Khi thành phố lên đèn cũng là lúc xe chè Tàu của hai anh em chú Hưng mở cửa, khách đến đông như “trẩy hội”. Người đứng chờ mua mang về, người ngồi xì xụp ăn ngon lành, cứ thế mà kéo dài đến giữa khuya.
Video: Xe chè tàu 60 năm chưa từng vắng khách
Bán chè cũng là một… nghệ thuật
Chiếc xe đẩy cũ kĩ với tấm bảng hiệu Lâm Vinh Mậu treo phía trên, không có bàn mà chỉ có ghế được chủ sắp xếp ngay ngắn xung quanh xe đẩy. Giá bán cũng cao hơn so với những quán vỉa hè khác, nhưng chè Tàu của hai anh em người gốc Hoa nằm trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.1, TP.HCM) chẳng lúc nào vắng khách.
Tất cả các món chè đều có vị ngọt thanh vừa phải, không giống chè ở những nơi khác. Xe chè của chú Hưng ngoài những món thông thường như đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, củ năng, củ sen, thốt nốt,… còn có các loại đặc biệt vốn là đặc sản của người Hoa, như chè trà hột gà, hột gà bột báng hay chè tiềm ý dĩ.
Chú Hưng hào hứng chia sẻ: “Hột gà sau khi luộc chín sẽ luộc trong hồng trà với lửa nhỏ thêm nhiều giờ nữa. Khi luộc tuyệt đối không mở nắp, để hương trà có thể ngấm cả vào trong, hột gà cũng biến thành màu nâu lạ mắt. Món này ăn là an thận bổ phổi, đẹp da, thanh giọng đấy”.
Còn với chè hột gà bột báng, lượng bột cũng được chú Hưng đong đếm vừa phải, không quá sệt, không quá lỏng. Một điều đặc biệt khác là nhìn qua món này, bất cứ ai lần đầu đến đây cũng nhầm là… súp cua! Vị béo ngậy của hột gà hòa với mùi thơm thoang thoảng của hồng trà hoặc dai dai của bột báng khiến thực khách không bị ngấy, trái lại còn cảm nhận được mùi vị thơm ngon khó cưỡng.
“Chúng tôi mất khoảng 5 – 6 tiếng đồng hồ mới hoàn thành việc nấu chè. Tùy từng loại mà thời gian nấu lại khác nhau. Cái gì cũng phải vừa đủ, lửa vừa đủ, nước vừa đủ, khuấy vừa đủ,… Làm thế nào để hạt đậu thật mềm nhưng không bị vỡ, đó cũng là một nghệ thuật”, chú Hưng chia sẻ.
Theo chú Hưng, bí quyết gia truyền làm nên vị chè Tàu là một điều tất yếu, nhưng còn một điều quan trọng không kém, đó là cách người chủ bán chè. Theo đó, những nguyên liệu chè được phân tách và sắp xếp ngay ngắn ra từng tô, vừa trông vào đã thấy bắt mắt. Sự điêu luyện, thâm niên với nghề thể hiện ở đôi tay thoăn thoắt múc chè của chú Hưng. Mỗi giá chè được đưa lên cao nhưng đều rơi gọn vào chén, làm người ăn cảm thấy rất thích thú.
Vì chú Hưng tâm niệm: “Ẩm thực cũng là một nghệ thuật, phải “đẹp” trong mọi công đoạn cho đến lúc vị chè chạm vào mọi giác quan của người thưởng thức”.
“Thương hiệu” chè hơn nửa thế kỉ
Theo lời chú Hưng, xe chè Lâm Vinh Mậu bắt đầu “lăn bánh” từ năm 1958, do ông Lâm Vinh Mậu, một người chú của chú Hưng đứng bán. Tính đến nay “thương hiệu” chè Lâm Vinh Mậu đã có mặt tròn 60 năm.
“Lúc trước chú tôi đẩy xe bán rong. Cho đến năm 1991, ông sang nước ngoài định cư nên truyền nghề lại cho hai anh em tôi. Từ đó chúng tôi mới bán cố định luôn ở đây”, chú Hưng kể.
Mở cửa từ khoảng 19 giờ đến nửa đêm, xe chè chú Hưng chẳng bao giờ ngớt khách. Thực khách luôn kiên nhẫn đợi có chỗ để dùng, nếu lâu thì cứ gọi món rồi ngồi hẳn trên yên xe hoặc dưới vỉa hè mà dùng. Dường như ai cũng biết tình trạng này nên chẳng ai than phiền, mà luôn chấp nhận sự dân dã ấy để có thể thưởng thức chén chè ngon.
Quán cháo trắng nằm trên vỉa hè ngay góc ngã tư Hàng Xanh đầy khói bụi… Vậy mà suốt 43 năm qua, cứ mỗi khi mở cửa là khách lại kéo đến mua đông nghịt, dù nắng hay mưa dù đêm muộn hay trưa chiều.
Với giá trung bình 25.000 đồng/chén nhưng chỉ có vài hạt sen, nhãn nhục, thốt nốt, thì giá quả là hơi “chát” so những chỗ khác. Nếu thêm nguyên liệu thì cũng 35.000 đồng/chén mới đủ ăn. Thế nhưng hương vị chè khó chỗ nào sánh bằng này luôn lôi cuốn thực khách ở khắp nơi.
“Tôi ở tít ngoài Thủ Đức, nhưng cuối tuần rảnh là phải vào đây làm vài chén chè chú Hưng cho đã miệng”, anh Minh Tâm (thực khách, 35 tuổi) khẳng định.
“Có cảm giác chè của chú Hưng mọi thứ đều vừa đủ nên rất vừa miệng. Vị chè ngọt thanh không gây ngán như chè nơi khác. Còn chú Hưng vừa bán điêu luyện lại vừa thích đùa khiến ai cũng cảm thấy thoải mái”, bạn Thúy Quỳnh (thực khách, 21 tuổi) tấm tắc khen.