PVC không đủ năng lực làm tổng thầu Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2
HĐXX bước vào phần thẩm vấn, HĐXX xét hỏi các bị cáo về bản Hợp đồng số 33 mà cơ quan tố tụng đang cáo buộc làm trái quy định.
Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí (PVC) là người đầu tiên khai nhận về vấn đề này, HĐXX cách ly bị cáo Đinh La Thăng và Vũ Đức Thuận nguyên Tổng giám đốc PVC. Theo HĐXX, khi bị cáo Thuận lên trả lời các câu hỏi của HĐXX thì sẽ cách ly bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Trả lời HĐXX, Trịnh Xuân Thanh khai nhận, tình hình tài chính của PVC năm 2011 đã được Kiểm toán của Nhà nước và các cơ quan Kiểm toán uy tín khác thông qua. Mặc dù PVC làm ăn có lãi nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.
Theo lời của bị cáo Thanh, mức vốn đầu tư các lĩnh vực khác vượt mức vốn mà PVC đã có vì khi đó PVC thực hiện việc cơ cấu kinh tế. Đồng thời, tập đoàn PVN cũng mong muốn PVC sẽ là một trong 5 mũi nhọn của PVN.
Khai nhận về việc PVC khi làm tổng thầu Nhà máy Nhiệt điệt Thái Bình 2, ông Trịnh Xuân Thanh thừa nhận biết việc PVC không đủ năng lực làm tổng thầu nhưng do ông Đinh La Thăng có đề xuất xin ý kiến của Chính phủ cho PVC làm tổng thầu vì Đinh La Thăng mong muốn PVC sẽ nỗ lực trở thành một doanh nghiệp tốt của Tập đoàn PVN.
Theo lời của ông Thanh thì việc để PVN làm tổng thầu bị cáo Thăng cũng mong muốn PVC sẽ thể hiện vai trò của mình là doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực làm tổng thầu để không phải thuê tổng thầu nước ngoài. Hơn nữa, nếu PVC làm tổng thầu thì sẽ giải quyết được việc làm cho cán bộ công nhân viên.
HĐXX chuyển sang thẩm vấn bị cáo Đinh La Thăng về việc để PVC làm tổng thầu, theo bị cáo Thăng thì vấn đề này HĐTV đã làm việc và có các ban ngành giúp việc báo cáo PVC có đủ năng lực.
“Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, của Tổng Giám đốc, nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu theo đúng quy định” – bị cáo Thăng khai nhận.
Lý giải vì sao trong nghị quyết đã nêu PVC là tổng thầu liên doanh nhưng tại một công văn khác lại chuyển đổi thành chỉ có PVC được chỉ định thầu thì bị cáo Thăng trình bày, thầu và liên doanh tổng thầu có những điểm khác nhau.
Đối với liên doanh tổng thầu vẫn do PVC làm chủ nhưng phần của nước ngoài thì do nước ngoài làm. Căn cứ vào quá trình thực tế trước đó đã từng liên kết nhưng không đảm bảo nên bị cáo quyết định giao cho PVC làm tổng thầu.
Về việc khởi công Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Thái Bình 2, bị cáo Thăng lý giải rằng, mỗi năm thực hiện hàng chục dự án, vì vậy để đảm bảo tiến độ, các đơn vị phải thực hiện đồng thời các công việc, không thể chờ xong việc này mới làm việc khác.
Theo bị cáo Đinh La Thăng, trong Dự án NMNĐ Thái Bình 2, việc chỉ định PVC làm tổng thầu xuất phát từ chủ trương phát triển PVN đến năm 2025 trở thành tập đoàn mạnh, kinh doanh ngoài ngành.
Các bị cáo đối chất tại tòa
Về việc chỉ đạo cho các thuộc cấp chuyển số tiền hơn 1.300 tỉ đồng và hơn 6,6 triệu USD trái quy định cho PVC, bị cáo Thăng khẳng định đã chỉ đạo rõ số tiền này chỉ được sử dụng cho dự án không được dùng vào mục đích khác.
Trả lời HĐXX về hợp đồng 33 chưa đủ điều kiện mà bị cáo đã cho tạm ứng 10% giá trị hợp đồng thì bị cáo Thăng cho biết, vào thời điểm này “bị cáo chưa biết gì về hợp đồng 33”.
Đối chất về vấn đề này, HĐXX chuyển sang thẩm vấn Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN và bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án NMNĐ Thái Bình 2
Bị cáo Ninh Văn Quỳnh khai nhận, bản thân bị cáo đã báo cáo nội dung hợp đồng 33 với bị cáo Thăng, còn một số nội dung khiếm khuyết của hợp đồng thì báo cáo trực tiếp với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng giám đốc PVN.
Còn bị cáo Chương thì khẳng định đã báo cáo cụ thể về hợp đồng 33 không đúng quy định với bị cáo Thăng.
Theo lời bị cáo Chương thì trong cuộc họp ngày 31/3/2011, bị cáo Thăng đã chỉ đạo ban quản lý dự án rà soát lại nội dung hợp đồng 33 để ký lại hợp đồng điều chỉnh chủ thể. Đến cuộc họp ngày 1/6, bị cáo Thăng yêu cầu hoàn thành sớm thiết kế tổng thể và sớm thực hiện việc tạm ứng 10% giá trị hợp đồng cho dự án.
"Bị cáo được anh Thăng gọi lên phòng hỏi tại sao không làm văn bản chuyển tiền tạm ứng cho PVC. Bị cáo đã trả lời hợp đồng 33 không phù hợp với quy định, nghị định 48 của Chính phủ. Bị cáo đề nghị Tập đoàn hướng dẫn ban quản lý thực hiện theo đúng quy định” – bị cáo Chương trình bày.
Cũng theo bị cáo Chương, khi trao đổi với bị cáo Thăng như vậy thì bị cáo Thăng đã cho gọi cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (Phó TGĐ PVN) và bị cáo Nguyễn Quốc Khánh (nguyên Phó TGĐ PVN) lên phòng.
Tại phòng của bị cáo Thăng, bị cáo Sơn cũng đã hỏi Chương lý do không chuyển tiền thì Chương có trả lời rằng: “mới ký hợp đồng chuyển đổi chủ thể, hợp đồng có 2 trang chưa có phòng ban ký nháy vào đó nên chưa đủ điều kiện".
Thời điểm này, do bị cáo Thăng đang bận nên theo lời của Chương thì trước khi rời phòng bị cáo Thăng có chỉ đạo "Tôi không biết, các ông phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án vào tuần sau".
HĐXX chuyển qua hỏi bị cáo Thăng về lời khai của bị cáo Chương thì bị cáo Thăng nói: “Bị cáo tôn trọng lời khai của bị cáo Chương”.