Trường THPT Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) được xây dựng từ năm 1973. Đến nay, các hạng mục như lối hành lang dẫn từ tầng 2 nhà hiệu bộ sang nhà B của trường đang bị nứt nẻ nhiều kết cấu, nền bị nứt hở lõi thép bên trong. Ở nhiều lớp xuất hiện hiện tượng vữa trần bị rơi rụng từng mảng lớn nhỏ khác nhau.
Hệ thống trụ tường cạnh lỗi cầu thang dẫn lên tầng 2, 3 ở nhà A của trường cũng bị nứt hở nhiều kết cấu. Các lối hành lang của trường cũng xuất hiện nhiều mảng vữa trần bị rụng. Hệ thống dây dẫn điện, máng đèn, quạt trần ở các lớp cũng đang có dấu hiệu không đảm bảo, nguy cơ hỏng hóc cao...
Dưới đây là một số hình ảnh chúng tôi ghi lại tại trường trong ngày 15/5:
Lối hành lang dẫn từ tầng 1 nhà hiệu bộ sang tầng 1 nhà B được chăng dây ngăn không cho học sinh, giáo viên qua lại, do nguy cơ đổ sập.
Vết nứt từ trụ đỡ với dầm tầng 1 của hành lang rất nguy hiểm, dù được gia cố bằng thép phía dưới.
Lan can tầng 1 hư hỏng, bong tróc, hở cả phần lõi sắt bên trong.
Từng mảng vữa trát trên trụ đỡ của hành lang dẫn từ nhà hiệu bộ sang tầng 1 nhà A cũng rơi rụng.
Lối hành lang dẫn từ tầng 2 nhà B sang nhà hiệu bộ được khuyến cáo không qua lại để đảm bảo an toàn.
Những tấm biển cảnh báo như: "Không đùa nghịch, xô đẩy gần lan can" được đặt ở các lối hành lang tầng 2, 3 của trường.
Kết cấu tường, trụ bị nứt toác ở lỗi hành lang cầu thang dẫn lên tầng 2 của nhà A.
Học sinh và giáo viên ngồi trong lớp với tâm trạng phấp phỏng...
Vì những mảng vữa trần bị rơi rụng bất cứ lớp nào
Phần lõi sắt ở trần tầng 2 của nhà A lộ ra ngoài sau thời gian bị ngấm nước mưa, rêu mốc.
Vữa trần hành lang tầng 2 nhà A bị rơi.
Điều kiện cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, thầy trò nhà trường vẫn làm tốt nhiệm vụ dạy và học.
Nhiều lớp bị ẩm mốc, có cả rễ cây mọc vươn vào bên trong tường lớp học.
Tầng 2 nhà B có đoạn lan can bị hỏng và được chằng tạm bằng dây thép gai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng trường THPT Trương Định, cho biết toàn trường hiện có 1.870 học sinh đang theo học ở cả ba khối lớp 10, 11 và 12. Tình trạng xuống cấp xuất hiện ở hầu hết các phòng học chức năng với các mức độ khác nhau.
Khu vực hành lang dẫn từ tầng 1 nhà B sang nhà hiệu bộ được chăng dây cấm người qua lại để đảm bảo an toàn.
Trước thực trạng này, BGH nhà trường đã có hồ sơ trình lãnh đạo TP Hà Nội từ năm 2017. Tháng 9/2018, thành phố cũng đã phê duyệt chủ trương trong việc đầu tư cải tạo, nâng cấp nhà trường. Các sở ngành liên quan đang tích cực tiến hành các thủ tục để phê duyệt dự án xây dựng trường.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng chỉ đạo nhà trường tiếp tục duy trì, đảm bảo điều kiện dạy và học cho thầy trò của trường. Với những phòng học có dấu hiệu xuống cấp, nhà trường luôn chủ động kiểm tra, đục các mảng vữa trần có nguy cơ rơi (nhất là vào những ngày mưa gió).
"Có những hôm học sinh về hết, các thầy cô mới ở lại trường để đục các mảng vữa trần có nguy cơ rơi rụng đến 8 - 9h tối mới xong để về nhà. Với những kết cấu lớn bị hư hỏng, nhà trường đã khoanh vùng lại và có phương án gia cố để đảm bảo an toàn cho học sinh...", ông Dương nói.
Cũng theo vị hiệu trưởng, dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp trường dự kiến sẽ khởi công vào cuối năm 2019, và kéo dài trong hai năm. Số vốn đầu tư ban đầu cho dự án khoảng 64 tỉ đồng trích từ ngân sách của thành phố.