Ba trận lũ quét liên tiếp trong các ngày từ 28-31/8 đã làm ngập, trôi, hư hỏng nhiều trang thiết bị dạy và học của trường tiểu học và Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng.
Một trường học ở Mai Sơn bị bùn lũ tràn vào gây hư hỏng nặng. |
Để đảm bảo có ngày khai giảng năm học mới, các thầy cô giáo cùng các lực lượng và phụ huynh học sinh ngày đêm dãi nắng dầm mưa, chân ngập dưới sình lầy, dọn bùn, vá lớp.
Những cơn mưa rừng xối xả vẫn trút xuống, trên dòng suối Hộc lũ lớn vẫn trực đổ về làm ai cũng canh cánh nỗi lo và cầu mong: Hôm nay khai trường rồi, trời đừng mưa nữa!
Đêm nay thêm một đêm thức trắng canh trường, canh lũ ở ngôi trường nhỏ bé- Tiểu học Tà Hộc.
Sân trường Tiểu học Tà Hộc sau lũ là cánh đồng đất. Chiều nay có thêm cả 2 chiếc máy bừa được người dân trong bản Hộc mang đến để làm nhão đất.
Theo sau là những thanh niên kéo thanh gạt, hất đất về phía suối. Các mẹ, các chị, người tay xẻng, tay cuốc xúc đất, hót bùn.
Từ mấy ngày nay, hàng chục hộ dân cạnh 2 trường học đã gác lại việc nương rẫy đến trường cùng góp sức với các thầy cô.
Ai cũng mong ngày mai có khoảng sân nhỏ khô ráo, sạch sẽ cho các con hát, múa chào mừng ngày khai giảng.
Khắc phục lũ tràn vào tại trường học Nà Ớt. |
“Nhà cửa nhà tôi cũng bị sạt lở hết nhưng chúng tôi muốn cho con được đi học lên đến đây để dọn dẹp để sớm được khai giảng.
Tôi rất lo lắng sợ con không được dự khai giảng, rất lo cho cháu, hôm qua hôm kia chúng tôi cũng dọn song rồi nhưng lũ về bùn đất lại như cũ”, chị Hoàng Thị Sương và chị Lèo Thị Tiên ở bản Hộc nói.
Cơn mưa rừng ào xuống xối xả khi mọi người đang hối hả san đất, gạt bùn. Mưa sầm sập không dứt, sân trường càng thêm nhão nhoét, ngập nước.
Thời gian không còn nhiều, dưới làn mưa trắng trời ai nấy vẫn cần mẫn làm việc. Vì con em mình và vì học sinh thân yêu dường như ai cũng quên đi vất vả, nhọc nhằn.
Nhiều ngày nay, con đường từ huyện Mai Sơn vào xã Tà Hộc bị mưa lũ đánh sập nhiều điểm khiến xã bị cô lập.
Các thầy cô giáo của hai trường học bị mắc kẹt. Lương thực dần cạn kiệt, gói mì tôm được chia nhau ăn dè, ngọn bàng và rau rừng nấu canh thay món rau xanh.
Dầm mưa, lội bùn nhiều ngày, nhưng rất may tất cả các cô giáo không ai bị ốm, mỗi người một phần việc chuẩn bị cho ngày khai giảng ấm áp.
Chiều muộn, sau công việc dọn dẹp sân trường, các cô lại hồ hởi tập văn nghệ cho buổi khai giảng.
“Sau khi khắc phục lũ thì các giáo viên chiều nay tổ chức văn nghệ khai giảng là được 4 bài hát múa.
Điều kiện cũng khó khăn nhưng chúng tôi đang tích cực luyện tập để mong muốn ngày mai mang đến ngày khai giảng thàng công, rực rỡ cho các em”, cô giáo Cầm Thị Hương cho biết.
Lo lắng nhất hiện nay là ngoài bản Hộc và bản Mòng thì 8 bản còn lại của xã Tà Hộc vẫn còn cô lập với điểm trường Trung tâm, vì thế nhiều em sẽ không thể đến trường dự ngày khai giảng.
“Xã Tà Hộc này một bên là suối, một bên là núi. Bây giờ địa bàn này chia cắt, từ trên bản Mòng xuống đây để khai giảng thì không thể mà chỉ có một số cháu ở gần đây đến được với trường thôi”, cô giáo Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tà Hộc nói.
Năm học mới trường tiểu học và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Tà Hộc có hơn 1000 học sinh.
Lễ khai giảng, cả hai trường đều tổ chức chung tại một điểm. Thầy và trò nơi đây cùng đồng lòng, đoàn kết, tạo sức mạnh vượt lên khó khăn, thiếu thốn của ngày đầu năm học mới.
Trường học đầu tiên trễ hẹn lễ khai giảng năm học mới vì mưa lũ
Chiều ngày 4/9, ông Lô Văn Thiệp, Phó Hiệu trưởng trường PTDT Nội trú - THCS Con Cuông (Nghệ An) cho biết, hơn 300 học ... |
Nước rút, nhà dân vùng lũ Thanh Hóa ngập bùn đất
Đến 16 giờ chiều 1/9, nước trên sông Mã, đoạn qua huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã rút hơn 1 m nhưng để lại bùn ... |
Dân vùng lũ Nghệ An lo lắng xuất hiện dịch bệnh khi trên nắng như đổ lửa, dưới nước lũ ngập nhà
Các huyện hạ du sông Lam như: Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn … mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng nhiều khu vực ... |