Yêu cầu làm rõ trách nhiệm khi cầu Rạch Miễu 2 tăng tổng mức đầu tư

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận - Chủ đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 nối tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư công trình trọng điểm này.

Đáng chú ý trong văn bản này, Bộ yêu cầu Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc dẫn đến tổng mức đầu tư dự án cầu Rạch Miễu 2 tăng 1.183 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi dẫn đến tăng tổng mức đầu tư dự án, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp với các địa phương làm rõ nguyên nhân dẫn đến tăng chi phí giải phóng mặt bằng (làm rõ việc tăng do khối lượng, đơn giá, các nguyên nhân khác...) để xác định rõ trách nhiệm từng chủ thể liên quan.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 được Bộ phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT ngày 29/9/2021. Dự án có tổng mức đầu tư là 5.175,127 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 đến năm 2025.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiến hành điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án lên 6.358,82 tỷ đồng, tăng 1.183,69 tỷ đồng so với Quyết định số 1730/QĐ-BGTVT.

Trong đó, tổng mức đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2 tăng chủ yếu do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng điều chỉnh tăng theo số liệu do địa phương cập nhật tại thời điểm hiện tại là 1.183,69 tỷ đồng.'

Chưa kể, chi phí xây dựng, thiết bị cũng tăng gần 542 đồng do biến động giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến giá dự toán và giá trị gói thầu của các gói thầu xây lắp, giá các vật liệu đá, sắt thép tăng khoảng 15- 20%, giá xi măng tăng từ 10-12% so với thời điểm lập dự án đầu tư.

Đặc biệt, giá xăng dầu và giá cát (2 nguồn vật liệu có tỷ trọng lớn nhất trong dự án) có giá vật liệu biến động mạnh, tỷ lệ tăng giá trung bình từ 25-30% so với thời điểm lập dự án đầu tư.

Về tiến độ giải phóng mặt bằng, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay, dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2, phía Tiền Giang đi qua 2 địa phương là thành phố Mỹ Tho và huyện Châu Thành đã giải phóng mặt bằng mới đạt hơn 26%.

Để nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cho tạm ứng hơn 1.257 tỷ đồng để chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư cho người dân.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, hiện số tiền cần để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh là 2.079 tỷ đồng, số tiền đã được bố trí theo khung chính sách trước đó hơn 822 tỷ đồng. Như vậy, số tiền cần bổ sung để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 1.257 tỷ đồng.

Lý giải số tiền tăng lên do chi phí giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, sở dĩ số tiền tăng lên so với khung chính sách là do mốc giải phóng mặt bằng cắm ngoài thực địa có sai lệch nhiều so với hồ sơ giao nhận từ Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận. Số hộ theo khung chính sách trước đấy là 772 hộ, trong khi thực tế 922 hộ bị ảnh hưởng, tăng 150 hộ (hơn 19%).

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết đã có 365 trong tổng số 922 hộ đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, còn 557 hộ chưa nhận tiền, dự kiến trong tháng 3/2023 thực hiện chi trả 468 hộ (đợt 3) thuộc địa bàn huyện Châu Thành (Tiền Giang) với số tiền khoảng trên 958 tỷ đồng.

Các địa phương đang tiếp tục vận động các hộ còn lại nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Hiện đã có 247 trong tổng số 922 tổ chức, cá nhân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, đạt 26%. Điều khó khăn, vướng mắc của Tiền Giang hiện nay là nhà ở, vật kiến trúc bị ảnh hưởng bởi dự án dày đặc khó xác định vị trí, mất nhiều thời gian. Do đó, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải phóng mặt bằng.

Cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang - Bến Tre. Công trình có chiều dài hơn 17,5 km, được khởi công vào ngày 29/3/2022. Điểm đầu cầu nằm ở địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang; điểm cuối thuộc địa phận thành phố Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Trong đó, phần cầu dài 2,18 km, quy mô 4 làn xe cơ giới; phần đường dài 15,4 km đạt tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, gồm 4 làn xe.

Theo dự kiến, công trình hoàn thành tháng 4/2026. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ tạo không gian phát triển mới phía thành phố Mỹ Tho và thành phố Bến Tre, giảm áp lực kẹt xe cho cầu Rạch Miễu hiện tại.

 

chọn
Những ông lớn địa ốc hiện diện tại 'Đất Tổ' Phú Thọ
Vài năm trở lại đây, Phú Thọ liên tục đón các doanh nghiệp lớn ngành bất động sản như GP Invest, T&T hay BV Land... Hiện nay, Ecopark và Tasco cũng đang hướng đến dự án bất động sản đầu tiên tại địa phương này.