‘Vua rác’ David Dương: Đấu thầu nghẹt thở ở Mỹ và hành trình gian nan nơi quê nhà

Doanh nhân người Mỹ gốc Việt cho thấy tinh thần lạc quan hiếm thấy trong ngành xử lí rác thải cạnh tranh khốc liệt và môi trường kinh doanh biến động.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và vô cùng phức tạp của ngành xử lí rác thải ở Mỹ, việc thắng thầu dự án 2,7 tỉ USD và tiếp tục gia hạn hợp đồng 15 năm của ông David Dương là những câu chuyện li kì.

Tại Việt Nam, tiếp theo dự án xử lí rác thải Đa Phước tại TP HCM, Công ty TNHH Xử lí chất thải Việt Nam (VWS) do David Dương làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đang xúc tiến đầu tư dự án Khu công nghệ môi trường xanh tại Long An, với diện tích 1.760 ha, công suất xử lí 40.000 tấn mỗi ngày, vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 450 triệu USD.

Tuy nhiên, dự án buộc phải thay đổi công nghệ theo yêu cầu của chính quyền, nên tiến độ bị chậm và khiến nhà đầu tư gian nan. Trong bối cảnh đó, VWS vẫn quyết liệt khánh thành hai cây cầu dẫn vào dự án vào ngày 27/3/2019, như thể hiện quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng.

Chịu sự thử thách liên tục với cường độ cao giữa hai môi trường kinh doanh khác biệt, vượt thoát những khủng hoảng truyền thông, những sóng gió ba đào bởi cơ chế, chính sách và đối thủ cạnh tranh không lành mạnh, David Dương hẳn phải là người có một tinh thần thép và sự lạc quan hiếm thấy, mà trên hết là niềm tin vào những điều đúng mình đang làm cho người dân và cho ngành xử lí rác.

‘Vua rác’ David Dương: Đấu thầu nghẹt thở ở Mỹ và hành trình gian nan nơi quê nhà - Ảnh 1.

Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lí chất thải Việt Nam.

Chuyện cạnh tranh nghẹt thở ở Mỹ

- Sau 5 năm, hợp đồng thu gom và xử lí chất thải trị giá 2,7 tỉ USD cho CWS của ông tại Mỹ lại đối đầu với thử thách mới, đó là phải đấu thầu lại để gia hạn thêm 15 năm nữa, ông có thể kể về những gian truân này trong cuộc cạnh tranh quyết liệt với các thế lực trong ngành rác thải tại Mỹ?

- Hợp đồng với San Jose - thung lũng điện tử đến 2021 sẽ hết hạn, trong đó có bốn công ty đấu thầu khác nhau là công ty chuyên thu gom cây xanh, chuyên thu gom rác, chuyên thu gom rác và tái chế của các hộ dân, và công ty CWS chuyên thu gom phế liệu tái chế của nhà dân. Trong đó CWS chiếm khối lượng khoảng 80% tất cả nhà dân, ba công ty kia là của người Ý, chỉ có một mình là dân châu Á.

Hai năm trước, San Jose đề nghị cả bốn công ty thương lượng lại để cho gia hạn thêm 15 năm. Trong quá trình gia hạn, họ họp riêng với từng người, nhưng tôi thấy hai năm qua, mỗi tháng họp hai lần họ không nói gì hết, ngoại trừ đề nghị giá phải rẻ hơn hiện nay.

Vậy mà khi gia hạn lại, họ còn thay đổi rất nhiều trong tiêu chuẩn phục vụ và thành phần thu gom. Ví dụ, trước đây rác tái chế là tái chế, nhưng giờ họ muốn cho dân tiết kiệm tiền rác, nên đã cho người dân bỏ vô thùng tái chế của mình rác chưa phân loại. Dĩ nhiên, khi rác lẫn lộn như thế thì chi phí phải cao, vô hình chung giá của mình bằng với đối thủ.

Trong hai năm thương lượng, mình mới phát hiện ra đây là trò chơi của họ mà mình không tưởng tượng được.

Một năm trước có chương trình mỗi năm một nhà thường được bỏ ba món đồ cũ lớn như tủ lạnh, giường, ghế salon…và công ty tôi có trách nhiệm thu gom. Họ gọi điện trước, lấy hẹn, rồi xe của công ty mới tới chở đi. Đùng cái đến năm thứ hai, vẫn đang trong quá trình thương lượng, họ đi quảng bá với người dân thành phố, là bây giờ không còn ba món nữa mà bất cứ món đồ nào, bất cứ khi nào. Người dân thấy …quá đã, thế là họ dọn hết kho, gara tìm đồ cũ bỏ ra.

Họ chơi mình mà mình không để ý tới. Đột nhiên công ty tôi nhận điện thoại tới tấp mà xe thu gom chuyên dụng không đủ, vì đồ nặng mà, người mình cũng không đủ để phục vụ. Thế là họ lấy cớ đó cố tình đánh rớt mình, báo cáo dân gọi công ty trả lời không kịp, phục vụ không tốt, cộng với lí do giá cao hơn công ty khác, buộc phải đưa ra đấu thầu lại. Dĩ nhiên hội đồng thành phố khó bầu cho mình.

Tôi tìm cách phản biện lại, chứng minh rằng tới giờ phút này chúng tôi đã phục vụ gần 13 năm cho 166.000 căn nhà. Mười mấy năm qua chúng tôi chưa từng bị người dân phàn nàn về phục vụ. Tại sao đùng cái làm không tốt? Các vị phải coi lại nguyên nhân vì sao chứ? Đó là lỗi của quý vị, thay vì phải làm việc trước với chúng tôi về chính sách mới này để chúng tôi chuẩn bị xe, tuyển thêm tài xế. Mặc dù cứ ba món đồ thải ra công ty được 46 USD cũng là nguồn thu tốt, nhưng việc không cho mình biết trước với mục đích tạo hồ sơ xấu về mình rõ ràng họ chơi xấu mình.

Còn vấn đề tăng giá, tụi tôi cũng làm giá ngang bằng với đối thủ, tại sao không nói bên kia lại phê phán công ty tôi? Sau đó nhờ thông tin nội bộ, tôi phát hiện ra đối thủ có quan hệ rất thân thiết với gia đình ông thị trưởng từ xưa tới giờ, vì thế họ cố tình đánh rớt tôi để giành hợp đồng cho đối thủ.

Tôi phải vận dụng hết mọi cách, vận động từ cộng đồng người Việt của mình chiếm đến 11% dân số ở San Jose, vận động tiểu bang Cơ quan bảo vệ dân tộc thiểu số, Cơ quan bảo vệ công bằng cho thương gia…để họ thấy trong việc này có sự bất công. Đến đêm 15/1, thành phố đã phải bầu lại, và kết quả là 9/1.

Dĩ nhiên thành phố không giao ngay cho tôi hợp đồng, vì như thế là thừa nhận Sở Tài nguyên môi trường sai. Họ giao cho tôi về điều đình lại về giá cả, phục vụ với Sở Tài nguyên môi trường trong 30 ngày. Tôi thấy phải cho họ một bước lùi bằng cách họ phải đúng, vì nếu họ sai thì tôi có thể thưa kiện họ trong tương lai.

- Vậy kết quả hai bên điều đình với nhau thế nào thưa ông?

- Công ty tôi chấp nhận tiếp tục phục vụ trong một năm tới, và để cơ quan độc lập thứ ba kiểm tra mình, với điều kiện giá tăng cho hợp đồng mới phải được áp dụng ngay bây giờ. Tức là mình có lợi khoảng 7,5 triệu/năm tronghai năm còn lại. Về giá cả, mình giảm mỗi nhà 1USD/tháng, tức là rẻ hơn đối thủ chừng 2 triệu USD. Sau khi thương lượng, mình đạt hiệu quả, thành phố chấp nhận.

Tại sao tôi chấp nhận thương lượng đó? Vì hợp đồng đến 2021 hết hạn cũng là lúc hợp đồng bên công đoàn hết hạn. Thường sau khi hết hạn, công đoàn điều đình lại với mình về lương hướng và mọi trợ cấp sẽ tăng. Thay vì giảm 1 USD, mình sẽ để công đoàn làm việc với thành phố đòi tăng lương. Nếu công đoàn đòi tăng lương mà thành phố không giải quyết sẽ có cuộc đình công, rác sẽ ú lại. 

Đây là cách lùi một bước để tiến ba bước trong thương lượng. Bởi bên đó nghiệp đoàn rất mạnh, quyết định lá phiếu của các chính trị gia, họ ủng hộ ai thì khoảng 70% sẽ thắng cử.

Ngoài ra còn có rất nhiều tình tiết mà tôi không thể nói hết trong quá trình thương lượng. Dù họ làm sai, nhưng tôi không muốn thưa kiện, vì tôi muốn giữ hợp đồng này. Nó là chân đứng của chúng tôi, là sự khẳng định về khả năng của người Việt trong các hợp đồng lớn với chính quyền Mỹ. Thời gian gia hạn cho 15 năm tới khoảng 8 trăm triệu USD. Ở San Jose, hợp đồng lớn nhất cũng chỉ từ 1- 2 triệu USD.

- Ông có lo ngại nhiều không khi chấp nhận để cơ quan thứ ba kiểm soát mình trong một năm?

- Không có gì khó khăn với chúng tôi cả, vì chúng tôi đã làm tốt việc này cả bao nhiêu năm rồi. Ví dụ, khách hàng gọi vô chuông reng đến lần thứ ba phải có người nhấc máy, trong cuộc trò chuyện với khách không được ngắt máy giữa chừng… tất cả đều được thu lại trên hệ thống hết, mình không sợ.

Tuy nhiên, tôi biết có một cách họ sẽ làm khó tôi.

Từ mười mấy năm nay, khi trả lại thùng rác về vị trí cũ, 90 % nắp thùng của tất cả các công ty, kể cả công ty tôi đều không tự động đậy lại, tài xế phải bước xuống đóng lại nắp từng thùng. Mười mấy năm nay không có một người dân nào phản ánh việc này hết, tự nhiên bây giờ có dân gọi vô phản ánh việc tài xế trả thùng rác xuống nắp mở!  Tôi biết đây là trò họ sắp “chơi” mình. 

Quy định của họ là trong ba tháng không được phạt quá 7,5 ngàn USD, họ chỉ cần phạt 100USD/thùng mà 166.000 căn nhà với 90% nắp mở ngày nào cũng thế thì họ chơi mình được liền!

Tôi lập tức gặp nhà sản xuất chế cho mình thêm cái càng lò xo để thùng bỏ xuống nắp tự động đậy lại ngay. Trước khi về Việt Nam, tôi đã đích thân kiểm tra 100 thùng rác, kết quả 100% đều tự động đậy lại hết. Mình phải rà soát rất kỹ các điều khoản trong hợp đồng, hoàn thiện hết trong phục vụ khách hàng và cả… cái nắp thùng!

Một chuyện vui nữa là trước ngày hội đồng thành phố bầu, có một cú điện thoại gọi đến yêu cầu tới lấy đồ cồng kềnh trong nhà bỏ đi, chúng tôi cho người tới lấy ngay, chỉ có một chiếc vali cũ. Kiểm tra lại mới phát hiện đây là địa chỉ nhà ông thị trưởng. Đích thân ông ấy đã thử thách xem nhân viên chúng tôi trả lời có chuyên nghiệp hay không? Phục vụ có nhanh hay không?

Giờ phút cuối chuẩn bị bầu, khi ngồi với ông, tôi nói: “Ông đã thử dịch vụ của công ty chúng tôi, ông có hài lòng không?”. Ông nói rất chuyên nghiệp, trả lời đúng, lấy hàng đúng ngày đúng giờ”. Tôi hỏi tiếp: “Chiếc vali đó chắc ông chưa muốn bỏ, nhưng ông đã phải làm để kiểm tra xem cấp dưới mình báo cáo có đúng hay không?”. Ông tỏ ra vô cùng ngạc nhiên: “Sao anh biết?”.

Tôi biết mình là dân tộc thiểu số, muốn lấy được hợp đồng lớn tại Mỹ không dễ, đã lấy được rồi mà giữ nó còn khó hơn nữa, thành ra tôi luôn coi trọng công việc, dòm ngó kỹ càng để tự bảo vệ mình. Họ đã sắp xếp trước để lấy lại hợp đồng này cho một công ty Mỹ khác, mình phải tranh đấu rất quyết liệt.

Và những chậm trễ của dự án trọng điểm

- Chuyến trở về Việt Nam lần này, dự án lớn nhất của đời ông tại Long An có tiến triển gì mới không sau một thời gian gián đoạn?

Chúng tôi đang chuẩn bị khánh thành hai cây cầu đã xây xong. Sắp tới đây, chính quyền địa phương và trung ương sẽ làm việc với mình để dự án được xây dựng tiếp. Vốn liếng, công nghệ đã sẵn sàng, có hai cây cầu đi vào rồi, chỉ còn thủ tục hành chính là khởi công xây dựng thôi.

Đầu tư hai cây cầu quy mô, đàng hoàng, nhà đầu tư chỉ muốn thủ tục hành chính phải nhanh hơn, còn kéo dài rất mệt. Hiện nay, chỉ riêng việc bảo vệ rừng cũng tốn nhiều nhân sự. Vấn đề là liệu có thay đổi chính sách gì không với dự án này? Dù trung ương đã có chủ trương xử lý rác cho vùng, mình cũng đã được trao quyền làm, nhưng nếu TP. HCM không giao rác xuống cũng chết.

- Điều ông lo lắng nhất là gì?

- Điều tôi lo nhất là pháp lí chưa có, mình đâu có đi nhanh được. Liệu chính quyền TP HCM có giữ lại quy hoạch đã duyệt, hay xoá hết bàn cờ? Tôi nghĩ những công ty rác ở thành phố phải cùng ngồi xuống với chính quyền làm việc kĩ về công nghệ, giá cả, nếu không thì hai năm sau thành phố sẽ có vấn nạn, vì rác ngày một tăng, dân phản ánh ngày một nhiều hơn vấn đề thu gom vận chuyển rác. Thành phố muốn gì, làm tới đâu, trong khi dự án mới nằm ỳ một chỗ, thành phố không để tâm tới, lại đi nhiều hướng khác nhau.

Nếu không làm, tất cả công ty bất động sản đang dòm ngó quỹ đất sạch này. Rác trong vùng mỗi ngày một tăng, 2007 có 4.000 tấn, giờ gần chục ngàn tấn, kinh tế phát triển, dân số phát triển, rác càng tăng, phải có cơ quan đánh giá hết để có viễn cảnh chung mới giải quyết về lâu về dài. Phải phòng cháy chứ không chữa cháy trong xử lí rác, môi trường. Nhưng rất tiếc chưa có bản đánh giá thực chất và xử lí rác về lâu dài.

- Công nghệ ở Long An có áp dụng ủ kị khí không thưa ông?

Tiền nào của ấy, vấn đề chi phí xử lí rác có chịu nổi không? Ưu đãi thuế má thế nào, có ưu đãi về đất đai hay dự án khác để bù đắp lỗ cho chúng tôi không? Đâu phải muốn làm là làm đâu.

Chúng tôi đã bỏ mấy triệu USD để đặt cọc công nghệ. Vấn đề Nhà nước thương lượng với chúng tôi thế nào, vẫn phải chờ thôi. Muốn đầu tư thì chi phí khác, giá cả khác thì nhà đầu tư mới dám nhập vô chứ.

- Chính quyền Long An đối với dự án này thì sao thưa ông?

- Rất ủng hộ, họ cũng sốt ruột, nôn nóng vì tiến độ quá chậm. Vấn nạn rác là của thành phố, không phải của Long An. TP HCM phải làm việc với Long An, nhưng thành phố lại không mặn mà lắm.

Định hướng xử lí rác ở Long An là định hướng tốt nhất cho TP HCM. Thay vì xe rác chạy cả chục nơi, tập trung về một mối sẽ tốt vô cùng. Nếu để vuột cơ hội này rất khó để quỹ đất lớn làm xử lí rác.

- Ông đã từng viết thư cầu cứu đến Thủ tướng?

- Thủ tướng đã khuyến khích, động viên tôi đầu tư mạnh hơn, có gì khó khăn báo cáo để tháo gỡ. Tôi rất vui trả lời sẽ làm hết mình, đó là quyết tâm của tôi từ đầu tới bây giờ khi về Việt Nam, nhưng tới mức độ nào đó mà không phải quyền quyết định của nhà đầu tư thì tôi sẽ phải chờ.

Nhưng Thủ tướng đâu có giải quyết trực tiếp, mấu chốt vẫn là chính quyền TP HCM. Vấn đề xử lí rác vẫn là của thành phố. Thành phố kêu gọi đổi mới công nghệ đầu tư nhưng cần bảo đảm cho nhà đầu tư lâu dài. Đó là chưa nói đến việc chạy theo công nghệ rác rẻ tiền sẽ gây hệ luỵ rất lớn về sau, công nghệ sai ảnh hưởng tới sức khoẻ, môi trường. Dự án của chúng tôi công nghệ xử lí tốt, bảo đảm môi trường về lâu dài.

- Thời gian kéo dài như thế hẳn ảnh hưởng lớn đến tâm trạng của riêng ông, làm thế nào ông vẫn giữ được sự lạc quan hiếm thấy?

- Tôi chịu thử thách quen rồi, ngày nào không có áp lực lại cảm thấy… nhạt nhẽo! Dự án Khu công nghệ môi trường xanh là ước muốn cuối cùng của cuộc đời tôi, quyết tâm làm không phải vì tiền, mà vì sứ mệnh của một người con xa xứ về Việt Nam cống hiến.

Với một người trong ngành xử lí môi trường, tôi thấy trách nhiệm của mình còn rất lớn. Gia đình, anh em, nhân viên của chúng tôi đang quyết tâm lớn hơn là làm bằng được trung tâm xử lí rác cho vùng với công nghệ hiện đại. Nếu thành công, mình sẽ cùng chính quyền làm một trung tâm ở miền Trung, miền Tây, để chính quyền các cấp thấy được hiệu quả xử lí rác với khối lượng lớn, chi phí giảm rất nhiều. Nếu làm được việc này rồi, tôi có thể… về hưu.

Tôi mong muốn nhận được sự ủng hộ mọi mặt của giới truyền thông, ủng hộ về tinh thần, góp phần giúp chúng tôi tháo gỡ khó khăn, hiểu biết về công việc chúng tôi làm, thông cảm và cùng đồng hành với chúng tôi… Đó là điều tôi muốn nói từ tận đáy lòng.

Tiến độ chậm tôi cũng hơi buồn, nhưng biết làm sao được, phải cố gắng thôi. Mình là người Mỹ gốc Việt, thấy quan hệ tốt giữa hai nước, càng phải nâng tầm đầu tư để các thương nhân người Việt xa xứ khác thấy David Dương làm được nghĩa là Việt Nam vẫn là cơ hội, nơi đầu tư tốt. Đối với Việt kiều, kể cả những người đã từng thất bại trước đây, anh em sẽ có quyết tâm… thử lần thứ hai. Đó là mong muốn của tôi, nên dẫu nhiều khó khăn vẫn tiếp tục làm.

Anh em Việt kiều, đặc biệt ở California hỏi tôi rất nhiều vấn đề đầu tư ở Việt Nam thế nào? Họ rất muốn tìm hiểu kinh nghiệm từ tôi để đầu tư ở Việt Nam. Tôi rất muốn làm vai trò cầu nối, từ sự thành công của mình có thể sẽ lan toả đến mọi người con đất Việt trên thế giới, có thêm nhiều dự án về đây, đó là mục đích lớn hơn.

Đa Phước muốn trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày cho TP HCMĐa Phước muốn trả lại 2.000 tấn rác mỗi ngày cho TP HCM TP HCM họp khẩn vụ Đa Phước trả 2.000 tấn rácTP HCM họp khẩn vụ Đa Phước trả 2.000 tấn rác Dân phản ứng vì nghi nước thải tràn từ bãi rác Đa PhướcDân phản ứng vì nghi nước thải tràn từ bãi rác Đa Phước
chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.