Bà Rịa - Vũng Tàu thúc tiến độ làm đường Vành đai 4 TP HCM

Đường Vành đai 4 TP HCM đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An với tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản giao Sở GTVT khẩn trương lấy ý kiến việc giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án đường Vành đai 4 TP HCM. 

Đồng thời khẩn trương thực hiện các thủ tục liên quan để sớm triển khai nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án thành phần của đường Vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; để đảm bảo khi sắp xếp được nguồn vốn thì tiến hành thực hiện ngay.

Tỉnh cũng yêu cầu xác định tim tuyến đường và các nút giao kết nối theo quy hoạch, giải pháp khai thác quỹ đất; xác định quy mô đường (giai đoạn phân kỳ đầu tư), đường gom, các chi tiết kỹ thuật có liên quan để phát huy hiệu quả đường. 

Tỉnh cũng giao Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng sắp xếp nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai dự án; đồng thời đề xuất tính chất phát triển của khu vực dọc tuyến đường vành đai 4 trong quy hoạch, khai thác hiệu quả quỹ đất hai bên đường.

Bà Rịa - Vũng Tàu thúc tiến độ làm đường Vành đai 4 TP HCM - Ảnh 1.

Đường vành đai 4 TP HCM có thiết kế 6 - 8 làn xe, tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng. (Đồ họa: Alex Chu).

Trước đó, ngày 29/9, Thủ tướng đã có văn bản đồng ý giao UBND TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường vành đai 4 TP HCM.

Cụ thể, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, chiều dài khoảng 18 km.

UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), chiều dài khoảng 45 km.

UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 49 km.

UBND TP HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), chiều dài khoảng 17 km.

UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TPHCM), chiều dài khoảng 71 km.

Quy hoạch chi tiết tuyến vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2011. Tuyến đường đi qua địa giới hành chính của 5 tỉnh, thành phố gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An. Tổng chiều dài quy hoạch khoảng 197,6 km (tổng chiều dài nghiên cứu thực tế khoảng 200 km).

Dự án vành đai 4 có mặt cắt ngang hoàn chỉnh 6 - 8 làn xe, tiêu chuẩn đường cao tốc. Tổng chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất khoảng 121,5 m. Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỷ đồng.

Điểm đầu tuyến đường tại lý trình khoảng Km 40+000 (lý trình cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), khu vực Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Vị trí cuối tuyến tại điểm nối với trục Bắc – Nam tại khu vực cảng Hiệp Phước, TP HCM.

Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giao cho UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án đầu tư đường vành đai 4 TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.

Dự kiến dự án có vốn đầu tư khoảng 6.625 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn 1 sẽ kéo dài 5 năm từ 2022 đến 2026 theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), nhà đầu tư thu phí hoàn vốn theo hợp đồng BOT.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.