Một vấn đề mà chúng ta luôn đau đầu hiện nay đó là chi tiêu một cách có kế hoạch và có được một khoản tiết kiệm cho riêng mình trong khi vẫn đảm bảo được những nhu cầu thiết yếu và những nhu cầu ăn chơi, giải trí khác. Vậy nên, hãy tham khảo 5 cách tiết kiệm chi tiêu sau đây để giúp cắt giảm một phần ba chi phí hàng tháng.
Một bình nước để có thể giảm chi tiêu cho nước đóng chai và thải ra chai nhựa. Ảnh: Unsplash
Việc đầu tiên đơn giản nhất mà mỗi người cần phải làm ngay đó là mua cho mình một bình nước thật xịn và xinh xắn. Bạn nên chọn bình nước bền một chút và có thể giữ nhiệt cả nóng và lạnh.
Việc mua cho mình một bình nước làm giảm đáng kể số tiền bạn phải đi đến đâu mua cho mình những chai nước lọc hay nược ngọt cho mình đến đó. Bạn luôn sẵn sàng có một bình nước kề cạnh và có thể sử dụng nó bất kì lúc nào.
Không những vậy, với cách tiết kiệm chi tiêu này bạn còn có thể giảm đáng kể số lượng chai nhựa bạn thải ra nữa, vừa có lợi cho bản thân, vừa có lợi cho môi trường. Vậy tại sao không?
Lần mua trước tiết kiệm cho mua lần sau. Tại sao không? Ảnh: Unsplash
Hãy chọn cho mình một địa chỉ cứng để mua đồ tiêu dùng hàng ngày của mình, đó có thể là siêu thị gần nhà bạn, hoặc là siêu thị ở gần chỗ làm của bạn để tiện lúc trên đường về. Và đặc biệt gợi ý cho bạn là hãy chọn một siêu thị có hệ thống càng lớn càng tốt.
Việc tại sao nên chỉ mua ở một địa điểm, là do bạn có thể có được dịch vụ khách hàng tích điểm tại đó, và chỉ mua tại đó (hoặc hệ thống đó), số điểm tích của bạn ngày càng lớn sẽ càng tiết kiệm cho bạn ở những lần mua tới.
Vì vậy, hãy chú ý chọn cho mình một địa điểm không những tiện, nhiều hàng hoá, mà còn có chính sách chăm sóc khách hàng và tích điểm, đổi điểm, trừ tiền khuyến mãi hấp dẫn để tiết kiệm tiền cho chính mình.
Điều này dễ thực hiện nhất đối với hàng tiêu dùng, vì rất khó để bạn có thể chọn địa điểm cứng cho quần áo, mỹ phẩm, đồ ăn, trà sữa,… Nhưng nếu có thể, hãy làm vậy với cả những hạng mục chi tiêu khác của bạn nữa nhé.
Làm đầy tủ lạnh của bạn để luôn có động lực nấu ăn ở nhà nào. Ảnh: Unsplash
Hãy đi chợ/siêu thị một lần cho cả tuần tới của mình. Hãy suy nghĩ trước về những gì bạn sẽ cần dùng và mua nó trong lần đi siêu thị cuối tuần trước đó.
Điều này tránh cho bạn hai điều. Một là luôn trong tình trạng không sẵn đồ nấu nên lại lười và đi ăn ngoài. Hai là tránh phải đi chợ hàng ngày, lúc đi thì chỉ định mua đúng cái gì cần, nhưng thực sự lại hốt về những thứ mà bạn lỡ dạo qua.
Vì vậy, mua đồ theo tuần giúp bạn chỉ cần mua thật nhanh những thứ cần thiết trong lúc nấu ăn ngày hôm đó rồi vội về chứ không la đà như vậy nữa.
Một gợi ý nữa là bạn hãy mua nhiều thứ, và mỗi thứ một ít thay vì mua mỗi thứ thật nhiều, và vì vậy mà không thể mua nhiều thứ được. Bạn cần sử dụng hết nguyên liệu mình mua để không lãng phí, nhưng cũng phải tránh cả chuyện luôn nấu những món lặp đi lặp lại nữa.
Một cách khắt khe với bản thân hiệu quả và không làm bạn phải quá chắt bóp. Ảnh: Unsplash
Hãy tự đặt ra một định mức chi tiêu những khoản nhỏ hàng ngày cho bản thân, ví dụ như trà sữa, đồ ăn vặt, đi ăn cùng bạn bè, hội hè, cafe, xem phim, mua đồ lưu niệm, đi lại, đồ dùng nhỏ,… Và hãy kiên định, chỉ chi tiêu trong khoản định mức đó. Nếu bạn muốn một ngày tiêu nhiều hơn định mức, thì những ngày hôm sau phải cố gắng chi tiêu ít hơn để cân bằng.
Hãy cố gắng chi tiêu như thể hôm đó bạn chỉ có từng ấy tiền. Và rồi bạn sẽ thấy hiệu quả rõ rệt sau một thời gian, bạn đã chi tiêu hợp lý hơn rất nhiều và tiết kiệm được một khoản kha khá.
Để đặt ra định mức hợp lý, bạn cần phải cân nhắc về cả thu nhập/chu cấp của bạn hàng tháng, số tiền mà bạn muốn tiết kiệm mỗi tháng, nhu cầu của bạn có thể tiết chế được đến bao nhiêu, yêu cầu về công việc hay các mối quan hệ xã hội của bạn, những khoản chi trả cho chăm sóc sức khoẻ và sắc đẹp.
Tiết kiệm từ đầu tháng đảm bảo kế hoạch tiết kiệm của bạn đã thành công đến 50%. Ảnh: Unsplash
Chúng ta thường cố gắng tiêu dùng ít rồi còn lại bao nhiêu cuối tháng thì sẽ để lại làm tiết kiệm. Nhưng tiếc rằng điều đó lâu lâu mới thành công một lần bởi luôn có những "lí do không thể cưỡng lại" bủa vây bạn từ đầu đến cuối tháng để bạn tiêu hết số tiền mà mình có.
Vì vậy, hãy để ngay tiền tiết kiệm riêng ra từ đầu tháng và chỉ chi tiêu trong khoảng còn lại. Bạn sẽ dùng được khoảng còn lại thôi, chứ không hề khó khăn hơn quá nhiều như bạn nghĩ sau khi bạn cất đi khoản tiết kiệm ngay từ đầu, chỉ khi thực sự cần hay gấp mới đưa nó ra.
Khoản tiền tiết kiệm bỏ ra từ đầu tháng được tính dựa trên việc lấy tổng của thu nhập/chu cấp của bạn tháng đó trừ đi số tiền đủ cho định mức hàng ngày của bạn cho tháng đó, và một khoản tiền để chi tiêu những khoản mua sắm cần thiết lớn khác.
Vậy là với cách tiết kiệm chi tiêu này, tháng nào bạn cũng đã chắc chắn có một khoản tiết kiệm cho riêng mình. Chỉ là bạn có kết hợp thành công cả những phương pháp trên để còn có thể có một khoản tiếp kiệm lớn hơn nữa.