Chỉ còn một vài ngày nữa thôi là tới giao thừa rồi, chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã chuẩn bị cho mình những phong bao lì xì đẹp đẽ, tuy nhiên chúng ta đừng quên trang bị kiến thức về những nguyên tắc lì xì cần biết dưới đây nhé!
Trẻ con thường sẽ túm tụm lại với nhau để cùng mở lì xì, nếu trẻ thấy mình được lì xì ít hơn so với các anh em trong gia đình hay trong họ hàng, chúng ta đã vô tình làm con trẻ bị tổn thương và tiêu cực hơn nữa là tạo nên sự đố kị, ganh ghét giữa chúng.
Trong khi đó, chúng ta luôn luôn mong muốn anh em trong nhà phải thuận hoà với nhau phải không nào?
Phân biệt đối xử là điều rất không nên làm, đặc biệt là đối với trẻ con.
Phải cho con trẻ biết ý nghĩa thực sự của lì xì là một món quà đem lại một niềm vui bất tận, một sự may mắn mà người khác mang đến cho mình, chứ không đơn thuần là số tiền mà con trẻ nhận được trong phong bao đó.
Nói cho chúng biết rằng số tiền lì xì không phải là thước đo cho tình cảm, người mừng nhiều tiền cho con hơn thì có nghĩa là họ quí mến con hơn hay có những người không lì xì cho con đồng nghĩa với việc là họ không yêu quí con.
Đây chính là nền tảng răn dạy con trẻ sau này biết coi trọng tình cảm gia đình hơn đồng tiền.
Để tiền mừng tuổi trở nên có ý nghĩa, các bậc cha mẹ nên hướng dẫn con trẻ quản lí tiền bằng cách mua con lợn đất, cho tiền vào đó để giáo dục cho trẻ bài học tiết kiệm sinh động.
Chỉ lúc nào có nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập, áo quần… mới "mổ" lợn lấy tiền chi dùng, giúp cha mẹ một khoản tiền.
Bên cạnh đó, không chỉ để dùng cho bản thân mình, tiền lì xì cũng có thể để con trẻ đóng góp một phần vào hoạt động thiện nguyện, giàu tính nhân văn, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đang gặp khó khăn do thiên tai, đem đến cho họ chút hơi ấm của cái Tết đầy tình nghĩa.
Dùng tiền mới để mừng tuổi không những phù hợp với hoàn cảnh là đón những ngày đầu năm mới, hợp thẩm mĩ mà còn tạo cho người nhận cảm giác mới mẻ và vui vẻ.
Việc sử dụng những chiếc bao lì xì không còn được mới, đặc biệt là còn in số năm và con giáp tượng trưng của những năm trước thực sự sẽ gây cho cả người tặng và người nhận rơi vào tình cảnh lúng túng.
Vì vậy, đừng tiếc 1 chút tiền để sắm cho mình những phong bao lì xì mới tinh, chúng sẽ đem lại niềm hân hoan cho người khác cũng như là chính bản thân mình trong dịp Tết đến xuân về đấy.
Đối với ông bà, cha mẹ, chúng ta gọi là mừng tuổi (không thể gọi là lì xì); khi đưa phong bao mừng tuổi nên thể hiện tấm lòng thành kính, hiếu thảo, trân trọng; tiền ít nhiều không quan trọng, còn tùy vào hoàn cảnh nhưng cái chính vẫn là tình cảm và thái độ của của chúng ta đối với ông bà, cha mẹ.
Lì xì Tết là một nét đẹp văn hóa, vì vậy, việc trao và nhận lì xì cũng cần được thực hiện đúng tinh thần vốn có của nó để có thể gìn giữ và giúp phong tục lì xì Tết thêm phần ý nghĩa. Không nên đưa trực tiếp tiền mừng tuổi cho nhau mà nên xếp gọn gàng trong những phong bì đỏ thắm - màu sắc tượng trưng cho sự may mắn.
Việc này cũng thể hiện sự tế nhị trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt khi không muốn người nhận được lì xì so bì về sự ít nhiều của số tiền tượng trưng mà dẫn đến những điều không vui trong ngày Tết.
Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đồng thời, trẻ em cần có thái độ trân trọng, mừng rỡ biết nói lời cảm ơn và chúc Tết người lì xì mình.
Phong tục lì xì ngày Tết mang ý nghĩa chúc phúc, nên không quan trọng ở mệnh giá tiền trong phong bao. Trong trường hợp muốn biếu ông bà cha mẹ nhiều tiền hơn bạn có thể đưa kèm sau còn trong phong bao lì xì chỉ nên để số tiền tượng trưng.
Khi lì xì cho trẻ con cũng không nên cho quá nhiều tiền vào phong bao lì xì và nên dạy cho trẻ biết trân trọng ý nghĩa sâu xa của phong tục này chứ không phải giá trị vật chất bên trong.
Giao thừa sắp tới rồi, hãy ghi nhớ những nguyên tắc lì xì trên đây để có thêm một cái Tết đong đầy yêu thương và đầm ấm bên những người mình yêu thương.