Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: King Coffee và Trung Nguyên tôi luôn yêu như nhau, bởi cả hai đều là con của mình

Sau một năm nhiều ồn ào việc phân chia tài sản với "vua cà phê" Đặng Lê Nguyên Vũ, bà Lê Hoàng Diệp Thảo dù vẫn tiếp tục đi đòi công lí nhưng nữ doanh nhân này vẫn luôn tràn đầy năng lượng với những kế hoạch xây dựng King Coffee và phát triển thị trường cà phê.

Ngay khi kết thúc cách li xã hội nhằm chống dịch Covid-19, hoạt động lại trong điều kiện "bình thường mới", King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã nhanh chóng mở cửa hàng theo mô hình mới tại Hà Nội. Cửa hàng Grab & Go đầu tiên nằm trong chiến lược phát triển chuỗi 1.000 cửa hàng trên toàn quốc của King Coffee.

Bất ngờ hơn cả là thương hiệu cà phê non trẻ do doanh nhân phố núi này xây dựng đã trở thành nhà tài trợ cho đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam trong 3 năm liên tiếp, từ tháng 6/2020 đến giữa năm 2023. 

Đầu năm nay, bà Thảo cũng đã cam kết hỗ trợ các tuyển thủ nữ khởi nghiệp kinh doanh quán cà phê, nhằm đảm bảo kinh tế ổn định sau giải nghệ. Đồng thời, chủ thương hiệu King Coffee cho biết sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động tiếp sức khởi nghiệp kinh doanh cà phê khác cho các nữ cầu thủ.

Bà Thảo đã 2 lần khởi nghiệp và đều chọn cà phê. Hơn 20 năm trước, đó là Trung Nguyên và bây giờ là King Coffee. Nữ doanh nhân nói bà yêu cả 2 đứa con mình "sinh ra" như nhau, bởi đó là tất cả tình cảm, tâm huyết. Khởi nghiệp lần hai, bà Thảo nói "vô cùng bão táp" nhưng không thể nào bằng những ngày cực khổ hơn 20 năm trước để xây dựng Trung Nguyên.

Ngồi trong quán cà phê King Coffee trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1), một trong những mặt bằng kinh doanh lớn nhất của thương hiệu này tại TP HCM, CEO Trung Nguyên International - Lê Hoàng Diệp Thảo, cho biết bà đang tập trung toàn bộ sức lực để phát triển chuỗi quán không chỉ gói gọn tại thị trường Việt Nam mà phải vươn ra thế giới. 

"Dịch Covid-19 nhưng mình cũng tìm ra được cơ hội. Ít nhất trong thời gian đầu này, việc tìm mặt bằng cho các quán cà phê của King Coffee sẽ nhẹ nhàng hơn", bà nói.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: King Coffee và Trung Nguyên tôi luôn yêu như nhau, bởi cả hai đều là con của mình - Ảnh 1.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo tất bật với một loạt dự án mới cùng kế hoạch mở 1.000 quán cà phê King Coffee. (Ảnh: BA).

King Coffee vẫn là hồn cốt của Trung Nguyên

- Tại sao khi Trung Nguyên đang lớn mạnh, khẳng định tên tuổi trên thị trường trong nước và quốc tế thì bà lại quyết khởi nghiệp lần thứ hai với một thương hiệu cà phê mới là King Coffee, sao không là một sản phẩm khác?

- Thật sự câu chuyện ồn ào của chúng tôi, tôi không muốn nói nhiều nữa nhưng đúng là tôi xây dựng King Coffee là từ biến cố gia đình. Không chỉ có biến cố trong gia đình mà còn biến cố rất lớn về tầm nhìn, chiến lược cũng như quan điểm phát triển, hồn cốt của Trung Nguyên. Tôi không chấp nhận được Trung Nguyên bị thay hết toàn bộ, màu nâu đỏ của Tây Nguyên ngày trước lại được chuyển qua thành hai màu trắng đen, thật sự xa lạ.

Nhiều người thân thiết thấy sự thay đổi này cũng không tốt lắm. Những người yêu mến Trung Nguyên từ xưa đến nay cũng không hài lòng. Rồi cả trang phục nhân viên các quán cũng lạ lẫm.

Tôi cảm giác Trung Nguyên đang bị đánh mất. Nếu một ngày để Trung Nguyên hoàn toàn mất đi, rồi chỉ biết ngồi tiếc nuối thì tôi không làm được. Tôi đã cùng gầy dựng Trung Nguyên từ số 0 lên số 1, thì chuyện gầy dựng thương hiệu mới, hoàn toàn mới là điều không khó. 

Nói vậy thôi nhưng đó là cả tâm huyết, mình đã gầy dựng như vậy mà để cho nó biến mất, mất đi thì không đành.

- Đột ngột đi xây một thương hiệu mới, làm sao bà rạch ròi giữa King Coffee và Trung Nguyên. King Coffee có gì đặc biệt để bà thuyết phục khách hàng?

- Về một thương hiệu, sản phẩm một khi ra thị trường và được chấp nhận thì chất lượng phải bền vững. Thị trường yêu cầu là chất lượng, khi khách hàng đã chấp nhận sản phẩm thì 1 năm hay 20 năm vẫn nên vậy, chỉ bao bì thì có thể làm mới hoặc thay đổi theo mùa, chứ không thể đổi chất.

Thực tế thì King Coffee vẫn giữ hồn cốt của Trung Nguyên từ xưa đến nay. Tất cả giá trị của Trung Nguyên ngày xưa phải còn nguyên để đi tiếp, cho con đường trường tồn chứ tôi không đồng ý nó biến mất và không còn nữa.

Ngày xưa, Trung Nguyên muốn giữ vị trí số 1 Việt Nam nhưng bây giờ tôi sẽ đưa King Coffee là thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới, đó là lí do tôi chọn tên thương hiệu là King Coffee. Khi tung King Coffee ở Mỹ, tính ra chưa đầy 4 năm nhưng đã đi được 19 tiểu bang, 82 siêu thị khác nhau. Giờ chúng tôi cũng qua Hàn Quốc. Ở thị trường này, ngoài cà phê G7 ai cũng biết thì có thêm King Coffee.

Nói chung Trung Nguyên vẫn luôn là đứa con đầu, nên tôi vẫn giữ hồn cốt của Trung Nguyên, dù có làm sản phẩm nào mới. Với King Coffee, tôi cũng có những cải tiến thêm để ra những sản phẩm tốt nhất cho người Việt và đi thị trường quốc tế, là cải tiến cho phù hợp với phân khúc khách hàng, chứ không phải là cái gì tốt thì giành cho King Coffee.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khởi nghiệp hai lần với cà phê, tôi xem Trung Nguyên và King Coffee đều là con của mình - Ảnh 2.

"Năm 1998, không ai nghĩ thời điểm đó có cửa hàng cho khách uống cà phê miễn phí" - bà Lê Hoàng Diệp Thảo. (Ảnh: Phúc Minh).

Tôi luôn suy nghĩ phải làm gì để giữ lại giá trị 20 năm qua của Trung Nguyên để bước tiếp cho thương hiệu mới này. Bởi khi đi ra quốc tế không hề dễ, trong khi các thương hiệu lớn trên thế giới đều có bề dày hơn 100 năm.

- Khởi nghiệp lần thứ hai bà có gặp nhiều khó khăn không khi sản phẩm vẫn là cà phê, vốn rất thành công tạo nên uy tín, tên tuổi hàng chục năm qua với Trung Nguyên rồi?

- Khởi nghiệp thì lúc nào cũng khó nhưng King Coffee thì thật sự tôi xây dựng trong thời gian đầy bão táp. Những gì đang xảy ra hiện nay là điều không ai mong muốn, câu chuyện có lẽ vẫn còn hơi dài.

Nhưng nói về chuyện kinh doanh, tôi khởi nghiệp cà phê lần hai với King Coffee cũng có điểm thuận lợi, bởi tôi đã có kinh nghiệm, lão luyện và rành hơn về cà phê.

Kinh nghiệm giúp tôi biết thị trường, biết đối thủ. Về mặt uy tín của thị trường, tôi cũng có, đặc biệt là thị trường quốc tế. Cũng nhờ kinh nghiệm, uy tín xây dựng Trung Nguyên, Trung Nguyên đã gieo rất nhiều điều tốt, hôm nay, tôi và King Coffee mới được thuận lợi.

Khó nhất khi khởi nghiệp lần hai với tôi thật ra không phải thị trường hay vốn gì cả, mà các biến cố khác. Tôi khởi nghiệp khi con còn nhỏ, vất vả lắm. Hai năm đầu tiên gần như không thể ngủ và hiện vẫn còn thói quen ban đêm, cứ 2 tiếng là thức dậy. Nhưng dù vất vả thế nào thì với tôi vẫn quan tâm sức khỏe của mình, sức khỏe chính là điều quan trọng nhất để làm mọi thứ.

Tôi có thói quen từ nhỏ là luôn xây dựng nội lực. Tự mình phải đặt ra nhiều thử thách, biến cố và vượt qua. Tôi thấy xây dựng cho mình nội lực bên trong để vượt qua hết mọi khó khăn là quan trọng lắm. Cuộc đời là vô thường, ai rồi cũng không tranh khỏi cái chết, nên tôi muốn mình khỏe mạnh, có nội lực, làm được điều có giá trị để lại cho gia đình và xã hội.

Trung Nguyên với King Coffee đều là 2 đứa con mình sinh ra, làm sao cạnh tranh được

- So với King Coffee ngày nay nhiều kinh nghiệm, vốn liếng thì ngày xưa bà cùng chồng xây dựng Trung Nguyên khác nhau như thế nào? 

- Cà phê với chúng tôi là sản nghiệp. Những ngày đầu tiên chúng tôi lên ý tưởng làm cà phê, rồi sắp xếp hết mọi thứ để phát triển từ văn phòng nhỏ lên văn phòng lớn, cũng như lập từng nhà máy cho đến khi Trung Nguyên phát triển thành một tập đoàn, gồm 9 công ty, 20 chi nhánh, 6 nhà máy. Mỗi nhà máy như vậy đều rất lớn.

Anh Vũ giỏi đối ngoại, tôi đối nội, lo mọi thứ trong công ty, sắp xếp chu toàn. Ở công ty, trong phòng họp lớn, lúc nào tôi cũng giành một chiếc ghế để anh Vũ ngồi, để ảnh luôn là trụ cột của công ty. Có một điều đặc biệt là dù tôi tham gia điều hành, nhưng tôi chưa bao giờ ngồi vào chiếc ghế đó, bất cứ lúc nào, suốt bao năm qua vẫn vậy.

Ngày xưa, tôi bận lắm. Nhân viên viết về công ty, họ viết tôi là người của 1 triệu việc, sắp xếp đâu ra đó các việc của Trung Nguyên.

Ngày xưa Trung Nguyên khi bắt đầu phát triển, để có khách hàng chúng tôi chấp nhận cho người ta nợ, nợ nhiều kinh khủng và vợ chồng phải rất cố gắng làm sao vượt qua giai đoạn đầu khởi nghiệp thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm nữa. Trong khi mượn ngân hàng thì không phải dễ, vì mình non trẻ, thị trường vốn ngày xưa cũng không dễ dàng như bây giờ. 

Hồi đó bán hàng người ta nợ kiểu gối đầu, cứ luẩn quẩn trong vòng vây con gà, quả trứng, tức có tiền thì trả nợ cũ, xong lại xoay vần mượn nợ mới để làm ăn tiếp, đòi không được, không biết khi nào đòi được, thế là quyết định xóa nợ luôn.

Xóa nợ xong khách hàng mừng không thể tả, mình nghĩ mình phá sản rồi. Nhưng rất hay, chuyện mình không tính trước là khách hàng đã quay lại giúp mình nhiều hơn. Thay vì mua 1, họ mua 3-5, thậm chí mua 10, tình hình bán buôn, kinh doanh lúc đó rất tốt.

Rồi khi mở cửa hàng đầu tiên trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận) năm 1998, không ai nghĩ thời điểm đó có cửa hàng cho khách uống cà phê miễn phí. Cà phê cũng có nhiều tiệm rồi, nhưng người ta ùn ùn kéo đến uống thử miễn phí và đều khen, có người uống 4 li một ngày. Nhờ vậy mà tiếng tăm Trung Nguyên tại thị trường TP HCM lên nhanh.

Nói vậy thôi chứ cực khổ lắm. Tôi luôn đứng phía sau anh Vũ, lặng lẽ làm. Hồi xưa không ai nghĩ việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp đâu, chỉ có ra sản phẩm và bán hàng hàng bằng uy tín. Sau này thì chuyện làm thương hiệu mới được quan tâm. Bởi vậy mà khi làm King Coffee điều tôi làm đầu tiên là thương hiệu, chăm chút từ cả cái tên cho đến hình ảnh. Nhiều thứ khác nhau lắm chứ.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khởi nghiệp hai lần với cà phê, tôi xem Trung Nguyên và King Coffee đều là con của mình - Ảnh 4.

"Cạnh tranh với Trung Nguyên là không nên và không thể" - bà Lê Hoàng Diệp Thảo. (Ảnh: Phúc Minh).

- Hỏi thiệt, có lúc nào bà xem Trung Nguyên là đối thủ của King Coffee?

- Nếu không tính đến 2 thương hiệu đều là của tôi, thì việc King Coffee cạnh tranh với Trung Nguyên đã là kì quá rồi. Bởi lúc mới ra thị trường, King Coffee nhỏ xíu, giống như một đứa bé và Trung Nguyên đã là ông khổng lồ. Cạnh tranh là không thể.

Con đường mình đi thì cứ đi thôi nhưng không bao giờ tôi nghĩ Trung Nguyên là đối thủ cả. Trung Nguyên như là đứa con, đứa con lớn mình sinh ra trước, và King Coffee là có đứa con nhỏ bây giờ thôi, không thể nói là cạnh tranh với nhau.

Với thị trường cà phê, tôi thấy không cần phải cạnh tranh và cũng không nên cạnh tranh. Thị trường trăm người bán vạn người mua. Cà phê hiện nay với riêng Việt Nam đã có mấy trăm thương hiệu rồi. Quán cà phê thì có khoảng 580.000 quán trên thị trường, chưa kể nhiều cơ sở nhỏ họ chưa hình thành thương hiệu. 

Vậy đâu có nghĩa những cửa hàng nhỏ đó là đối thủ của Trung Nguyên hay của King Coffee. Ngay bản thân Highlands Coffee cũng không phải là đối thủ của Trung Nguyên. Mỗi thương hiệu có khách hàng riêng.

"Ai cũng có cơ hội tỏa sáng để trở thành một người xuất sắc"

- Câu chuyện tranh chấp tại Trung Nguyên sau nhiều năm đến giờ vẫn chưa có hồi kết. Có khi nào bà nghĩ đến việc khép lại mọi ồn ào để 2 đứa con mình sinh ra cùng phát triển khỏe mạnh không?

- Có chứ. Với điều kiện là phải công bằng, hợp lí chứ không thể bất công như vậy được. Tôi vẫn sẽ đòi công bằng cho đến chừng nào tôi thấy công bằng, mọi người cũng thấy công bằng, hợp lí thôi.

- Nhưng vừa điều hành King Coffee và cũng muốn vẫn giữ vai trò điều hành tại Trung Nguyên, bà sẽ quản lí hoặc phân chia như thế nào?

- Chuyện đó dễ lắm, với tôi việc quản lí, điều hành doanh nghiệp không có gì khó. Nhiều tập đoàn rất lớn, có trăm công ty thì người điều hành vẫn vận hành trơn tru thì nói gì tôi đã điều hành Trung Nguyên bao nhiêu năm qua.

- Với nhiều chị em, bà là hình ảnh người phụ nữ đáng ngưỡng mộ khi vừa chăm chút gia đình 4 đứa con, vừa điều hành 2 doanh nghiệp lớn nhưng lúc nào cũng đầy năng lượng. Bà có thể chia sẻ bí quyết xây dựng nội lực để đảm nhiệm cùng lúc các nhiệm vụ đó và vượt qua nhiều biến cố như vậy?

- Tôi cho rằng thiên chức làm vợ, làm mẹ rất tuyệt vời. Đàn ông họ chia sẻ phần nào chứ mình không thể đòi hỏi chồng làm mọi thứ chuyện gia đình, con cái, những chuyện mà chỉ có phụ nữ mới làm được. Bởi vậy, với tôi, người phụ nữ rất cần phải thông minh và phải thật mạnh mẽ. 

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khởi nghiệp hai lần với cà phê, tôi xem Trung Nguyên và King Coffee đều là con của mình - Ảnh 5.

"Ai cũng có cơ hội tỏa sáng, để trở thành một người xuất sắc", bà Lê Hoàng Diệp Thảo. (Ảnh: Phúc Minh).

Mạnh mẽ tôi nói bao gồm cả sức khỏe. Bởi có sức khỏe, có khả năng thì mới làm được mọi việc, mới gánh vác được gia đình lúc khăn, giúp đỡ được người thân, khi mình yếu thì làm sao có thể giúp cho được ai. Mình không thông minh, không bản lĩnh, dựa dẫm thì gặp khó khăn không thể vượt qua.

Song song đó, phụ nữ cũng phải nỗ lực học hỏi liên tục, không cần phải tới lớp, có thể học từ sách vở, học những người kinh nghiệm giỏi hơn mình. Khi mình giỏi thì có thể hướng dạy cho con cái. Đi kèm với thiên chức, việc dạy con là cả một con đường dài của người phụ nữ. 

Tôi cho rằng phụ nữ hãy xây dựng nội lực vững mạnh, nhìn ra được những giá trị của bản thân. Chỉ khi nhận thức rõ thế mạnh, tố chất thì mới được phát huy. Ai cũng có cơ hội tỏa sáng, để trở thành một người xuất sắc.

Với tôi, nội lực cũng hình thành qua những biến cố, khủng hoảng. Ví dụ sau đợt dịch Covid-19 này, nếu một doanh nghiệp có nội lực, được xây dựng vững chắc thì chắc chắn sẽ vượt qua được khó khăn và sẽ có cơ hội đứng dậy, đón cơ hội làm ăn mới. 

Có nội lực, doanh nghiệp dù có khó đến mấy thì chắc chắn vẫn đủ sức khỏe để bứt phá, phát triển mạnh hơn. Ngược lại, nếu chỉ hào nhoáng bên ngoài mà không nội lực thì sẽ đổ vỡ ngay.

- Xin cảm ơn bà!