Vùng đông Quảng Nam sẽ có các khu dân cư, đô thị hàng nghìn ha

Vùng đông Quảng Nam bao gồm 9 huyện, thành phố, thị xã nằm về phía biển Đông, được xác định là vùng động lực của tỉnh, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển.

Đề xuất quy hoạch ba khu dân cư, đô thị hơn 5.700 ha

UBND tỉnh Quảng Nam vừa có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh khóa X xem xét, thông qua nội dung nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đối với ba khu dân cư, đô thị, dịch vụ và du lịch với tổng diên tích 5.770 ha, nằm trong Khu Kinh tế mở Chu Lai.

Vùng đông Quảng Nam sẽ có các khu dân cư, đô thị hàng nghìn ha - Ảnh 1.

Một góc Khu kinh tế mở Chu Lai. (Ảnh: TTXVN).

Đầu tiên là Khu đô thị Tam Anh Bắc với diện tích khoảng 1.157 ha, được định hướng là khu dân cư đô thị với dân số dự kiến khoảng 73.000 người.

Khu vực quy hoạch thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai tại xã Tam Anh Bắc, huyện Núi Thành.

Phía đông bắc giáp sông Tam Kỳ; phía đông nam giáp sông Trường Giang, Khu tái định cư Tam Anh Nam và Khu công nghiệp Tam Anh - Hàn Quốc; phía tây bắc giáp hành lang đường dây điện 110kV và đất quy hoạch đất nông nghiệp; phía tây nam giáp sông Tam Kỳ và đất quy hoạch đất nông nghiệp.

Về nội dung nghiên cứu quy hoạch, UBND tỉnh Quảng Nam cho biết quy hoạch sẽ phân tích, đánh giá các điều kiện tự nhiên, hiện trạng đất xây dựng, dân cư, kiến trúc cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; phân tích các quy định của quy hoạch chung xây dựng có liên quan đến khu vực quy hoạch; đánh giá các dự án, các quy hoạch đã và đang triển khai trong khu vực.

Bên cạnh đó, quy hoạch cũng xác định các khu vực bố trí khu dân cư đô thị đáp ứng nhu cầu ở để phát triển đô thị và tái định cư cho Khu công nghiệp Tam Anh và các dự án đầu tư xây dựng khác; từng bước hình thành Khu đô thị Tam Anh, phục vụ nhu cầu ở cho các đối tượng là chuyên gia, lao động tay nghề cao trong các khu công nghiệp cũng như các cư dân tại địa phương và nơi khác đến.

Ngoài ra, nội dung của quy hoạch cũng sẽ xác định quy mô và phân khu từng khu chức năng, kiến trúc cảnh quan trong khu đô thị: khu dịch vụ, khu vực ở mới, trường học, tiện ích công cộng trong khu ở... và xác định các giải pháp về hạ tầng kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Kinh phí để thực hiện lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu đô thị Tam Anh Bắc là 5,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của tỉnh.

Trong khi đó, Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2 có vị trí thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai tại các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Triều và Bình Sa của huyện Thăng Bình.

Phía đông bắc giáp biển Đông; phía đông nam giáp đường Võ Chí Công; phía tây bắc giáp ranh giới Khu Kinh tế mở Chu Lai; phía tây nam giáp khu công nghệ cao và đất định hướng quy hoạch rừng phòng hộ.

Khu dân cư đô thị này có diện tích lập quy hoạch khoảng 2.785 ha, được định hướng là khu dân cư đô thị kết hợp với các loại hình dịch vụ và du lịch theo các tiêu chí tương đương đô thị loại 2, với chỉ tiêu dân số dự kiến khoảng 94.000 người.

Còn Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 3 thuộc Khu Kinh tế mở Chu Lai được quy hoạch tại các xã Bình Sa và Bình Nam, huyện Thăng Bình.

Phía đông bắc giáp sông Trường Giang; phía đông nam giáp ranh giới xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ; phía tây bắc và tây nam giáp đường Võ Chí Công.

Với diện tích lập quy hoạch khoảng 1.828 ha, đây được định hướng là khu dân cư đô thị kết hợp với các loại hình dịch vụ và du lịch theo các tiêu chí tương đương đô thị loại 2, dân số dự kiến khoảng 48.000 người.

Đồ án quy hoạch sẽ xác định nguyên tắc, yêu cầu tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với từng phân khu, trục đường chính, không gian mở, điểm nhấn. Ngoài ra sẽ nghiên cứu tổ chức không gian cảnh quan Khu dân cư đô thị, dịch vụ, du lịch Đông Nam Thăng Bình 2 và 3 trên cơ sở định hướng quy hoạch chung, gắn kết với các khu vực du lịch lớn đã và đang hình thành.

Kinh phí cho việc lập đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2 và 3 hơn 17 tỷ đồng, được chi từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Quảng Nam.

Khu Kinh tế mở Chu Lai là khu kinh tế ven biển đầu tiên được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập vào tháng 6/2003, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm quốc gia, với mô hình khu kinh tế tổng hợp, áp dụng các cơ chế chính sách mới, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bình đẳng, phù hợp theo thông lệ quốc tế.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý và yếu tố thuận lợi để xây dựng định hướng và kế hoạch phát triển của khu cũng như vùng đông nam Quảng Nam đến năm 2030.

Hiện nay, Khu Kinh tế mở Chu Lai có 180 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 122.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 5,6 tỷ USD. Trong đó, có 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 721 triệu USD và 132 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 106.000 tỷ đồng. Hiện tại, có 113 dự án đã hoạt động với tổng vốn thực hiện 43.300 tỷ đồng.

Bức tranh phát triển vùng đô thị động lực khu đông Quảng Nam sắp hiện hữu

Phía đông tỉnh Quảng Nam gồm 9 huyện, thành phố, thị xã: Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Điện Bàn, Hội An và Tam Kỳ. Đây được xác định là vùng động lực của tỉnh Quảng Nam, làm đầu tàu kéo các vùng khác phát triển.

Tháng 10/2020, tỉnh Quảng Nam đã chính thức thông xe tuyến đường Võ Chí Công dài 69 km chạy dọc ven biển, nối TP Hội An với sân bay Chu Lai (huyện Núi Thành).

Cùng với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và quốc lộ 1, đường Võ Chí Công là trục giao thông huyết mạch kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển lan tỏa kinh tế ven biển miền Trung nói chung và phát triển vùng kinh tế phía đông của Quảng Nam nói riêng.

Đồng thời, công trình đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh cũng như phát triển các ngành công nghiệp trong Khu kinh tế mở Chu Lai,...

Thời gian vừa qua, với sự phát triển ngày càng hoàn thiện của hệ thống hạ tầng giao thông cùng quỹ đất lớn, khu đông Quảng Nam đã thu hút nhiều ông lớn bất động sản như Vingroup, T&T, VinaCapital, BRG,…đến đầu tư hoặc tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Vùng đông Quảng Nam sẽ có các khu dân cư, đô thị hàng nghìn ha - Ảnh 1.

Sơ đồ định hướng phát triển không gian khu đông Quảng Nam. (Nguồn: UBND tỉnh Quảng Nam).

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã ký tờ trình đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 2.743 km2, gồm toàn bộ địa giới hành chính 9 huyện, thành phố, thị xã phía đông tỉnh Quảng Nam.

Đây được xác định là vùng kinh tế tổng hợp thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tỉnh Quảng Nam, với các ngành kinh tế chủ đạo là kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, khu vực này sẽ tập trung các đô thị lớn, nơi bố trí các trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh, các trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao lớn của toàn tỉnh và khu vực.

Việc quy hoạch vùng liên huyện phía đông cũng sẽ phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, phấn đấu trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.

Theo đó, tổng diện tích khoảng 118,4 km2, thuộc các xã ven sông Trường Giang và ven biển của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình.

Phạm vi nghiên cứu theo trục đông tây từ khu vực sông Trường Giang đến biển Đông, tổng chiều dài trung bình khoảng 10 km; theo trục bắc nam từ huyện Duy Xuyên đến huyện Núi Thành với tổng chiều dài khoảng 40 km.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị HĐND tỉnh thông qua nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng khu vực sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại giai đoạn đến 2030 và năm 2045. Theo đó, tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 9.516 ha; trong đó, phần diện tích đất hai bên và cồn bãi là 6.945 ha, diện tích mặt nước là 2.571 ha.

Phạm vi lập quy hoạch thuộc địa phận hành chính của các xã, phường Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim (TP Hội An); Điện Phương, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (thị xã Điện Bàn); Đại Hòa (huyện Đại Lộc); Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Phước, Nam Phước, Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên).

Ranh giới phía bắc cách bờ sông khoảng từ 20 m đến 1.300 m, được giới hạn bởi các tuyến đường ven sông theo Quy hoạch chung đô thị Hội An, Điện Bàn và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Lộc.

Phía nam khu quy hoạch cách bờ sông khoảng từ 20 m đến 600 m, được giới hạn bởi các tuyến đường quốc lộ 14H, đường ven sông theo Quy hoạch chung đô thị Nam Phước, đường Quy hoạch đô thị Duy Hải - Duy Nghĩa và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Duy Xuyên.

chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.