Bà Rịa - Vũng Tàu xem xét 4 phương án làm tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Tuyến kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ nút giao Quốc lộ 56 (TP Bà Rịa) đến đường ven biển ĐT.994 có chiều dài khoảng 13 km.

 Một góc TP Vũng Tàu hiện nay. (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 7/11, lãnh đạo tỉnh đã chủ trì cuộc họp Thường trực UBND tỉnh nghe báo cáo phương án đầu tư tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ Quốc lộ 56 đến đường ven biển (ĐT.994) TP Vũng Tàu.

Báo cáo tại cuộc họp, Sở GTVT cho biết, việc đầu tư tuyến kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu phải bảo đảm lưu thông tốc độ cao, hạn chế giao cắt trên tuyến và kết nối đồng bộ với tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Do đó, Sở GTVT đề nghị tỉnh cho phép triển khai đầu tư đoạn tuyến kết nối này theo chức năng là đường cao tốc.

Do chuyển đổi từ đường tỉnh thành đường cao tốc, Sở GTVT kiến nghị UBND tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt cho phép bổ sung quy hoạch đoạn tuyến kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu từ nút giao Quốc lộ 56 (TP Bà Rịa) đến đường ven biển ĐT.994 dài khoảng 13 km vào đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, giao UBND tỉnh làm cơ quan có thẩm quyền thực hiện dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn ngoài ngân sách thông qua cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và khai thác quỹ đất để tạo vốn.

Tại buổi làm việc, đơn vị tư vấn đề xuất 4 phương án xây dựng tuyến đường kết nối này. Cụ thể, phương án 1 là cao tốc 6 làn xe đi cao toàn tuyến, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư 14.000 tỷ đồng.

Phương án 2 là cao tốc 4 làn xe đi cao toàn tuyến, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng. Phương án 3 là cao tốc 4 làn xe đi cao đoạn QL.56 - Vũng Vằn và đi thấp đoạn Vũng Vằn - Vũng Tàu, không kết hợp đường song hành đi thấp, vốn đầu tư dự kiến hơn 7.700 tỷ đồng.

Phương án 4 là cao tốc 4 làn xe đi cao đoạn QL.56-Vũng Vằn và đi thấp đoạn Vũng Vằn - Vũng Tàu, kết hợp đường song hành đi thấp trên toàn tuyến, vốn đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng.

Theo đơn vị tư vấn, phương án 1 và 2 không khả thi cho đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), do khi tính toán tài chính không hoàn vốn được nên không xem xét.

Phương án 3 có vốn góp của nhà nước thấp, song việc không khai thác được quỹ đất nên phần vốn nhà nước sẽ do ngân sách đảm nhiệm. Việc không có đường song hành cũng là vấn đề bất cập trong phát triển quỹ đất đô thị hóa và không phù hợp với quy hoạch.

Phương án 4 có vốn góp của nhà nước cao, do đầu tư xây dựng đường song hành phục vụ phát triển quỹ đất, tạo vốn cho dự án. Phương án này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và phát triển của các địa phương dọc tuyến.

Các đại biểu đã phân tích cụ thể ưu và khuyết điểm của các phương án. Trong đó, phương án 4 là có tính khả thi cao. Phương án này cần chia thành 2 dự án, giải phóng mặt bằng và xây dựng đường song hành theo hình thức công.

Dự án 2 đầu tư theo hình thức PPP cho phần cao tốc, thời gian hoàn vốn là 24,5 năm. Do đó, phương án này được đánh giá sẽ không khả thi về mặt tài chính, khó tìm nhà đầu tư.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn xây dựng thêm phương án theo hướng mở rộng giải phóng mặt bằng, đi trên cao hạn chế toàn tuyến, có phương án tài chính phù hợp, xác định vị trí khai thác quỹ đất.

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư theo hình thức đầu tư công vào tháng 3/2022. Dự án có tổng chiều dài gần 54 km; tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 17.837 tỷ đồng.

Tuyến đường bắt đầu tại Km0+000 kết nối với tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP Biên Hòa, kết thúc tại Km53+700 giao với QL.56 thuộc TP Bà Rịa. Dự án đi qua tỉnh Đồng Nai dài hơn 34 km, qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dài khoảng 19 km.

Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 có chiều dài khoảng 19 km. Đoạn đi qua địa bàn TX Phú Mỹ dài 15 km, đoạn đi qua TP Bà Rịa dài 4 km, với 4 làn xe cơ giới và 2 làn dừng khẩn cấp.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án này là 5.190 tỷ đồng, trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.333 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Trung ương là 4.520 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 670 tỷ đồng.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.