng Lập (H.Đơn Dương) thì xảy ra va chạm với xe máy do bà Nguyễn Thị Xuê (44 tuổi) điều khiển chở theo Trần Thị Khoa (28 tuổi, cùng ngụ thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân,Đơn Dương).
Cú va chạm là 2 phụ nữ đi xe máy ngã xuống đường và bị thương, trong đó bà Xuê bị thương nặng do chấn thương sọ não.
Điều đáng nói, ô tô gây tai nạn bị bể phần đầu, nổ lốp trước nhưng vẫn cố bỏ chạy khỏi hiện trường. Lực lượng CSGT H.Đơn Dương phải triển khai lực lượng truy đuổi và chặn được ô tô này khi cách hiện trường 8 km.
Lúc này trên xe có bà Phan Bảo Thúy (chủ xe) và ông Hồ Trọng Hiếu, Phó Chánh án TAND H.Đức Trọng (Lâm Đồng). Kiểm tra nồng độ cồn 2 người này, lực lượng chức năng ghi nhận vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Cơ quan Công an còn xác định thời điểm tai nạn xảy ra, trên ô tô còn có 2 thẩm phán của TAND H.Đơn Dương là ông Luyện Thanh Sơn và ông Dương Văn Vũ. Hai vị này đã rời khỏi xe ô tô trước khi lực lượng CSGT chặn được ô tô đang bỏ chạy. Được biết, trước khi vụ tai nạn xảy ra, cả 4 người đi trên ô tô cùng tham gia tiệc nhậu ở một quán trên địa bàn.
Dưới góc độ pháp lý, hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn bị xử lý thế nào?
Chiếc o tô gây tai nạn, bỏ chạy đang bị công an tạm giữ. (Ảnh: Tiền Phong).
Theo Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển phương tiện và những người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn phải có các trách nhiệm sau:
- Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
- Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất;
- Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Khoản 17 Điều 8 của Luật Giao thông đường bộ cũng quy định bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông để trốn tránh trách nhiệm là một trong hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, người điều khiển phương tiện giao thông gây tai nạn nhưng không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị xử lý như sau:
- Đối với người điều khiển ô tô: Mức phạt từ 05 - 06 triệu đồng.
- Đối với người điều khiển xe máy: Mức phạt từ 02 - 03 triệu đồng.
- Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp điện: Mức phạt từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.
Ngoài mức xử phạt hành chính nêu trên, người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn còn có thể bị xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông theo quy định của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo đó, việc bỏ trốn sau khi gây tai nạn giao thông được quy định là một tình tiết tăng nặng trong Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông. Mức phạt cao nhất đối với hành vi này là 10 năm tù.
Cụ thể, Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm - 05 năm:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn.
Theo quy định trên thì chỉ có người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm mới bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự và phải bồi thường theo quy định tại Bộ luật dân sự.
Trong trường hợp người ngồi sau thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu người ngồi sau là chủ phương tiện đã gây ra tai nạn thì vấn đề bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra:
- Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật.
- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.