Liên quan đến tình trạng xe máy, xe ba bánh, xe khách “làm loạn” ở vành đai 3 trên cao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội.
Theo ông Chinh, tình trạng các phương tiện như xe máy, xe ba bánh đi lên cầu, xe khách đón trả khách…đã diễn ra từ khi đường vành đai 3 trên cao đi vào hoạt động.
“Không chỉ riêng ở tuyến đường vành đai 3 trên cao mà ở nhiều tuyến đường cao tốc, tại lối dẫn lên đường đều có các biển báo, quy định rất rõ ràng. Bản thân người vi phạm thừa hiểu khi đi lên đây thì rất nguy hiểm, bởi nó liên quan đến tính mạng của chính bản thân họ và người khác chứ không chỉ đơn thuần là việc vi phạm luật giao thông”, ông Chinh cho hay.
Đại úy Trần Quang Chinh, Phó Đội trưởng Đội CSGT số 6, Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội. |
Cũng theo ông Chinh, mặc dù đã bố trí lực lượng ở hai đầu lên và xuống đường vành đai 3 trên cao, tiến hành phạt nguội và triển khai ca trực từ 5h sáng, bên cạnh đó Đội CSGT số 6 còn bố trí thêm lực lượng vào giờ cao điểm, nhưng công tác xử lý các vi phạm trên tuyến đường vành đai 3 trên cao còn gặp nhiều khó khăn.
“Các phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường này rất lớn, lực lượng chức năng không thể cắm chốt để xử lý ở phía trên mà chỉ cho hai xe mô tô phân khối lớn bật đèn quay đi tuần tra, ít khi dừng trên cầu vì rất nguy hiểm… khi phát hiện vi phạm, CSGT sẽ dẫn người và phương tiện vi phạm đi sát vào lề đường xuống phía dưới, sau đó mới kiểm tra, xử lý được” vị đại diện Đội CSGT 6 nói.
Đại úy Chinh cũng cho hay, đối với xe máy ngoài việc phạt tiền, một số trường hợp có thể bị tạm giữ phương tiện, tước bằng lái, xe ba bánh nếu không phải xe thương binh có thể sẽ bị tịch thu, còn những xe thật sẽ xử phạt như bình thường hoặc yêu cầu chủ phương tiện phải viết cam kết không tái vi phạm…
Tình trạng xe khách đón trả khách vẫn diễn ra phổ biến. |
Xe máy, xe ba bánh đi lên đường vành đai 3 vẫn diễn ra thường xuyên. |
Theo số liệu thống kê của Đội CSGT số 6, trong hơn 2 tháng vừa qua (từ 16/8 đến 23/10 ) đơn vị này đã xử phạt 128 trường hợp xe máy vi phạm, tước giấy phép lái xe 123 trường hợp và tạm giữ phương tiện 5 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 44 triệu đồng.
Đối với xe khách, đã xử lý tổng cộng 713 trường hợp, tạm giữ phương tiện 1 trường hợp, tạm giữ giấy tờ 712 trường hợp, tước giấy phép lái xe 46 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 362 triệu đồng.
Mặc dù vậy, ông Chinh cũng thừa nhận hình thức xử phạt hiện nay còn chưa đủ sức răn đe, một số nhà xe vì lợi nhuận mà bất chấp đón trả khách trên tuyến đường này.
Đặc biệt, đó là sự móc nối giữa các nhà xe với nhau, hoặc giữa xe ôm với các nhà xe, khi có chốt CSGT thì xe ôm, các nhà xe sẽ thông báo cho nhau… do đó công tác xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn.
Như đã đưa tin trước đó, vào ngày 7/10 vừa qua, trên đường vành đai 3 trên cao vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông. Theo đó, khi đang điều khiển xe máy di chuyển trên đường vành đai 3 trên cao, một nam thanh niên bất ngờ đâm phải một chiếc ô tô bán tải đang đỗ, khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Ngay sau đó, ngày 10/10, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia đã có văn bản đề nghị công an TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị liên quan xử lý tình trạng xe khách ngang nhiên dừng đón trả khách và hàng loạt xe máy, xe ba bánh, người đi bộ đi vào đường vành đai 3 trên cao (TP. Hà Nội) bất chấp có biển cấm.
Tuy nhiên, theo ghi nhận tại tuyến đường trên sau đề nghị của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng này chưa hề chấm dứt, vẫn diễn ra một cách phố biến, thường xuyên.
Xe máy vẫn 'lướt gió', xe khách thản nhiên đón trả khách ở đường vành đai 3 trên cao
Tình trạng xe khách ngang nhiên dừng đón trả khách, xe máy, xe ba bánh, người đi bộ đi vào đường vành đai 3 trên ... |