Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều dự án trọng điểm vẫn đang gặp khó

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 46 dự án công trình trọng điểm. Tuy nhiên, hiện có nhiều dự án đang gặp khó khăn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, công tác đấu giá, thủ tục đầu tư, thủ tục chuyển đổi đất rừng... đã ảnh hưởng tới tiến độ triển khai thực hiện các dự án.

Theo kế hoạch dự án Kênh Bến Đình, thành phố Vũng Tàu chỉ còn 17 tháng nữa phải hoàn thành, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa được khởi công. 

Dự án nạo vét và tái thiết hạ tầng khu vực kênh Bến Đình, thành phố Vũng Tàu là dự án trọng điểm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, năm 2019, được HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/NQ-HĐND về đầu tư dự án nạo vét kênh Bến Đình có tổng diện tích đất thu hồi 81,12 ha. Khi dự án hoàn thành, kênh Bến Đình sẽ là kênh cấp IV, có hai luồng cho tàu cá ra vào và có nơi neo đậu cho 250 tàu cá. 

Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, chủ đầu tư dự án nạo vét kênh Bến Đình, theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu được UBND tỉnh phê duyệt, thời gian thực hiện các gói thầu xây lắp là 36 tháng, tuy nhiên, hiện nay thời gian thực hiện của dự án chỉ còn khoảng 20 tháng (kết thúc vào Quý 4/2025).

Trước sự chậm trễ của dự án, Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đề nghị UBND TP Vũng Tàu, phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương, rà soát bản giao phần mặt bằng còn lại của hạng mục bãi tập kết vật liệu nạo vét khoảng 36,84 ha thuộc khu 44ha của dự án Căn cứ dịch vụ dầu khi Sao Mai – Bến Đình do UBND TP Vũng Tàu quản lý và 20,34 ha thuộc khu 66 ha của dự án Khu đô thi Cù lao Bến Đình do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh quản lý.

“Đây là vấn đề then chốt vì không bàn giao mặt bằng hạng mục bãi tập kết vật liệu nạo vét thì cũng không thể triển khai thi công nạo vét được”, ông Tứ cho hay.  

Ngoài ra, do chậm trễ trong việc bàn giao mặt bằng, Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng gói thầu xây lắp và nạo vét của dự án này…

Về phía UBND TP Vũng Tàu, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố thông tin, tính đến đầu tháng 5/2024, UBND thành phố Vũng Tàu đã hoàn tất công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 344/344 trường hợp phải thu hồi đất. Nhu cầu tái định cư, đất ở mới (chung cư tái định cư) và nhà ở xã hội cần 111 suất. Tuy nhiên, do còn vướng mắc trong các thủ tục nên vẫn chưa thể di dời được các hộ dân.

Dự án nạo vét Kênh Bến Đình, TP Vũng Tàu theo kế hoạch sẽ khởi công từ 3/2022, tuy nhiên đến nay do vướng mặt bằng vẫn chưa thể triển khai. 

Hiện, chỉ có gói thầu 16 của dự án đang thi công nhưng cũng chỉ mới đạt 22% khối lượng công việc. Nguyên nhân chính vẫn là do vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ dân có đất bị thu hồi.

Dự án đường Long Sơn - Cái Mép có điểm đầu nối tiếp đường vào Khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, thành phố Vũng Tàu; điểm cuối giao đường Đường 991B, thị xã Phú Mỹ. Chiều dài toàn tuyến hơn 3,7km, tổng mức đầu tư là hơn 1.188 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Tuyến đường này sẽ kết nối 2 khu vực đầy tiềm năng là Khu công nghệp dầu khí Long Sơn và khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải thông qua cây cầu dài hơn 400m nối qua sông Rạng.

Dự kiến đến quý 4/2025, dự án này sẽ hoàn thành, tuy nhiên, đến nay tổng giá trị thực hiện công trình này mới đạt khoảng 36,7%. Năm 2024, dự án được bố trí 350 tỷ đồng, nhưng tới nay mới giải ngân được khoảng 3,34% kế hoạch.

Ban Quản lý dự án giao thông Khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải cũng thông tin, liên quan đến chuyển mục đích sử dụng rừng của dự án này vào cuối 3/2024, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thi công dự án này. Tại kỳ họp thứ 19 vào ngày 19/4, HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã thông qua chủ trương chuyển đổi hơn 43ha đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh; trong đó, có phần đất rừng phòng hộ thuộc dự án đường Long Sơn - Cái Mép là 9,76ha.

Các thủ tục tiếp theo đó là, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận được nộp tiền trồng rừng thay thế, Ban Quản lý dự án sẽ thực hiện nộp tiền; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bàn giao mặt bằng thi công dự án, tuy nhiên do khâu thủ tục nên đến nay chủ đầu tư vẫn chưa có mặt bằng sạch để thi công.

Dự án đường Long Sơn - Cái Mép nối xã Long Sơn (thành phố Vũng Tàu) với khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải theo dự kiến 1 năm nữa phải hoàn thành nhưng đến nay dự án vẫn đang vướng đất rừng, tiến độ dự án mới đạt 36,7%. 

Theo ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, tính đến nay, trong số 46 dự án công trình trọng điểm của tỉnh có 15 dự án đã được UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các thủ tục triển khai ở giai đoạn sau năm 2025 theo quy định sau khi có quyết định của cấp thẩm quyền; 26 dự án còn lại tiếp tục theo dõi, xử lý và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ theo quy định. Trong số 26 dự án này, mới có 6 dự án khởi công, còn lại hầu hết đều đang gặp khó khăn.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cùng các chủ đầu tư là các sở, ngành, địa phương đều cho biết, hiện các dự án, công trình trọng điểm của tỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về công tác lập quy hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chưa đảm bảo, công tác đấu giá, thủ tục đầu tư, thủ tục chuyển đổi đất rừng.... , từ những khó khăn, vướng mắc trên đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện triển khai dự án.

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ trì các dự án, công trình trọng điểm nghiêm túc thực hiện việc báo cáo các dự án, công trình trọng điểm, nhập liệu gửi định kỳ trên phần mềm chỉ đạo điều hành đã được UBND tỉnh triển khai theo quy định; đồng thời, theo dõi, cập nhật ý kiến chỉ đạo của tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện dự án và báo cáo.

Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu các cơ quan chủ trì thực hiện dự án trọng điểm và lấy đó là tiêu chí đánh giá năng lực, trách nhiệm trong thời gian nắm giữ chức vụ tại cơ quan, đơn vị.

Trước những khó khăn trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động kết nối với các bộ, ngành Trung ương nắm sát thông tin để xử lý công việc; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc ngành, lĩnh vực, xin ý kiến xử lý sớm hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, bảo đảm đủ các điều kiện pháp lý cần thiết để được bố trí vốn và khởi công công trình đúng tiến độ. 

chọn
Cận cảnh công viên hơn 7 ha ở huyện Gia Lâm đang xây dựng
Huyện Gia Lâm chuẩn bị cưỡng chế hơn 7 ha đất để xây dựng hoàn thiện dự án công viên trị giá gần 290 tỷ đồng.