Ăn vạ à? Dễ xử thôi! |
Mẹ Pony tên thật là Đặng Ngọc An Linh, là mẹ của hai cô công chúa nhỏ Pony (4 tuổi) và Moon (2 tuổi). Mẹ Pony được cộng đồng nuôi con nhỏ biết đến nhiều qua trang blog chia sẻ về nuôi con sữa mẹ “Pony ký sự”. Thời gian gần đây, mẹ Pony được nhiều bố mẹ hưởng ứng khi có thêm nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm cho con ăn dặm, đối phó với những tình huống con bướng bỉnh và không chịu nghe lời.
Luôn tâm niệm việc “sữa nhiều hay ít”, “đủ hay không”, không phải do cơ địa, không phải tại máy móc hay dụng cụ, mà tất cả là do mẹ đã “nghĩ đúng và làm đúng” hay chưa, mẹ Pony vẫn thảnh thơi nuôi con sữa mẹ được 4 năm rồi và vẫn chưa biết khi nào sẽ dừng lại.
Mẹ Pony có nhiều bài viết chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con rất hữu ích. |
Thú vị hơn cả, bé Moon đi lớp từ hơn 10 tháng tuổi nhưng “hành trang” mang theo đi học mỗi ngày vẫn là những hộp sữa mẹ do mẹ Pony vắt ra cho con. Dù không dám khẳng định hành trình nuôi con sữa mẹ của bản thân là thành công, nhưng mẹ Pony luôn tự tin rằng mình hiểu về sữa mẹ, hiểu cơ thể nên hoàn toàn có thể duy trì hành trình này lâu dài đến bất cứ khi nào cả mẹ và con mong muốn.
Cùng trò chuyện với mẹ Pony để hiểu tại sao bà mẹ này lại có hành trình nuôi con thật thảnh thơi và nhẹ nhàng đến như vậy.
- Là bà mẹ hai con sở hữu nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con được nhiều bố mẹ hưởng ứng, chị có gặp áp lực gì khi chăm nuôi con nhỏ không?
Khi mới sinh Pony, mình cũng như bất cứ một bà mẹ nào khác sinh con lần đầu thôi. Đều có những bỡ ngỡ và đối mặt tất cả những áp lực mà mọi bà mẹ ở Việt Nam đều gặp phải. Từ chuyện chăm con sữa mẹ hay sữa bột, ăn dặm như thế nào, bỉm tã ra sao, cho đến chuyện thuốc thang mỗi khi con ốm… Nhưng chỉ cần có kiến thức đúng đắn, giữ vững niềm tin và quyết tâm thực hiện đến cùng thì mình tin bất cứ người mẹ nào cũng sẽ cảm thấy hành trình làm mẹ không mấy khó khăn hay áp lực, mà sẽ luôn là một trải nghiệm tuyệt vời.
Hai cô công chúa nhỏ của mẹ Pony. |
"Hành trang" đi học của bé là sữa mẹ. |
- Với những bà mẹ ban đầu ít sữa hoặc lầm tưởng không có sữa, sau đó bị mọi người chê trách, theo chị thay vì chê trách, mọi người nên làm gì với người mẹ mới sinh con?
Đến bây giờ, khi đã là một “mẹ sữa” thì mình hiểu rằng người mẹ nào cũng đủ khả năng để có thể nuôi con sữa mẹ lâu dài. Nhưng những ngày đầu mới sinh con, mình cũng từng có những khó khăn nhất định vì chưa có chút kinh nghiệm nuôi con nào cả. Vì thế, điều mà mình cần nhất vào lúc đó là sự đồng cảm, hướng dẫn và chỉ bảo cho mình cách làm đúng đắn. Và may mắn rằng, mình đã có được sự giúp đỡ tận tình của một chị y tá, nhờ đó mà hành trình nuôi con sữa mẹ của mình mới được suôn sẻ đến tận bây giờ.
Thế nên, mình hi vọng rằng, mọi người hãy hiểu và động viên những người mẹ mới sinh con lần đầu. Đồng thời hãy giúp đỡ họ trong khả năng của mình, có thể là những kiến thức hay kinh nghiệm sẵn có của bản thân, hoặc là giới thiệu cho họ những nguồn thông tin khoa học và đáng tin cậy để họ có thêm nhiều kiến thức nuôi con hơn.
Đó cũng là lý do mà mình tạo ra “Pony ký sự” chỉ với mong muốn rằng những kinh nghiệm và chia sẻ của mình có thể giúp đỡ được nhiều mẹ bớt gặp phải khó khăn, bỡ ngỡ hơn trong hành trình nuôi dạy con, cũng như mong rằng ngày càng có nhiều bé được hưởng sữa mẹ hoàn toàn.
"Nghĩ mình không có sữa là sai lầm phổ biến ở các bà mẹ mới sinh con". |
- Và những sai lầm đa số “mẹ sữa” gặp phải là?
1Sai lầm phổ biến nhất trong việc nuôi con bằng sữa mẹ ngay từ ngày đầu tiên con chào đời, đó là luôn nghĩ rằng mới sinh (nhất là sinh mổ) nên sữa chưa về, hoặc ít sữa, thậm chí là không có sữa.
Lý do cho sai lầm này, đó là mẹ vắt sữa không ra hoặc chỉ được vài giọt. Nhưng các bạn có biết (hay là đã quên) rằng sữa non luôn có sẵn trong bầu ngực từ khoảng tháng thứ 5 của thai kỳ, nghĩa là sữa mẹ luôn sẵn sàng để phục vụ bé ngay khi bé chào đời. Và lượng sữa này, ngày đầu tiên sau sinh là rất ít, chỉ vài giọt (5-10ml), vàng óng - đặc sánh - nhiều kháng thể - giàu dinh dưỡng, vừa đúng với dung tích dạ dày bé xíu của con nên chắc chắn sẽ đủ để con no bụng.
Vì lý do này nên hầu hết các mẹ sẽ nghĩ ngay đến việc cho con ăn sữa ngoài trong khi chờ sữa mẹ. Nhưng các bạn nên biết rằng tới khi các bạn thấy căng sữa (khoảng ngày thứ 3 sau sinh) thì nghĩa là giai đoạn sữa non quý giá đã qua đi, và giờ cũng là lúc bạn phải vật lộn cho con ti mẹ vì con đã quen ti bình.
Sai lầm tiếp theo là cho con bú sai tư thế. Việc cho con bú sai tư thế sẽ gây khó khăn cho bé bú mẹ và khả năng sản xuất sữa của bầu ngực. Cách khắc phục với những mẹ mới sinh là nên cho con bú ở tư thế bú nằm.
Nhiều người cho rằng bú nằm không tốt là hoàn toàn sai, bạn cứ để ý sẽ thấy, cho dù bạn có ngồi cho con bú thì tư thế của bé cũng vẫn là tư thế nằm ngang trên tay mẹ, đúng không? Tư thế nằm là cách tốt nhất để cho con bú ngay sau sinh, khi mẹ chưa thể ngồi dậy hay hoạt động gì nhiều (cho dù là sinh thường hay sinh mổ). Đây cũng là tư thế giúp mẹ cho con bú vào ban đêm để tăng thời gian ngủ và nghỉ ngơi cho cả mẹ và con.
- Là một bà mẹ giàu kinh nghiệm, chị “đối phó” như nào khi con ăn vạ và bướng bỉnh không nghe lời?
Mình cho rằng ăn vạ là điều tất yếu để trưởng thành. Từ đó mình hiểu rằng em bé nào cũng sẽ có những lúc ẩm ương như thế. Thế nên, mình đối diện với nó một cách rất bình thản và giúp con vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng mà gần như không có một chút căng thẳng nào giữa mẹ và con. Và mỗi khi đối diện với những lần khóc lóc của con, mình chỉ có những nguyên tắc cơ bản cần phải nhớ, đó là:
- Luôn giữ thái độ bình tĩnh, không để cảm xúc của mình bị ảnh hưởng bởi cảm xúc của con.
- Đồng cảm với cảm xúc của con, và nhắc lại cảm xúc của con để con nhận ra được cảm xúc của mình.
- Giải thích tình huống và cùng con đưa ra giải pháp, không áp đặt hay cấm đoán con.
- Hướng dẫn con con giải quyết vấn đề.
"Ăn vạ là cách để con trưởng thành". |
"Không có em bé ngoan, chỉ có em bé biết hợp tác với mọi người". |
- Theo chị, mọi người đang lầm tưởng khái niệm về “em bé ngoan” như thế nào? Và định nghĩa “em bé ngoan” của chị ra sao?
Mọi người thường thích những em bé ngoan, “gọi – dạ, bảo – vâng”, nghĩa là luôn nghe theo lời chỉ bảo và những yêu cầu của người lớn, nhưng mình lại không muốn các con của mình sẽ trở nên như vậy.
Mình không có định nghĩa nào cụ thể về “một em bé ngoan” sẽ phải ra sao. Thay vì muốn con “ngoan ngoãn – vâng lời” thì mình mong con biết cách “hợp tác” với mọi người. Và để làm được điều đó, con cần phải biết tư duy và có thể tự quyết định mọi vấn đề liên quan đến bản thân mình. Vì thế, điều quan trọng nhất mình cần phải trang bị cho con đó là thật nhiều kiến thức, luôn khuyến khích con tư duy, và trao cho con quyền được quyết định mỗi khi yêu cầu con làm một điều gì đó.
- Nếu được đưa ra lời khuyên với những bà mẹ Việt vẫn đang ngày ngày hoang mang, lo lắng, đôi khi lại tự chê trách bản thân làm mẹ chưa tốt, chị sẽ nói gì?
Như mình đã nói, người mẹ nào khi mới sinh con lần đầu cũng đều phải trải qua muôn vàn bỡ ngỡ nên những điều hoang mang, lo lắng là không thể tránh khỏi. Nhưng đừng vì thế mà tự trách bản thân mình. Chỉ cần không ngừng học hỏi, tìm hiểu để trang bị thật nhiều kiến thức và cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của mình thì cho dù kết quả có ra sao thì bạn cũng sẽ không cảm thấy có điều gì nuối tiếc.
- Xin cảm ơn chị về những chia sẻ hữu ích này!
Diễn viên Lan Phương: ‘Làm mẹ dễ hơn đóng phim’
Với Lan Phương, làm mẹ là công việc tự nhiên và mang lại nhiều niềm vui đặc biệt hơn. |
'Hot mom' Ngọc Mon dư sữa cho cả hai bé bú
Rút kinh nghiệm lần sinh bé đầu chỉ cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, lần sinh bé thứ 2 này, "hot mom" ... |
Bộ ảnh 'lợi sữa' - những mẹ đang cho con bú cần xem ngay!
Với những mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, thì những bức ảnh mẹ cho con bú này thực sự có tác dụng "lợi sữa". |