Video Toàn cảnh các dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội hoàn thành năm 2020.
Dự án xây dựng Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được khởi công tháng 5/2018. Sau nhiều tháng thi công, dự án đã chính thức thông xe vào ngày 11/10/2020. Dự án này có điểm đầu ở nút giao Mai Dịch, kết nối đồng bộ với Vành đai 3 trên cao từ đây hướng về cầu Thanh Trì. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.343 tỉ đồng, từ nguồn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng trong nước.
Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có chiều dài hơn 5 km, chạy dọc theo đường Phạm Văn Đồng qui mô đường cao tốc 4 làn xe, với tốc độ thiết kế 100 km/h. Dự án được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75 m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... đảm bảo cho xe chạy với vận tốc 100 km/h.
Dự án Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long hoàn thành và thông xe từ tháng 10/2020 nhưng hiện tại các lối lên xuống vẫn đang trong quá trình thi công.
Cuối năm 2019, Hà Nội đã khởi công xây dựng cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm và nhánh kết nối Vành đai 3 trên cao. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 341 tỉ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư gần 15 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 258 tỉ đồng. Dự án cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm gồm các hạng mục: Xây dựng hai cầu đi thấp qua hồ Linh Đàm có tổng chiều dài trên 500 m, chiều rộng mỗi cầu 13 m, kết nối thông suốt đường Nguyễn Xiển và đường Hoàng Liệt.
Sáng 6/10/2020, dự án cầu vượt thấp này chính thức thông xe. Dự án này giúp rút ngắn quãng đường của các phường tiện từ Nghiêm Xuân Yêm đi Giải Phóng. Dự án cũng giúp kéo giảm ùn tắc của nút giao Nguyễn Hữu Thọ - Giải Phóng. Lối dẫn vào đường vành đai 3 được cắm biển báo, chỉ cho phép ôtô lưu thông.
Dự án cầu vượt thấp qua hồ Linh Đàm khi thông xe giúp kết nối, giải tỏa ùn tắc khu vực.
Sáng 9/11/2020, Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng chính thức thông xe. Xe ô tô được phép lưu thông trên tuyến đường Vành đai 2 trên cao (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng và ngược lại). Đoạn vành đai này thuộc dự án Dự án đường vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở có vốn đầu tư khoảng 9.400 tỉ đồng được khởi công từ tháng 4/2018.
Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP Hà Nội sử dụng công nghệ thi công cầu bê-tông cốt thép trên đà giáo di động, đổ dầm trực tiếp và không phải vận chuyển dầm bê-tông bằng xe hạng nặng tới công trình. Đoạn tuyến này thông xe giúp kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực đường Trường Chinh.
Vành đai 2 trên cao đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng thông xe giúp kéo giảm ùn tắc đường Trường Chinh.
Sáng 8/10/2019, UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên theo qui hoạch (vành đai 2,5). Sáng 28/8/2020, cầu vượt nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt chính thức thông xe sau nhiều tháng thi công.
Dự án do Ban Quản lí Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội làm chủ đầu tư với các hạng mục chính: Xây dựng cầu vượt trực thông theo hướng từ đường Nguyễn Văn Huyên vượt qua đường Hoàng Quốc Việt, chiều dài toàn cầu 428,28m; Mở rộng hoàn thiện đủ mặt cắt ngang qui hoạch của đường Nguyễn Văn Huyên (vành đai 2,5) là 50m, với chiều dài 170m; Ngoài ra, hoàn thiện hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thoát nước, tổ chức giao thông khu vực nút giao.
Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 560 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố. Trong đó chi phí GPMB là 305 tỉ đồng; chi phí xây dựng 183 tỉ đồng; chi phí QLDA, Tư vấn và chi phí khác 22 tỉ đồng; dự phòng phí là 50 tỉ đồng.
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt nhằm khắc phục nút thắt hẹp mặt cắt trên đường Nguyễn Văn Huyên hiện nay; cầu vượt trực thông tại nút giao sẽ tăng cường lưu thông qua nút, giảm ùn tắc, tạo thuận lợi cho kết nối, phân luồng phương tiện giữa Vành đai 2 và Vành đai 3; góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo qui hoạch, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Bắc Từ Liêm và của toàn thành phố.
Dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt nhằm khắc phục nút thắt hẹp mặt cắt trên đường Nguyễn Văn Huyên hiện nay.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng. Dự án bắt đầu khởi công xây dựng từ tháng 6/2020, thời gian hợp đồng là 150 ngày. Tức là hết tháng 12/2020, dự án cơ bản hoàn thành. Ngày 7/1/2021, dự án này đã chính thức thông xe.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến vành đai 3 thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô.
Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 270 tỷ đồng.
Dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có điểm đầu từ Km 0-420 (kết nối với đường Cổ Linh) và điểm cuối tại Km1+065,74 (kết nối với đoạn tuyến cao tốc đã thi công giai đoạn 1), chiều dài gần 1,5 km nối đường Cổ Linh với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chiều rộng mặt đường 33-51 m. Tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, công trình góp phần phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến đường Vành đai 3, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đường Cổ Linh; giảm thiểu ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội. Dự án này thông xe ngày 9/1, sau cầu Thăng Long vài ngày.
Dự án nút giao Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là một trong những công trình trọng điểm của TP Hà Nội.