Thi công nâng nền chống ngập quốc lộ 1 đoạn qua huyện Tam Bình, Vĩnh Long (ảnh chụp sáng 16-11). (Ảnh: CHÍ CÔNG)
Cục Quản lí đường bộ IV đã triển khai nâng cấp nhiều vị trí, nhưng do phía đơn vị thi công chạy đua với thời gian cho kịp Tết Nguyên đán nên bị người dân phàn nàn bụi bặm, ô nhiễm.
Trên tuyến quốc lộ 1 đoạn qua xã Tân Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long một đoạn đường đang được Công ty Sông Hậu tiến hành nâng mặt đường. Ngày 16/11, chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đạt (ngụ ấp Phú Thành, xã Tân Phú, huyện Tam Bình) cho biết mới nghe thông tin làm lại và nâng cấp mặt quốc lộ 1 nhằm chống triều cường, ông cùng bà con trong xóm vui mừng vì sắp thoát cảnh cứ gặp triều cường, mưa lớn là ngập.
"Mừng là vậy, nhưng kể từ ngày thi công đến nay hơn 1 tháng, bà con tụi tui lãnh đủ do bụi đường bay mịt mù" - ông Đạt nói.
Giải thích thêm, ông Đạt cho rằng do đây là quốc lộ 1 nên xe cộ lưu thông nhiều. Trong khi đơn vị thi công san lấp mặt bằng, nâng đường, đổ đá và tiến hành sửa chữa chỉ tưới nước rất ít nên quá bụi.
Kế bên nhà ông Đạt, bà Nguyễn Thị Năm cũng cho biết thêm: "Tụi tui hít bụi còn mệt. Chỉ tội cả trăm đứa nhỏ đi học đeo khẩu trang kín mít mà qua tới trường bụi mịn bám đầy người".
Nỗi khổ của người dân chưa dừng lại, để tìm cách hạn chế bụi, các hộ dân sống dọc hai bên đường phải dùng vải làm vật che chắn cho đỡ bụi. "Thú thật bà con chỉ hi vọng mỗi ngày đơn vị thi công cho người tưới nước làm ướt mặt đường thường xuyên để cho bớt bụi. Chứ kiểu này kéo dài từ đây đến tết sao sống nổi" - bà Năm kiến nghị.
Theo Cục Quản lí đường bộ IV, trên tuyến quốc lộ 1 qua khu vực ĐBSCL hiện nay có 26 điểm, đoạn bị ngập do triều cường và lũ hằng năm. Tập trung chủ yếu ở tỉnh Vĩnh Long với 8 vị trí, tương đương hơn 7,5km, độ ngập từ 20 đến 60cm.
Tình trạng ngập quốc lộ 1 còn xảy ra ở các tỉnh Hậu Giang (1 điểm, 1,2km), Tiền Giang (1 điểm, 800m), Sóc Trăng (1 điểm, 305m), Bạc Liêu (9 điểm, gần 22km) và Cà Mau (6 điểm, gần 3km).
Hiện tại, Cục Quản lí đường bộ IV đang triển khai thi công vị trí ngập nặng trên quốc lộ 1 qua tỉnh Vĩnh Long. Sửa chữa đoạn km 2057+440 - km 2058+300 nhằm khắc phục tình trạng hư hỏng, ngập úng khi triều cường, đảm bảo an toàn giao thông. Tổng mức đầu tư 22 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành trước ngày 15-12-2019.
Ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lí đường bộ IV - cho biết việc người dân than phiền đơn vị thi công gây bụi, ông sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lí giao thông xử lí, yêu cầu đơn vị thi công tưới nước.
Về phương án tổ chức nâng cấp tuyến huyết mạch quốc lộ 1 qua khu vực ĐBSCL trong thời gian tới, ông Thành cho biết sắp tới ngoài việc phân luồng điều tiết từ xa, kết hợp với phân luồng tại chỗ. Cụ thể thi công theo từng làn và bố trí lực lượng điều tiết ở những làn còn lại. Sau khi thảm bêtông nhựa nóng lớp mặt thì tổ chức phân luồng lưu thông trên mặt đường đã hoàn thành.
Thông tin thêm về các tính toán nền đường so với nền nhà dân, ông Thành chia sẻ khi triển khai thiết kế phải căn cứ trên điều kiện cụ thể nguồn vốn bảo trì, điều kiện địa hình, mực nước lớn nhất, tần suất cho phép để có giải pháp thích hợp đảm bảo kinh tế, kĩ thuật, không ảnh hưởng người dân.
"Trước khi triển khai đều có làm việc với chính quyền địa phương để thông báo cốt nền sau khi nâng, độ chêch so với cao độ nhà dân và thỏa thuận bằng biên bản thống nhất với từng hộ dân. Khi được sự đồng thuận cao mới triển khai thi công" - ông Thành nói.
Nhà thầu thi công phân luồng, tổ chức thi công nâng nền đường quốc lộ 1 (đoạn qua huyện Tam Bình, Vĩnh Long) bị dân phản ảnh thi công gây bụi bặm. (Ảnh: C.CÔNG)
Về giải pháp lâu dài, Cục Quản lí đường bộ IV khuyến cáo các địa phương cần kịp thời giải tỏa nhà ổ chuột trên kênh rạch dọc tuyến quốc lộ, nạo vét bùn lắng và vớt rác, lục bình để khơi thông dòng chảy nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, xử lí nghiêm minh các vi phạm về chống ngập theo quy định của pháp luật.
Tại các khu đô thị mới, cần quy định dành 10% quỹ đất để đào hồ sinh thái trữ nước, vừa chống ngập úng khi mưa lớn và cung cấp nước sinh hoạt. Cục cũng đề xuất Tổng cục Đường bộ ba giải pháp để chống ngập trên quốc lộ 1.
Một là giải pháp xây dựng đập ngăn triều tại các cửa kênh rạch chính trong khu vực có cốt nền thấp. Đây là giải pháp cần xem xét và cần nghiên cứu thấu đáo. Hạn chế của giải pháp này là kinh phí rất lớn, cần phải có thời gian nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các địa phương.
Hai là giải pháp xây tường chắn nước dọc quốc lộ ngăn cách với các kênh rạch. Bởi đa số các tuyến quốc lộ chạy dọc kênh rạch ĐBSCL đều qua vùng đất yếu. Tuy nhiên, giải pháp này có chi phí xây dựng rất lớn, khi khai thác sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp và gây khó khăn cho sinh hoạt lên xuống kênh rạch của bà con nhân dân. Ba là giải pháp tôn cao nền.
Theo Cục Quản lí đường bộ IV, ngoài một số tuyến ngập đã nâng cấp, năm 2020 và 2021 sẽ tiếp tục triển khai nâng cấp nền quốc lộ 1. Cụ thể vốn đầu tư các điểm ngập trên quốc lộ 1 qua Vĩnh Long là 20 tỉ đồng, Hậu Giang và Sóc Trăng là 22 tỉ đồng; Bạc Liêu là 23 tỉ đồng.
Tương tự, vào năm 2021 sẽ triển khai xử lí ngập úng mặt đường quốc lộ 1 qua tỉnh Vĩnh Long là 10 tỉ đồng, Bạc Liêu 40 tỉ đồng và cả đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Cà Mau là 40 tỉ đồng.