Theo dữ liệu từ Wichart, tính tới sáng mùng 2/5 có trên 1.020 doanh nghiệp ở ba sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố báo cáo tài chính quý I/2025.
Gần 470 doanh nghiệp, chiếm gần 46% ghi nhận lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lợi nhuận ròng) tăng trưởng so với cùng kỳ 2024. Trong đó có 155 đơn vị có lãi ròng tăng trên 100%.
Trên thị trường có tổng cộng 29 doanh nghiệp báo lãi ròng trên 1.000 tỷ đồng, bao gồm 15 ngân hàng.
CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) - công ty con của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) hiện đang là doanh nghiệp có lợi nhuận một quý cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam từ trước tới nay.
VEF báo lãi ròng sau thuế đạt hơn 14.873 tỷ đồng, gấp 161 lần so với quý I/2024, chủ yếu đến từ việc ghi nhận doanh thu chuyển nhượng một phần dự án Vinhomes Global Gate và tăng doanh thu tài chính từ hoạt động hợp tác kinh doanh.
Nếu loại trừ nhóm ngân hàng thì Vingroup báo lãi cao thứ hai trên sàn với mức lãi ròng 6.979 tỷ đồng.
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Wichart.
Các doanh nghiệp phi tài chính còn lại có lợi nhuận trên nghìn tỷ thuộc khối nhà nước như: Vietnam Airlines (Mã: HVN), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV),Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã: GVR),Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS),Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (Mã: VEA).
Các đơn vị tư nhân lãi nghìn tỷ như: Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG), CTCP FPT (Mã: FPT), Masan Consumer (Mã: MCH), CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM), CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) cùng hai đại diện duy nhất trong nhóm bất động sản là CTCP Vinhomes (Mã: VHM), Vincom Retail (Mã: VRE).
Xét trong nhóm VN30, có 7/30 đơn vị ghi nhận lợi nhuận ròng suy giảm so với cùng kỳ gồm: Vingroup, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - Mã: TCB), Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB), Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB), Vinamilk, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX).
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ Wichart.
Ông lớn số 1 ngành sữa là Vinamilk báo lãi ròng suy giảm 29% so với cùng kỳ còn 1.568 tỷ đồng do doanh thu từ thị trường trong nước (đóng góp 77% vào cơ cấu) giảm 13% so với cùng kỳ. Dẫu thị trường nước ngoài ghi nhận tăng trưởng 7 quý liên tiếp nhưng cũng không thể bù đắp mức sụt giảm của thị trường nội địa. Theo thống kê đây là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý II/2015.
Tương tự, lợi nhuận của Sabeco giảm 19% so với cùng kỳ về 793 tỷ và ghi nhận mức thấp nhất kể từ quý IV/2021.
Theo giải trình, doanh thu của Sabeco thấp hơn cùng kỳ vì sụt giảm sản lượng do cạnh tranh gia tăng và tác động của Nghị định 168 (Quy định xử phạt hành chính về trật tự, an toàn giao thông). Ngoài ra, Sabeco bị ảnh hưởng bởi việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Tập đoàn Bia Bình Tây kể từ ngày 3/1/2025 khi công ty này được hợp nhất vào Sabeco như một công ty con, thay vì là công ty liên kết như trong năm 2024.
Kết quả kinh doanh của Sabeco cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc thu nhập lãi tiền gửi giảm và chi phí tài chính tăng phát sinh từ thương vụ mua lại Tập đoàn Bia Bình Tây (85 tỷ đồng).
Petrolimex là doanh nghiệp có lợi nhuận quý thấp nhất trong nhóm VN30 với 133 tỷ, giảm 88% so với quý đầu năm 2024.Nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn từ diễn biến thị trường toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm từ mức 77,8 USD/thùng đầu quý xuống còn 67,04 USD/thùng vào cuối quý, do tác động từ các yếu tố như chính sách thuế quan, quyết định sản lượng từ OPEC+, căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế của các nền kinh tế lớn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán và dẫn đến việc tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm kết thúc quý.
Kinh doanh 14:43 | 03/05/2025
Chủ đầu tư 19:46 | 01/05/2025
Chủ đầu tư 09:51 | 01/05/2025
Chủ đầu tư 12:31 | 30/04/2025
Kinh doanh 13:56 | 29/04/2025
Chủ đầu tư 19:00 | 25/04/2025
Chủ đầu tư 08:27 | 25/04/2025
Chủ đầu tư 07:00 | 24/04/2025