Xây dựng hàng rào kỹ thuật cho xe ô tô nhập khẩu

Xe nhập cần được quản lý như thế nào để tránh thất thu thuế, đồng thời đảm bảo an toàn cho người sử dụng...

“Né” Thông tư 20, né cả thuế hàng nghìn tỷ đồng

Ngày 18/4, Công ty CP Thương mại H.P. nhập khẩu qua cảng Hải Phòng chiếc ô tô 5 chỗ hiệu Audi A1 sportback mới 100% dưới hình thức quà biếu, tặng, giá khai tính thuế 10.000 USD (tương đương 223,3 triệu đồng - theo tỷ giá hiện hành). Trong khi đó, giá khai báo hải quan của chiếc xe trên do hãng Audi Việt Nam nhập về là 16.000 USD (tương đương 357,28 triệu đồng). Như vậy, với chênh lệch về giá khai báo, chỉ tính riêng thuế tiêu thụ đặc biệt, ngân sách Nhà nước đã thất thu hơn 60 triệu đồng. Chưa kể, nếu nhập thương mại chiếc xe này, ngân sách Nhà nước còn có thể thu được 250 triệu đồng thuế nhập khẩu.

Một trường hợp khác, ngày 17/6, chiếc xe 4 chỗ Land Rover Range Rover SVAutobiography được Công ty H.N.P nhập qua cửa khẩu Hải Phòng dưới diện quà biếu, tặng có mức giá khai báo 61.000 USD (tương đương 1,36 tỷ đồng). Với mức thuế tiêu thụ đặc biệt 60%, thuế thu nhập doanh nghiệp (thu nhập bất thường) 20%, thuế giá trị gia tăng 10%, chưa tính phí đăng ký, thuế phải nộp cho chiếc xe này là 1,22 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là mức thuế khi doanh nghiệp tự khai báo giá hải quan ở mức thấp. Còn với giá nhập thương mại, ngân sách Nhà nước sẽ thu được nhiều hơn. Ngay sau đó, công ty này đã rao bán chiếc xe với giá hơn 4 tỷ đồng, chưa đăng ký.

Trên đây là hai trong số nhiều trường hợp ô tô nhập dưới hình thức quà biếu, tặng nghi vấn “lách” Thông tư 20/2011/TT-BCT. Hiện tượng này diễn ra ồ ạt trong 6 tháng đầu năm 2016 - trước thời điểm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe dung tích lớn từ ngày 1/7.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 - 30/9, số ô tô dạng quà biếu, tặng nhập vào Việt Nam là 1.072 xe. Trong đó, số thuế doanh nghiệp khai báo là 1.576,9 tỷ đồng (trong đó thuế nhập khẩu là 492 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 856,2 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 228,7 tỷ đồng). Đáng chú ý, nhiều trường hợp khai giá tính thuế rất thấp.

Doanh nghiệp nhập khẩu xe phải cung cấp hồ sơ thiết kế như xe sản xuất trong nước - Ảnh: Khánh Linh

Theo tính toán của PV Báo Giao thông, chỉ riêng sự vênh nhau giữa thuế tiêu thụ đặc biệt trước và sau thời điểm ngày 1/7 cũng lên tới vài trăm triệu, có xe lên tới cả tỷ đồng. Tìm hiểu của Báo Giao thông, có doanh nghiệp rao bán xe “biếu, tặng” ngay khi mới nhập về. Nếu giao dịch thành công, doanh nghiệp “nhẹ nhàng” thu về vài tỷ đồng nhờ “né” được một khoản thuế không nhỏ.

Đơn cử, trong số hơn 1.072 xe ô tô biếu, tặng nói trên, phía hải quan đã xác định lại trị giá tính thuế tăng so với trị giá khai báo 871 xe ô tô; Số thuế tăng thêm so với khai báo của doanh nghiệp 887,9 tỷ đồng (trong đó thuế nhập khẩu 277,5 tỷ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 481,8 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 128,6 tỷ đồng). Chỉ có 201 xe cơ quan hải quan đã kiểm tra và chấp nhận trị giá khai báo.

Không đạt tiêu chuẩn sẽ phải tái xuất

Một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô chính hãng cho biết, xe ô tô nguyên chiếc (CBU) có giá trị cao, lên đến vài trăm nghìn USD và có thuế suất, thuế nhập khẩu cũng như thuế tiêu thụ đặc biệt cao. Theo đó, tổng số thuế phải nộp tại khâu nhập khẩu chiếm từ 138 - 303% so với giá nhập khẩu. Chính vì thế, đã có nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan Nhà nước cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu mặt hàng này nhằm chống gian lận thuế (khai báo trị giá hải quan thấp, xuất hóa đơn thấp hơn giá bán thực tế...).

Vậy, xe nhập cần được quản lý như thế nào để tránh thất thu thuế cho ngân sách, đồng thời đảm bảo an toàn cho người sử dụng cũng như quá trình tham gia giao thông?

Về khía cạnh thuế, ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, khẳng định, quản lý nhập khẩu xe ô tô vẫn theo Thông tư 20, đại diện nhập khẩu phải có cơ sở bảo dưỡng, bảo hành theo quy định của Bộ GTVT. Tuy nhiên, xe quà biếu phi mậu dịch thì không phải có hai điều kiện này.

Về quy trình, xe ô tô phải được kiểm định. Nếu thuế khai không chính xác sẽ bị điều chỉnh và khi nộp đủ thuế mới được thông quan. Nên không có kiểm định thì dù nhập xe về cũng khó bán vì không thể đăng ký xe được.

Về khía cạnh chất lượng, an toàn, Phó vụ trưởng Vụ KH-CN Bộ GTVT Trần Quang Hà nhấn mạnh, với các dòng xe thế hệ mới, toàn bộ cơ điện tử trên xe phải điều khiển bằng lập trình, mỗi nhà sản xuất có thiết bị chẩn đoán riêng. Thiếu thiết bị này, khi xe xảy ra lỗi, người thợ có kinh nghiệm đến mấy cũng không thể xử lý được. Do vậy, các điều kiện liên quan đến an toàn kỹ thuật của phương tiện cần phải tiếp tục được kiểm soát gắn với hoạt động kinh doanh xe, dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước.

Vậy vấn đề an toàn kỹ thuật cần được kiểm soát như thế nào? Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình cho biết, Bộ GTVT đang lấy ý kiến đóng góp trong dự thảo Quy định việc kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp muốn nhập khẩu xe phải đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định tương ứng như xe sản xuất, lắp ráp trong nước, nếu không sẽ buộc phải tái xuất. Cụ thể, nhà nhập khẩu phải cung cấp Hồ sơ thiết kế hoặc tài liệu tương đương đối với xe nhập khẩu có kiểu loại không giống với kiểu loại xe đã được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận để cơ quan kiểm tra làm căn cứ xem xét, đánh giá và thẩm định nhằm mục đích hỗ trợ nhà nhập khẩu kiểm soát chất lượng phương tiện trước khi nhập khẩu xe.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.