9 bãi sông có thể được xây dựng thuộc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Hai bãi sông được phép xây dựng, 7 bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng thuộc phạm vi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Theo tờ trình đồ án của Ban cán sự đảng UBND TP Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có quy mô diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Phạm vi quy hoạch phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%).

Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá... Dân số liên quan đến quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Hai bãi sông được phép xây dựng

Theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257 ngày 18/02/2016, có hai bãi sông được phép xây dựng. Cả hai bãi này đều thuộc phạm vi quy hoạch phân khu sông Hồng.

Cụ thể là bãi Tàm Xá - Xuân Canh (tương ứng từ K57+700 đến K64+000 đê tả sông Hồng) và bãi Long Biên - Cự Khối (tương ứng từ K67+000 đến K74+000 đê tả sông Hồng).

9 bãi sông có thể được xây dựng trong phân khu đô thị sông Hồng - Ảnh 1.

Bãi Long Biên - Cự Khối được phép xây dựng. (Ảnh: Hạ Vũ).

Cuối tháng 6, nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu sông Hồng, UBND TP Hà Nội đã có Văn bản số 1471 gửi Bộ NN&PTNT về việc xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Sau đó, Bộ NN&PTNT đã ra văn bản ý kiến rằng với bãi Tàm Xá - Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257.

Vì thế, Bộ đề nghị TP Hà Nội rà soát cụ thể và lưu ý, bãi Tàm Xá - Xuân Canh được quy hoạch xây dựng đô thị về phía tuyến đê hiện tại, diện tích xây dựng không được vượt quá 61,2 ha (15% x 408 ha).

7 bãi sông có thể được xây dựng 

Cũng theo Quy hoạch 257, phân khu đô thị sông Hồng có 7 bãi sông có thể được nghiên cứu xây dựng.

Cụ thể gồm: Thượng Cát - Liên Mạc (69 ha); Hoàng Mai - Thanh Trì (1.063 ha); Chu Phan - Tráng Việt (360 ha); Đông Dư - Bát Tràng (63 ha); Kim Lan - Văn Đức, Xuân Quan - Văn Giang (982 ha); Thắng Lợi - Mễ Sở (130 ha).

Trong văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Bộ NN&PTNT cho biết đối với bãi Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng. 

Đồng thời, một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.

Vì vậy, Bộ đề nghị diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng bằng 5% phần diện tích bãi (trừ bãi Tàm Xá - Xuân Canh).

9 bãi sông có thể được xây dựng trong phân khu đô thị sông Hồng - Ảnh 2.

Bãi Tàm Xá - Xuân Canh. (Ảnh: Hạ Vũ).

Cụ thể, bãi Thượng Cát - Liên Mạc diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 3,45 ha (5% x 69 ha). Bãi Chu Phan - Tráng Việt, diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 18 ha (5% x 360 ha).

Đối với ba khu vực bãi sông (Hoàng Mai - Thanh Trì, Đông Dư - Bát Tràng, Kim Lan - Văn Đức), quy hoạch chung Hà Nội xác định không xây dựng công trình, không phát triển đô thị mới mà tạo không gian thoát lũ, chứa lũ.

Bãi Hoàng Mai - Thanh Trì diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 53,15 ha (5% x 1.063 ha). Bãi Đông Dư - Bát Tràng diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 3,15 ha (5% x 63 ha).

Bãi Kim Lan - Văn Đức, Xuân Quan - Văn Giang (bao gồm cả phần bãi thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) diện tích tối đa có thể nghiên cứu xây dựng là 49,1 ha (5% x 982 ha).

Ngoài ra theo Quy hoạch 257, phân khu đô thị sông Hồng dự kiến có 5 khu vực dân cư di dời và 26 khu vực dân cư tại 14 bãi sông được giữ nguyên.

Đối với các khu vực dân cư tập trung hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT cho rằng, các khu vực dân cư tập trung hiện có ở bãi sông theo quy định được tồn tại, bảo vệ; được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Những diện tích đất xây dựng vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có là không phù hợp. Vì vậy, Bộ đề nghị rà soát thực hiện theo đúng Quy hoạch 257.

Bộ NN&PTNT đề nghị TP Hà Nội không quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc hoặc có vị trí không phù hợp với danh mục bãi sông được phép xây dựng, có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257.

Ngày 1/8, Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có Văn bản 7996 về việc Bộ NN&PTNT có ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng, Sở NN&PTNT nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, sớm hoàn chỉnh hồ sơ đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (20/7 - 26/7): Hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang, chính thức mở rộng TP Nam Định
Chính thức mở rộng TP Nam Định; thông tin mới về dự án khép kín đường Vành đai 3 Hà Nội qua huyện Đông Anh; hơn 11.500 tỷ đồng làm cao tốc Sơn La - cửa khẩu Tây Trang; duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Cam Ranh... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.