Tình huống sau đây chắc hẳn đúng và phổ biến với nhiều bậc cha mẹ:
Mẹ có công việc bận rộn, mẹ luôn giàu năng lượng suốt cả ngày nhưng về cuối ngày thì mệt mỏi. Hết giờ làm mẹ đi đón con ở trường và mong con có một ngày học tập thật tốt. Thế nhưng cô giáo lại than phiền về việc con không tập trung học mà nói chuyện với bạn khác, để cô phải nhắc nhở nhiều lần.
Với tình huống trên, đa phần bố mẹ phản ứng như sau: “Sao lại để mẹ phải nghe những chuyện bực bội này, mẹ đang nói chuyện với con đó. Con có biết là mẹ đầu tư nhiều tiền bạc cho con. Tất cả những gì hồi nhỏ mẹ không được học mẹ đều dành hết cho con. Chỉ có một yêu cầu là con ngoan ngoãn học hành mà con còn không làm được. Con có biết là ngày hôm nay mẹ còn biết bao nhiêu việc phải giải quyết, giờ lại thêm chuyện của con nữa”.
Mối quan hệ bố mẹ và con cái: đồng hành hay dạy dỗ? (Ảnh: Annietaophotography) |
Người mẹ trong tình huống này đã dành năng lượng cho công việc và không có năng lượng tốt khi gặp con. Con không có cơ hội giải thích và không được lắng nghe. Mẹ đòi hỏi con phải “ngoan” vì mong đợi của mẹ, chứ không nêu được giá trị của “hành vi đúng”, không thực sự giúp con hiểu và giải quyết được vấn đề.
Các bậc cha mẹ thường nghĩ mình luôn dành điều tốt đẹp nhất cho con và con là mối quan tâm lớn nhất nhưng thực chất bố mẹ đã dành hết năng lượng cho công việc. Cuối ngày khi bố mẹ gặp con, thực sự dành thời gian với con thì trong bố mẹ lại toàn những năng lượng tiêu cực. Bố mẹ không biết làm cách nào để giải tỏa những năng lượng đó. Điều này ảnh hưởng đến cách bố mẹ giao tiếp với con và xử lý các vấn đề có liên quan đến con.
Cách giáo dục với quan niệm bố mẹ là bề trên, con là bề dưới chỉ càng ngày càng khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con xa hơn. (Ảnh: Annietaophotography) |
Trong mối quan hệ bố mẹ và con cái, chúng ta vẫn thường nghĩ rằng bố mẹ là người có quyền la mắng, con chỉ có quyền nghe giáo huấn và con phải sửa mình theo những nguyên tắc luật lệ mà bố mẹ cho là đúng. Thành công của con sẽ ở đâu đó trong tương lai nếu bây giờ con là một đứa trẻ ngoan, nếu bây giờ con biết vâng lời, đó là lối suy nghĩ của nhiều bố mẹ. Có bố mẹ nào nghĩ rằng mình nên đồng hành thay vì áp đặt, dạy con theo kiểu “cứng nhắc” hay không. Bởi cách giáo dục với quan niệm bố mẹ là bề trên, con là bề dưới chỉ càng ngày càng khiến khoảng cách giữa bố mẹ và con xa hơn.
Ai mới là người khủng hoảng?
Khi trẻ dưới 2 tuổi, trẻ dễ nghe lời bố mẹ và khi đó chúng ta cảm thấy biết cách dạy con. Chúng ta đặt ra một số luật lệ, một số quy định hành vi là tốt-xấu, quy định một số kiểu thưởng phạt và cứ thế dạy con. Bố mẹ là người ở trên, biết hết mọi thứ, đặt ra các quy định, con cái có trách nhiệm vâng lời.
Cách thức đó có vẻ ổn khi trẻ dưới 2 tuổi nhưng khi con bắt đầu lớn lên, bố mẹ cũng bắt đầu gặp khủng hoảng. Thay vì nhìn nhận rằng phương pháp thành công với trẻ dưới 2 tuổi không còn phù hợp với trẻ trên 2 tuổi, trên 5 tuổi, trên 10 tuổi, 15 tuổi thì chúng ta lại gọi là “con cái bước vào giai đoạn khủng hoảng” (khủng hoảng tuổi lên 2, lên 3, rồi đến khủng hoảng tuổi lên 10, khủng hoảng tuổi dậy thì).
Chính bố mẹ mới là người khủng hoảng. (Ảnh: Annietaophotography) |
Thực ra con trẻ đang phát triển, trưởng thành và khẳng định sự độc lập, chính kiến và khả năng xử lý tình huống. Chính bố mẹ không theo kịp quá trình phát triển của con và chính bố mẹ mới là người khủng hoảng. Đó là khủng hoảng của bố mẹ và khủng hoảng của một mô hình giáo dục không giúp bố mẹ trở thành mảnh đất màu mỡ để tiếp nhận sự lớn lên, thay đổi, trưởng thành, độc lập của con cái.
Giáo huấn - phương pháp dạy con đã lỗi thời
Giáo huấn là phương pháp dạy con đã lỗi thời. Theo phương pháp này, bố mẹ có quyền muốn và bắt con cái làm theo ý mình còn con cái phải “ngoan”, “vâng lời” và “thành công” như bố mẹ mong muốn.
Bố mẹ dựa vào quan niệm xã hội về thành công, thất bại để định nghĩa chúng. Con là bác sĩ, tiến sĩ, ông nọ bà kia, không ngừng tích lũy tiền của là thành công. Con làm nông, làm nghề lao động thủ công là thất bại.
Giáo huấn là phương pháp dạy con đã lỗi thời. (Ảnh: Annietaophotography) |
Một sai lầm phổ biến mà bố mẹ mắc phải là sử dụng phương pháp dạy dỗ giáo huấn nhưng chính người giáo huấn không thực hành, không trở thành tấm gương của những giá trị mà họ muốn truyền đạt. Khi con cái không thể hiện hành vi mà bố mẹ mong đợi, bố mẹ có khuynh hướng giáo huấn hơn là xem lại tấm gương của mình đã đúng chưa.
Hơn nữa thưởng phạt thường không được hiểu đúng và dùng đúng. Áp dụng thưởng phạt không có cơ sở sẽ dẫn đến bế tắc trong nhiều tình huống. Phần thưởng và hình phạt đôi khi có thể làm cho trẻ thực hiện hành vi bố mẹ mong muốn thức thời nhưng để lại hậu quả hành vi tai hại. Nếu thưởng phạt là mua chuộc thì mức độ mua chuộc sẽ càng lúc càng tăng và động lực tự phấn đấu của trẻ bị mai một.
Đồng hành cùng con là phương pháp dạy con tích cực
Đồng hành cùng con là phương pháp nuôi dạy con mới giúp bố mẹ đỡ khủng hoảng trong hành trình này. Sau đây là 4 yếu tố quan trọng trong phương pháp này:
Phương pháp dạy con mới: Đồng hành cùng con. (Ảnh: Annietaophotography) |
- Giá trị sống: Yêu thương, cảm thông tôn trọng, hy sinh, chia sẻ, dũng cảm phải là căn bản của mọi lựa chọn, mọi hành vi từ nhỏ đến lớn.
- Thành công hay thất bại: Thành công hay thất bại không nằm trong quy định của xã hội. Những gì phát huy được giá trị sống, tốt đẹp, hòa hợp với thiên nhiên, con người thì đó là thành công. Những gì ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị sống, tác động xấu đến bản thân hoặc gây hại đến những người xung quanh, gây hại đến môi trường thì đó là thất bại.
Thành công và thất bại không phải là một cái đích sau cùng, không phải là được xã hội nhìn nhận như thế nào, không phải là bố mẹ hãnh diện như thế nào mà là từng giây phút của hành trình, con có chọn được nhiều hành vi thuận và nhận được thưởng/ thành công ngay trong hành vi đó không?
- Kết nối: Cách để bố mẹ hiểu con cái và hiểu sự thể hiện mình ảnh hưởng đến con cái như thế nào bằng khả năng chú tâm và kết nối.
- Bố mẹ và con cái : Trong phương pháp dạy con này, bố mẹ và con cái đều là những cá thể độc lập, tương hỗ, bình đẳng và cần được tôn trọng. Mỗi cá thể đều học và thể hiện. Đối với bố mẹ đó chính là tự hoàn thiện và thể hiện mình là gương. Không có ranh giới giữa hành vi sống và hành vi làm gương. Cuộc sống thật của bố mẹ chính là tấm gương.
Bố mẹ phải chú tâm học hỏi và thể hiện. Con cái lớn lên bao nhiêu thì bố mẹ phải lớn lên bấy nhiêu. Vì bố mẹ là mảnh đất màu mỡ để cho cây phát triển. Khi cây lớn lên cần mảnh đất màu mỡ, rộng rãi hơn thì bố mẹ phải phát triển để đáp ứng nhu cầu đó. Để nhìn nhận được sự phát triển lớn lên và trưởng thành của con thì bố mẹ phải có khả năng kết nối đặc biệt với con. Bố mẹ phải hiểu con một cách sâu sắc.