ĐBQH Phạm Trọng Nhân - Bình Dương. (Ảnh: Như Ý)
Thỏa hiệp khiến sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước
Thảo luận về Dự án Luật Xây dựng sửa đổi, sáng 27/11, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nêu ra hàng loạt sự tồn tại của những công trình thách thức dư luận, như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội.
Vị đại biểu này cũng bày tỏ sự băn khoăn không biết cơ sở lí luận nào để giải thích cho việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đặt trong tương quan với sự bành trướng của cái gọi là “một vành đai, một con đường”.
“Tất cả những vấn đề trên có vi phạm nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không”, vị đại biểu đoàn Bình Dương đặt câu hỏi.
Công trình 8B Lê Trực bị xử phạt theo hình thức cắt ngọn
Chưa dừng lại, ông Nhân tiếp tục nêu ra một ví dụ cho thấy những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý xây dựng là vụ xe container kéo sập cầu đường bộ hành ở Thành phố Hồ Chí Minh.
“Sau khi tan nạn xảy ra mới vỡ lẽ dự án này không có hồ sơ thiết kế. Như vậy, khi thẩm định dự án thì cán bộ, công chức có trách nhiệm đã thẩm định thế nào và thẩm định cái gì khi không có hồ sơ”, ông Nhân nhấn mạnh.
Khẳng định, sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết, song theo ông Nhân điều cần thiết hơn có lẽ là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện.
Nhà nước pháp quyền tôn trọng pháp luật là đích đến của cả hệ thống chính trị, nhưng từ sai phạm này đến sai phạm khác, có những sai phạm sau nghiêm trọng hơn sai phạm trước thì trở lực nào đang trì hoãn con đường đi đến nhà nước pháp quyền.
Chấm dứt việc phạt cho tồn tại
Theo ông Nhân, việc phạt cho tồn tại, hay qui hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng đã chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. “Nếu giải pháp tích hợp trong Luật Qui hoạch được thực thi thì liệu 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có cơ hội được tồn tại hay không”, ông Nhân nói.
Từ đó, vị đại biểu này khẳng định, nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và qui hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội nữa.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà
Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng bày ủng hộ sự nghiêm khắc để xử lí các sai phạm trong xây dựng. Theo ông, xử lí sai phạm xây dựng mà cắt ngọn cũng là một dạng phạt cho tồn tại, rất dễ sinh ra tiêu cực.
Ông Trí đề nghị sửa luật thế nào đó để ngăn chặn sớm, triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai. “Cử tri đề nghị, nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra những vi phạm đó. Chúng ta hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp cắt ngọn vì có công trình xây dựng sai trái nữa”, ông Trí nhấn mạnh.
Báo cáo giải trình với các đại biểu Quốc hội về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, sẽ không còn việc phạt cho tồn tại. “Tất cả các công trình vi phạm qui hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm”, ông Hà cho biết.