Cấp cứu bệnh nhân bị ngộ độc rượu tại Trung tâm chống độc- Bệnh viện Bạch Mai |
Cả 7 bệnh nhận này đều đến từ Hà Nội. Trong khi 5 bệnh nhân uống phải rượu methanol, và 2 trường hợp uống phải cồn y tế. Các bệnh nhân đều nhập viện trong tình trạng mờ mắt, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp, chuyển hóa toàn năng, thậm chí có bệnh nhân ngừng tim tại tuyến y tế cơ sở. Các bệnh nhân đều có nồng độ methanol (rượu công nghiệp) trong máu rất cao, không có ethanol.
Trường hợp điển hình là bệnh nhân Lê Văn T., sinh năm 1969, nhập viện ngày 27/2 từ Bệnh viện 105 Sơn Tây. Kết quả xét nghiệm methanol trong máu bệnh nhân lên tới 47,6 mg/dL, trong khi mức bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng, phải lọc máu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc, cho biết: “Tất cả các bệnh nhân đã được điều trị tích cực. Một số trường hợp đã hồi phục, có trường hợp đang hồi phục, có bệnh nhân có thể để lại di chứng, thậm chí hôn mê kéo dài”. Hiện vẫn còn 3 bệnh nhân đang hôn mê.
Theo bác sĩ Nguyên, rất khó phân biệt rượu thông thường và rượu có methanol. Người dân mua các không nhãn mác, trôi nổi ngoài thị trường rất dễ bị ngộ độc.
Có những trường hợp ngộ độc methanol ngay khi uống rượu nhưng có trường hợp phát tác sau 1-2 ngày. Khi người nhà phát hiện nạn nhân hôn mê, mắt mờ thì mới đưa đi cấp cứu. Những trường hợp đến muộn 1,2 ngày thường là quá muộn.
Methanol khi vào cơ thể lại được chuyển hóa thành chất độc hơn thế nhưng lại phát tác chậm. Sau 2,3 ngày các biểu hiện của người ngộ độc rượu methanol mới rõ hơn. Bệnh nhân uống rượu trước đó 2,3 ngày, thậm chí hàng tuần, tích lũy lượng methanol dần dẫn tới gây tổn thương rõ bên ngoài.
Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng ngộ độc rượu methanol đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân vẫn uống rượu không rõ nguồn gốc, nhiều trường hợp ngộ độc. Các cơ quan chức năng cần tham gia một cách tích cực, mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này.