Cuối tháng 6/2018, Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz Việt Nam đã ký kết hợp tác về xuất khẩu thịt heo (Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN) |
Đây không chỉ là thành công của riêng Tập đoàn Mavin mà còn là của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung vì trước đó chưa có doanh nghiệp nào "chinh phục" được các rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của quốc gia nhập khẩu để xuất khẩu thịt lợn.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho rằng, sự kiện này sẽ tạo ra bước đột phá cho ngành chăn nuôi trong nước.
Ông David John Whitehead, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Mavin, cho biết: “Mục tiêu xuất khẩu được thịt lợn từ Việt Nam ra thị trường thế giới là khát vọng mà Mavin đặt ra đã nhiều năm nay, nhưng đến bây giờ mới thành hiện thực.
Trước đây, chưa từng có doanh nghiệp chăn nuôi nào ở Việt Nam xuất khẩu thịt lợn ra thế giới bằng con đường chính ngạch như vậy”.
Theo ông David John, dự kiến trong thời gian tới, mỗi tháng Mavin sẽ xuất khẩu ít nhất một container 40 feet, tương đương với 26 tấn thịt lợn tươi sang Myanmar.
Bên cạnh các sản phẩm thịt tươi, Mavin cũng đang đàm phán để xuất khẩu các sản phẩm thịt chế biến như dăm bông, xúc xích, thịt xông khói vào thị trường này.
Trước đó, vào cuối tháng 5/2018, container thịt lợn đầu tiên của Mavin đã cập cảng Yagoon - Myanmar và được đơn vị nhập khẩu thực hiện việc thông quan, kiểm dịch thành công.
Thịt lợn của Mavin được đối tác đánh giá cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với ngành thịt lợn, Việt Nam đang xuất khẩu lợn sữa sang Hong Kong (Trung Quốc), Malaysia và các thị trường khác.
Còn riêng sản phẩm thịt lợn tươi/cấp đông xuất khẩu sang thị trường quốc tế, đây là đơn hàng đầu tiên Tập đoàn Mavin làm được.
Năm ngoái, Việt Nam cũng đã xuất khẩu lô hàng thịt gà đầu tiên sang Nhật Bản.
Đến nay, cơ quan thú y Nhật Bản đã đồng ý cho phép đơn vị xuất khẩu thịt gà của Việt Nam mở rộng sản xuất và tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.
"Hiện nay, trứng vịt của chúng ta xuất khẩu được khách hàng đánh giá ngon nhất Đông Nam Á, các nước rất thích trứng vịt của Việt Nam và các sản phẩm thủy cầm khác.
Đồng thời, chúng ta đã và đang khuyến khích phát triển gà lông màu và các giống vật nuôi bản địa khác theo hướng sản xuất hữu cơ" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, thành công này xuất phát từ chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và lựa chọn những sản phẩm có lợi thế của Việt Nam.
Nếu ngành nông nghiệp chỉ sản xuất cung ứng trong nước thì rất đơn giản vì sức sản xuất của Việt Nam hiện nay nhiều mặt hàng cung đã vượt cầu, nhưng để phát triển hơn cần hướng đến xuất khẩu.
Muốn xuất khẩu thì sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó 10 FTA đã được Quốc hội phê chuẩn, thông qua.
Tuy nhiên, các rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu đặt ra yêu cầu ngày càng cao. "Vào được thị trường nhập khẩu đã khó, việc duy trì và phát triển còn khó hơn, đòi hỏi ở khả năng cạnh tranh của hàng hóa.
Vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu thì sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không chỉ phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu mà cần phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu buộc ngành chăn nuôi phải tổ chức lại theo chuỗi và gắn với thị trường.
Có nghĩa là thay vì trước đây Việt Nam chỉ sản xuất theo phong trào, không cần quan tâm đến bán cho ai, ở đâu, thì bây giờ phải sản xuất theo mệnh lệnh của thị trường.
Các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường, xuất khẩu, căn cứ vào các hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu sau đó mới quay trở lại tổ chức sản xuất, tức là quy trình ngược lại so với trước đây.
Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng ế thừa, "giải cứu" sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập 1 tổ công tác do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng và các đơn vị liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, hợp tác với cơ quan Thú y của các nước nhập khẩu ký các thỏa thuận về kiểm dịch để mở thị trường và các thủ tục cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi trong 7 tháng qua đạt khoảng 305 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại thị trường trong nước, thời gian qua, giá thịt lợn liên tục tăng cao, người chăn nuôi đang rất phấn khởi và có lãi sau cuộc khủng hoảng từ năm ngoái.
Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, đối với chăn nuôi lợn, tuy Quý I tăng trưởng âm, nhưng sang đầu Quý II giá lợn hơi tăng trở lại và giữ ở mức cao trong các tháng 5-6-7 có lợi cho người sản xuất đã thúc đẩy người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, góp phần làm tăng sản lượng thịt lợn cung cấp cho thị trường trong các tháng cuối năm.
Theo đó, nguồn cung lợn thịt ra thị trường sẽ cao hơn từ tháng 8 đến tháng 12/2018, vì thời điểm này các giải pháp tăng năng suất vỗ béo và năng suất sinh sản của đàn lợn mới có kết quả.
Cục Chăn nuôi cho rằng, với khối lượng sản phẩm chăn nuôi dự tính nêu trên thì hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và sẽ không có biến động nhiều về giá sản phẩm chăn nuôi trong các tháng cuối năm.
Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá lợn thịt trong nước sẽ giảm dần trong các tháng cuối năm, do nguồn cung lợn thịt ra thị trường tăng cao.
Tuy nhiên, do giá lợn thịt trong nước tăng cao, đã có hiện tượng lợn thịt, nhất là lợn nái thải loại từ Trung Quốc nhập lậu vào trong nước ở một số tỉnh biên giới.
Bên cạnh đó, nguy cơ thịt lợn đông lạnh giá rẻ của các nước Australia, Mỹ, Brazil, Canada…sẽ nhập khẩu vào Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, Cục Chăn nuôi đã đưa ra các giải pháp cần triển khai trong thời gian tới như: Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả vật tư, sản phẩm chăn nuôi, nhất là chất cấm, lạm dụng kháng sinh, hóa chất công nghiệp, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.
Cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát nhập khẩu các loại gia súc, gia cầm, sản phẩm chăn nuôi, nhất là vấn đề nhập tiểu ngạch và tạm nhập tái xuất nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh, an toàn thực phẩm, gian lận thương mại bảo vệ người tiêu dùng và thị trường chăn nuôi trong nước.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp và xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi...
Người chăn nuôi ĐBSCL thận trọng khi tái đàn heo!
Giá heo hơi ở các tỉnh, thành ĐBSCL đang tăng cao, đạt ngưỡng 50.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. |
Giá thịt heo tăng cao kỷ lục, gấp đôi thời kỳ giải cứu
Sản lượng thịt heo cung ứng ra thị trường chỉ giảm nhẹ so với thời gian khủng hoảng thừa nhưng giá thịt heo tiếp tục ... |
Giá lợn ở Tiền Giang tăng kỉ lục, người nuôi lãi lớn
Do “cung không đủ cầu”, giá lợn hiện tăng cao ở mức kỷ lục. Trung bình người nuôi lãi tới hơn 2 triệu đồng/tạ lợn ... |
Giá thịt lợn nhập khẩu rẻ bằng nửa trong nước, có thể gây bất ổn tới ngành chăn nuôi
Bình quân, giá mỗi kg thịt lợn nhập khẩu tương đương 26.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi trong nước đang ở mức từ ... |