2 phương án xây cầu Cát Lái nối TP HCM với Đồng Nai

Ngày 6/1, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã có buổi làm việc với các sở, ngành và huyện Nhơn Trạch để nghe báo cáo dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, sau khi làm việc với Sở GTVT TP HCM và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế GTVT phía nam đã nghiên cứu hai phương án và đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Theo đó, phương án vị trí một là hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy, đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2 (TP HCM). Sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Đối với phương án vị trí hai, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 tại vị trí cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450 m, cắt qua rạch Kỳ Hà. Sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Cả hai phương án này đều được xây dựng với hai quy mô mặt cắt ngang cầu, gồm sáu và tám làn xe.

2 phương án xây cầu Cát Lái nối TP.HCM với Đồng Nai - Ảnh 1.

Phà Cát Lái đang trong tình trạng bị quá tải. (Ảnh: ĐT)

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, hiện hai phương án trên chưa được TP HCM đồng thuận do gặp một số vướng mắc về điều chỉnh quy mô đường Nguyễn Thị Định. Nguyên nhân là do tuyến đường này xe khá đông nên việc kết nối cũng có nguy cơ gây ùn tắc giao thông.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã đề nghị Sở GTVT xem xét bổ sung xây dựng phương án cầu Cát Lái có quy mô mặt cắt ngang bốn làn xe vào phương án vị trí một cùng với phương án tám làn xe. Đối với phương án vị trí hai, thực hiện theo hướng xây dựng mặt cắt ngang cầu gồm sáu làn xe. Ngoài ra, khi hoàn thiện các phương án, Sở GTVT trình UBND và Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất để mời các cơ quan chức năng của TP HCM làm việc, xem xét lựa chọn phương án phù hợp.

Trước đó, ngày 9/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận bổ sung Quy hoạch phát triển GTVT TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 theo đề nghị của Bộ GTVT. Trong đó, Thủ tướng đồng ý xây cầu thay thế phà Cát Lái, vị trí tại quận 2, TP HCM và huyện Nhơn Trạch vượt sông Đồng Nai.

Do đây là dự án có tổng mức đầu tư lên đến gần 7.200 tỉ đồng, việc triển khai theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) cho toàn bộ dự án sẽ không khả thi nên UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị tách dự án xây dựng cầu Cát Lái ra làm ba dự án thành phần.

Cụ thể, phần đường dẫn phía TP HCM dài 623 m, quy mô mặt cắt ngang rộng 60 m sẽ kiến nghị Chính phủ giao UBND TP HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức đầu tư hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT); phần đường dẫn phía tỉnh Đồng Nai dài 263 m, rộng 56 m sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện theo hình thức BT.

Còn phần cầu chính sẽ do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo hình thức BOT. Nếu việc triển khai thực hiện theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo phương án BOT kết hợp BT, quỹ đất đối với phần BT này sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.