Ba dự án hầm, cao tốc khu vực miền núi phía Bắc hàng nghìn tỷ đồng đang được đề xuất đầu tư

Hiện các tỉnh miền núi phía Bắc đang kiến nghị đầu tư, xây dựng hai dự án cao tốc gồm mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai, xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang và một dự án xây hầm đường bộ vượt đèo Hoàng Liên.

Trong thời gian gần đây, ba tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc gồm Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang đồng loạt đề xuất xây dựng, mở rộng các tuyến cao tốc chạy qua địa bàn. Ngoài ra, tỉnh Lai Châu cũng có đề xuất về việc đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng xây hầm đường bộ vượt đèo Hoàng Liên.

Cao tốc nối Tuyên Quang - Hà Giang hơn 6.200 tỷ đồng

Theo Báo Tuyên Quang, chiều 15/2, lãnh đạo hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang đã có buổi làm việc thống nhất các nội dung triển khai xây dựng Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang.

Theo đó, dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tổng chiều dài dự kiến 118 km, trong đó địa phận tỉnh Tuyên Quang 80 km, Hà Giang 38 km, dự kiến phân chia thành hai giai đoạn.

Giai đoạn 1, theo quy mô đường cấp III đồng bằng, mặt cắt hai làn xe, chiều rộng mặt đường 11 m, kết cấu mặt đường bê tông nhựa. Công trình sẽ được khởi công quý III/2022, thực hiện từ năm 2022 đến 2024. Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng bảo đảm đáp ứng tiêu chí đường cao tốc trong thời gian sớm nhất.

Ba dự án hầm, cao tốc khu vực miên núi phía Bắc hàng nghìn tỷ đồng đang được đề xuất đầu tư - Ảnh 1.

Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hơn 6.200 tỷ đồng dự kiến khởi công ngay trong năm nay. (Ảnh minh họa: Người lao động).

Về tiến độ thực hiện, hai địa phương quyết tâm khởi công và đầu tư dự án ngay trong năm 2022 và đưa vào sử dụng trong năm 2024 với tổng mức đầu tư trên 6.200 tỷ đồng.

Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được kết nối trực tiếp với một dự án khác đang xây dựng là cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ (điểm đầu tại cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Dự án dài hơn 40 km với tổng vốn đầu tư 3.100 tỷ đồng và được thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Tại buổi làm việc với tỉnh Tuyên Quang cuối tháng 12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải hoàn thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trong năm 2023, bởi đây là công trình trọng điểm. Đến nay, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng hơn 82% và các mũi thi công đạt hơn 10% kế hoạch.

Mở rộng cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Vào hôm 15/2 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có văn bản trả lời UBND tỉnh Lào Cai sau khi cơ quan này nhận được ý kiến của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của địa phương, theo tin từ Zing.

Trước ý kiến về việc cao tốc Nội Bài - Lào Cai còn hơn 120 km quy mô hai làn xe gây hạn chế khả năng lưu thông của xe cộ, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư mở rộng đoạn Yên Bái - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe là cần thiết.

Ba dự án hầm, cao tốc khu vực miên núi phía Bắc hàng nghìn tỷ đồng đang được đề xuất đầu tư - Ảnh 2.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn 19 km do Lào Cai làm chủ đầu tư thi công. (Ảnh: Mạnh Dũng/Báo Lào Cai).

Tuy nhiên, cơ quan này cho hay kinh phí đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai lớn, nguồn thu phí không đủ để hoàn vốn phần VEC vay lại của ADB. Hiện, VEC đã phải dùng nguồn tiền từ các dự án cao tốc khác do doanh nghiệp này là chủ đầu tư.

Đồng thời, do nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 bố trí cho Bộ GTVT khó khăn nên cơ quan này khẳng định không thể đầu tư hoàn chỉnh đoạn Yên Bái - Lào Cai từ hai làn xe lên 4 làn xe tại thời điểm hiện nay.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thông xe hồi tháng 9/2014 với chiều dài khoảng 264 km. Trong đó, hơn 120 km nối Yên Bái với Lào Cai chỉ có hai làn xe, không có dải phân cách cứng với tốc độ xe chạy 80 km/h.

Đèo Hoàng Liên gần 3.300 tỷ đồng

Vào hồi cuối 2021, lãnh đạo tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu đã có cuộc họp bàn phương án đầu tư xây dựng Dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên nối quốc lộ 4D từ thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) sang huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu).

Theo phương án do đơn vị tư vấn, thiết kế trình bày, dự kiến chiều dài toàn tuyến dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên là 9,44 km. Trong đó, đường hầm xuyên núi dài 2,5 km, xây dựng theo tiêu chuẩn thiết kế hầm đường bộ Nhật Bản.

Ba dự án hầm, cao tốc khu vực miên núi phía Bắc hàng nghìn tỷ đồng đang được đề xuất đầu tư - Ảnh 3.

Sơ đồ dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối huyện Tam Đường (Lai Châu) và thị xã Sa Pa (Lào Cai). (Nguồn: TTXVN).

Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 3.273 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 2.500 tỷ đồng. Dự kiến dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên được khởi công vào quý III/2022, hoàn thành và đưa vào khai thác giữa năm 2025.

Tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai kết nối giao thông chủ yếu qua Quốc lộ 4D, trong đó có đèo Hoàng Liên cao nhất, dài nhất trong các đèo tại các tỉnh miền núi phía Bắc (cao hơn 2.000 mét so với mực nước biển).

Đây là đèo thuộc nơi địa hình hiểm trở, có nhiều khúc cua nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao, thời gian di chuyển lớn.

Việc thực hiện đầu tư Dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên sẽ tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lai Châu và tỉnh Lào Cai, đặc biệt là kinh tế cửa khẩu, dịch vụ vận tải, logistics, du lịch, sản xuất nông nghiệp và tạo đột phá về phát triển giao thông có tính kết nối vùng.

Công trình sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường hiện đang sử dụng trên quốc lộ 4D khoảng 10 km từ huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đi thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và ngược lại.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.