Theo Đề án, tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế đô thị theo hướng tăng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và du lịch và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; trong đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư xây dựng, phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm thành đô thị xanh, hiện đại, thông minh; trở thành một trong những đô thị trọng tâm tiên kết vùng với chức năng dịch vụ, du lịch, trung tâm hành chính văn hoá, khoa học-kỹ thuật của tỉnh và khu vực Nam Trung Bộ.
Cụ thể, Ninh Thuận đề ra các chỉ tiêu phát triển đến năm 2025, kinh tế khu vực đô thị chiếm khoảng 75% tổng sản phẩm nội tỉnh (trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% kinh tế đô thị toàn tỉnh); tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân đạt 12-13%; thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 170 triệu đồng/năm (riêng thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt 190 triệu đồng/người/năm).
Tổng vốn đầu tư khu vực đô thị khoảng 29-31 nghìn tỷ đồng; năng suất lao động đạt khoảng 180-200 triệu đồng/lao động/năm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm đạt 200-220 triệu đồng/lao động/năm); quy mô dân số đô thị khoảng 254.000 người. Về cơ cấu kinh tế đô thị, ngành nông nghiệp-thuỷ sản chiếm tỷ trọng 8-10%; công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 30-32%; thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 60-62%.
Đến năm 2030, kinh tế khu vực đô thị chiếm khoảng 85% tổng sản phẩm nội tỉnh (trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chiếm tỷ trọng 90% kinh tế đô thị toàn tỉnh); tốc độ tăng trưởng kinh tế đô thị bình quân đạt 13-14%; thu nhập bình quân đầu người khu vực đô thị đạt 220 triệu đồng/năm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 240 triệu đồng/người/năm).
Trong giai đoạn này, Ninh Thuận dự kiến tổng vốn đầu tư khu vực đô thị khoảng 18-20 nghìn tỷ đồng; năng suất lao động đạt khoảng 330-350 triệu đồng/lao động/năm (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 350-360 triệu đồng/lao động/năm); quy mô dân số đô thị khoảng 358.000 người. Về cơ cấu kinh tế đô thị, ngành nông nghiệp-thủy sản chiếm tỷ trọng 7-9%; công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 32-34%; thương mại-dịch vụ chiếm tỷ trọng 58-60%.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, phát triển kinh tế đô thị là động lực tăng trưởng cho địa phương, để đạt được mục tiêu tỉnh đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và 7 nhóm giải pháp triển khai thực hiện; trong đó, Ninh Thuận tập trung vào các giải pháp thu hút các nguồn lực thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư và phát triển các đô thị, các trung tâm kinh tế động lực làm khâu đột phá, có sức lan tỏa lớn để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Địa phương cũng dự kiến nguồn vốn đầu tư từ ngân sách chiếm khoảng 14%, vốn doanh nghiệp trong nước và dân cư chiếm 46,3%, huy động vốn nước ngoài chiếm 33,7%, vốn tín dụng chiếm 6% tổng đầu tư.
Trong định hướng phát triển, tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị, thu hút công nhân từ các nơi khác đến làm việc, sinh sống, tạo điều kiện cho dịch vụ phát triển; trong đó, tập trung phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo để đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, góp phần tạo ra các đô thị xanh, bền vững, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, năm 2024 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư các dự án có quy mô lớn thuộc các nhóm ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp, kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội như giao thông, giáo dục, y tế và xây dựng các khu đô thị; tranh thủ vốn tài trợ ODA, NGO cho phát triển xã hội.
Ninh Thuận triển khai một số mô hình kinh tế đô thị mới như kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao hiệu quả của ngành nông nghiệp theo hướng phát triển các sản phẩm đặc thù của địa phương, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện “Đề án phát triển du lịch Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Tỉnh thực hiện kích cầu, tăng cường hoạt động liên kết, duy trì hợp tác du lịch với 9 tỉnh vùng Duyên hải miền Trung, 6 tỉnh Nam Trung Bộ với Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch.
Đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Phan Rang-Tháp Chàm trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, tỉnh đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Thành Hải và Cụm công nghiệp Tháp Chàm; đẩy mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên các dự án đầu tư có quy mô lớn với công nghệ - kỹ thuật hiện đại, thân thiện với môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các loại hình thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố.
UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Đề án bảo đảm kịp thời, hiệu quả; ưu tiên thực hiện mục tiêu về phát triển kinh tế đô thị trong quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm của tỉnh và các địa phương.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Ninh Thuận phấn đấu đến năm 2030 có 12 đô thị bao gồm: 1 đô thị loại 2 là thành phố Phan Rang-Tháp Chàm; 4 đô thị loại 4 trong đó có 2 đô thị hiện hữu là Tân Sơn, Phước Dân và 2 đô thị mới gồm Phước Nam, Cà Ná (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 5 giai đoạn 2021-2025); 7 đô thị loại 5; trong đó có 1 đô thị hiện hữu Khánh Hải và 6 đô thị mới gồm Lợi Hải; Phước Đại; Thanh Hải (phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại 5 giai đoạn 2021-2025) và Lâm Sơn, Vĩnh Hy, Sơn Hải.
Tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ tập trung xây dựng 6 đô thị thuộc dải ven biển bao gồm Vĩnh Hy, Thanh Hải, Khánh Hải, Phan Rang-Tháp Chàm, Sơn Hải, Cà Ná, phát triển theo cấu trúc không gian đan xen, hỗn hợp đô thị-du lịch có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.