Một số câu hỏi nên tránh trong dịp Tết để không phá vỡ bầu không khí vui tươi

Ghi nhớ một số câu hỏi nên tránh trong dịp Tết để không phá vỡ bầu không khí vui tươi.

Tết là dịp để người người nhà nhà đi thăm gia đình, họ hàng và bạn bè, và rồi dành cho nhau những lời hỏi han quan tâm nhau những sự kiện trong năm đã qua cũng như gửi những lời chúc tốt đẹp cho năm sắp tới. Tuy nhiên, có một số câu hỏi nên tránh trong dịp Tết

Bạn nên tránh một số câu hỏi mang tính xã giao và đã trở thành câu "cửa miệng" bất cứ khi nào gặp một số người quen, hay bạn thực sự quan tâm họ nhưng hỏi thăm không đúng cách. 

Chúng ta không thể biết hết được câu chuyện của mỗi người và những gì họ đã trải qua, nếu những câu hỏi của bạn lại vô tình chạm vào nỗi đau hay buồn phiền của người khác, bạn sẽ gây ra những trường hợp khó xử, và phá vỡ bầu không khí vui tươi, háo hức của ngày tết. 

Một số câu hỏi nên tránh trong dịp Tết

1. Dạo này tăng cân à? Bao nhiêu cân rồi?

Việc hỏi về cân nặng vốn dĩ là một câu hỏi khá nhạy cảm, đặc biệt là với phái nữ. Có thể vì một lí do gì đó mà mọi người không có thời gian và tâm sức để chăm lo cho thân hình của họ, hoặc họ đang trong quá trình nỗ lực giảm cân mà bạn không biết. 

Câu hỏi như vậy giống như một lời chê bai 'Dạo này béo quá!" và có thể sẽ chạm vào nỗi niềm và lòng tự trọng của người khác. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ngó lơ và không đề cập tới vấn đề cân nặng.

Nếu bạn quan tâm và lo lắng tới họ và cảm thấy họ đang tăng cân một cách quá đà theo hướng có hại cho sức khỏe, bạn có thể nói: "Trông bạn dạo này xinh đẹp ra, nhưng giá mà bạn có thời gian tập luyện cho thân hình săn chắn thêm một chút thì sẽ thật tuyệt!"

2. Khi nào lấy chồng?

"Khi nào có bạn trai?", "Có bạn trai chưa?", "Khi nào lấy chồng?", "Cần chú làm mai cho vài mối không?"

Sẽ thật là phiền toái khi đi đâu, gặp ai trong những ngày tết cũng phải chuẩn bị tinh thần và câu trả lời hay giải thích cho việc mình chưa có người yêu hay chưa dẫn bạn trai (bạn gái) về nhà ra mắt, đặc biệt là đối với các bạn trẻ đã tới tuổi lập gia đình.

Có thể họ đang có những dự định kế hoạch ưu tiên khác cần nỗ lực trong cuộc sống và chưa thể lập gia đình, hoặc họ chưa gặp được một nửa phù hợp. Bạn nên để họ được cảm thấy thoải mái với tình trạng hôn nhân của họ bấy giờ bằng việc hỏi thăm về những vấn đề khác chẳng hạn.

3. Đã đi làm chưa?

"Đã đi làm chưa?", "Vẫn làm ở chỗ cũ chứ?", "Bây giờ làm ở đâu rồi?" chắc là câu hỏi mà những cô cậu sinh viên mới ra trường sẽ hay bị cô chú hỏi nhiều lắm đây. Dù chẳng có ý xấu gì nhưng câu hỏi này tạo cảm giác cho người nghe như thể "ăn không ngồi rồi" không chịu tìm việc và "bất tài" vậy, cũng là một câu hỏi được liệt vào danh sách đừng bao giờ nói ra. 

"Dạ, cháu hiện đang thất nghiệp" hay "Cháu đã trượt tất cả các buổi phỏng vấn xin việc". Nếu sự thật là vậy, sẽ thật khó để trả lời câu hỏi này.

Nếu bạn đang có một công việc muốn giới thiệu, bạn có thể hỏi qua về chuyên ngành và sở thích cũng như định hướng công việc của họ, rồi đề cập một cách nhẹ nhàng công việc mà bạn đang muốn giới thiệu: "Chị biết giờ tìm được và gắn bó với một công việc thích hợp là một việc không dễ dàng, chị được biết công việc này khá hay, công việc cụ thể là…, em cứ trải nghiệm và theo đuổi những công việc hiện tại của em, nhưng nếu khi nào có nguyện vọng thử sức với công việc này thì liên hệ chị nhé!"

4. Lương bao nhiêu, thưởng ít hay thưởng nhiều?

Một lần nữa, đây lại là một công hỏi riêng tư vốn không nên hỏi theo phép lịch sự.

Hỏi câu hỏi như vậy sẽ khiến người nghe bối rối, có thể vì mức lương thấp quá hoặc cao quá, hoặc vì sợ sẽ bị lấy ra để so bì với những người khác. Nên bạn chỉ nên hỏi những câu về tình hình công việc, về sếp, về đồng nghiệp… Như vậy bạn sẽ thể hiện được sự quan tâm và chia sẻ với họ.

5. Năm nay có được học sinh giỏi không?

Mỗi đứa trẻ sẽ có những khả năng, sở thích và ưu điểm khác nhau, có thể đứa trẻ ấy chỉ được học sinh tiên tiến nhưng là cả một sự nỗ lực hết mình, hoặc lại là một đứa trẻ ngoan ngoãn lễ phép, trông em giòi, đạt giải nhất giải cờ vua của trường,… 

Đứa trẻ cũng biết và rất buồn, thậm chí tự ti khi bản thân không được học sinh giỏi như bạn bè của mình.

Vậy thay vì hỏi việc con trẻ có được học sinh giỏi không, bạn có thể hỏi: "Năm nay có đạt được thành tích gì không? Hay "Năm nay được bố mẹ khen điều gì, đã tiến bộ điều gì?" và sau đó chúc mừng và dành lời khen ngợi cho trẻ, điều này sẽ giúp trẻ có thêm động lực và sức mạnh để tiến bộ hơn về mọi mặt.

6. Ăn mặc kiểu gì đây?

Mỗi người có phong cách ăn mặc riêng dù với bạn là hơi kì cục và không thời thượng nhưng bạn cũng đừng nên nói như vậy vì đầu năm ai cũng muốn đẹp và có những khoảnh khắc đáng nhớ cùng gia đình và bạn bè mà. Trừ khi bộ đồ ấy ảnh hưởng tới thuần phong mĩ tục của người Việt, hay là một bộ đồ mùa hè trong ngày tết 20 độ, thì bạn có thể góp ý một cách nhẹ nhàng và tinh tế một chút là được.

7. Lớn rồi không cần lì xì đâu

Đây là một câu nói sẽ khiến người nghe cảm thấy mình không còn được ưu ái, và có chút gì đó bối rối, ngại ngùng, bởi đó là một câu nói mang tính chất "từ chối".

Thật ra tất cả mọi người và chính cô cậu thanh niên mới lớn ấy đều biết sự thật ấy. Nhưng thay vì nói ra những câu như vậy, các vị phụ huynh chỉ cần trao đi những lời chúc chân tình một cách tự nhiên là không khí sẽ vẫn được vui vẻ, đầm ấm và thoải mái.

8. Bao giờ sinh con?

Những đôi vợ chồng trẻ đều đã có những kế hoạch và dự đinh cho cuộc sống gia đình của họ, và đôi khi không may mắn vì lí do sức khỏe hay kinh tế, họ đang phải nỗ lực để có "các thiên thần". Nên câu hỏi ấy có thể sẽ vô tình chạm vào nỗi đau, hay khiến họ khó xử khi không biết phải trả lời ra sao với những lí do riêng tư và tế nhị. 


chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.