Ba tỉnh dự kiến dành quỹ đất lớn cho phát triển công nghiệp giai đoạn tới, từ 11.000 đến hơn 15.000 ha

Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình là ba địa phương có tổng diện tích quỹ đất phát triển công nghiệp lớn nhất trong số các tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Hồng (không tính Hà Nội) với quy mô từ 11.000 đến hơn 15.000 ha.

 

Hưng Yên, Hải Dương và Thái Bình là ba tỉnh dành quỹ đất lớn cho phát triển công nghiệp

Theo thống kê sơ bộ từ Dự thảo Quy hoạch các tỉnh thành thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hưng Yên dự kiến khu vực phát triển công nghiệp có tổng diện tích 15.798 ha, bao gồm các khu công nghiệp (KCN) tập trung của tỉnh, các cụm, điểm công nghiệp của các huyện đã và đang thực hiện.

 

Tỉnh Hưng Yên bố trí đất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng lớn. Các ngành công nghiệp ưu tiên bao gồm công nghiệp liên quan đến kỹ thuật số; công nghiệp sản xuất thiết bị điện; công nghiệp sản xuất ô tô, các thiết bị vận chuyển; công nghiệp cơ khí chính xác, cơ khí chế tạo công nghệ cao; sản xuất các thiết bị y tế, dược phẩm; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm công nghệ cao...

Đến năm 2030, tỉnh quy hoạch 29 KCN với tổng diện tích hơn 9.240 ha, trong đó, 15 KCN đã có trong quy hoạch đến năm 2020 với diện tích 3.887 ha. Hai KCN mở rộng với diện tích 307,5 ha. Quy hoạch mới 14 KCN với tổng diện tích 5.045 ha.

Dự kiến đất phát triển các KCN được bố trí theo các trục như: Trục cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - đường nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; quốc lộ 5; trục kết nối quốc lộ 5 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; đường tỉnh 387 kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; trục Tân Phúc - Võng Phan.

Với các CCN (CCN), đến năm 2030, dự kiến trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có tổng số 39 CCN với tổng diện tích 2.440 ha.

Với tỉnh Hải Dương, không gian công nghiệp được chia làm ba vùng: Vùng công nghiệp động lực tại các huyện Bình Giang Thanh Miện; vùng công nghiệp hỗ trợ tại TP Hải Dương, Gia Lộc, Cẩm Giàng và một phần huyện Ninh Giang; vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thuỷ sản và năng lượng sạch với công nghiệp công nghệ cao làm trụ cột tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sách, Thanh Hà, Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

Trong giai đoạn 2021-2030, địa phương này tiếp tục triển khai thực hiện 21 KCN, ba KCN mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển, hình thành thêm 21 KCN, nâng tổng KCN lên thành 45 KCN với tổng quy mô diện tích khoảng 12.000 ha.

Với các CCN, theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, toàn tỉnh Hải Dương có 86 CCN, trong đó có 75 CCN hình thành trong giai đoạn đến 2030, đến giai đoạn 2050 hình thành thêm 11 CCN nâng tổng số cụm lên 86 CCN với tổng quy mô gần 5.000 ha.

Giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh tập trung rà soát lại quy hoạch các KCN, đồng thời hiện đại hóa cơ sở hạ tầng trong các CCN hiện có, gia tăng diện tích quy hoạch CCN lên mức 3.989 ha. 

 

Thái Bình cũng là một số các địa phương có kế hoạch phân bố quỹ đất lớn cho phát triển công nghiệp với khoảng 11.000 ha, bao gồm các KCN tập trung của tỉnh, các cụm, điểm công nghiệp của các huyện đã và đang thực hiện hoặc có hiệu lực thi hành về cơ bản là giữ nguyên trạng; các KCN tập trung mới được bố trí thành những KCN lớn.

Dự kiến đến năm đến năm 2030, tổng diện tích đất KCN của Thái Bình khoảng 2.600 ha, gồm các KCN: KCN Nguyễn Đức Cảnh, KCN Phúc Khánh, KCN Sông Trà, KCN Tiền Hải, KCN Cầu Nghìn, KCN Gia Lễ và KCN Thaco – Thái Bình, KCN đô thị - dịch vụ Liên Hà Thái, KCN – đô thị - dịch vụ Hải Long,...

Đến năm 2050 khoảng 8.000 ha đất KCN. Các KCN tập trung chủ yếu ở trong Khu kinh tế Thái Bình và phát triển một số CCN ven tuyến Thái Bình - Hà Nam. Đất CCN đến năm 2030 có khoảng 2.500 ha, đến năm 2050 có khoảng 4.000 ha.

Hải Phòng, Bắc Ninh, Nam Định dự kiến dành từ 7.000 - 10.000 ha đất cho các khu công nghiệp

Hải Phòng là một trong các địa phương có quy mô công nghiệp lớn của cả nước. Đến năm 2020, thành phố có 12 KCN triển khai hoạt động đầu tư, xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng (8 KCN nằm trong KKT Đình Vũ - Cát Hải diện tích 5.230 ha và 4 KCN nằm ngoài KKT diện tích 768 ha). Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các KCN đang hoạt động đạt trên 62,5%.

Trong đó một số KCN đã cơ bản đạt 100% tỷ lệ lấp đầy: KCN MP Đình Vũ, KCN Nomura, KCN Tràng Duệ (giai đoạn 1, giai đoạn 2), KCN Đình Vũ (1+2), KCN Đồ Sơn.

Với các CCN, tính đến tháng 12/2020, trên địa bàn thành phố có 7 CCN đã có quyết định thành lập, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đất tự nhiên là 250 ha (Vĩnh Niệm, Quán Trữ, Tân Liên, thị trấn Tiên Lãng, An Lão, Tàu thủy An Hồng, Chiến Thắng).

Trong đó, giai đoạn 2008 - 2020 có ba CCN được thành lập mới (Tân Liên, thị trấn Tiên Lãng, Chiến Thắng) với tổng diện tích đất tự nhiên là 148,2 ha.

Hiện nay thành phố đang xem xét, thành lập 9 CCN: CCN Tân Trào, huyện Kiến Thụy; CCN Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, CCN Tiên Cường II, huyện Tiên Lãng; CCN Tiên Cường III, huyện Tiên Lãng, CCN Đại Thắng huyện Tiên Lãng, CCN Làng nghề Mỹ Đồng, huyện Thủy Nguyên, CCN Tiên Cường I, huyện Tiên Lãng, CCN Cẩm Văn, huyện An Lão, CCN Cửa Hoạt - Quán Thắng, huyện An Lão.

Dự kiến đến năm 2030, thành phố phát triển 16 KCN với tổng diện tích 8.710 ha, 27 CCN với tổng diện tích 1.212 ha.

Với tỉnh Bắc Ninh, theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của tỉnh, tổng diện tích đất KCN, CCN trên địa bàn hơn 7.800 ha.

Bắc Ninh hiện có 16 KCN tập trung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng diện tích khoảng 6.397 ha; có 16 KCN được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và thành lập (trong đó, 10 KCN đã đi vào hoạt động, hai KCN đang triển khai đầu tư xây dựng và 4 KCN mới được thành lập đang chuẩn bị đầu tư xây dựng) với tổng diện tích đất quy hoạch KCN 5.567,89 ha, diện tích đất công nghiệp cho thuê là 3.850 ha, đã cho thuê 2.064 ha đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất quy hoạch của các KCN đã được thành lập đạt khoảng 55%.

Với các CCN, Bắc Ninh đã thành lập được 33 trong tổng số 37 CCN có trong quy hoạch với diện tích trên 1.057 ha. Trong đó, có 23 CCN đã đầu tư và đi vào hoạt động.

Tỉnh Vĩnh Phúc có 19 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, diện tích được phê duyệt theo các quy hoạch chi tiết của tỉnh hơn 4.486 ha, diện tích công nghiệp được thủ tướng phê duyệt còn thiếu khoảng 1.001 ha.

Trong giai đoạn 2021-2030, địa phương tiếp tục phát triển 19 KCN với quy mô theo các quy hoạch chi tiết đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phần diện tích thiếu theo phê duyệt của Thủ tướng sẽ được phát triển vào các KCN mới, dự kiến bổ sung thêm 7 KCN nâng tổng số các KCN trên địa bàn tỉnh lên 26 KCN với tổng quỹ đất phát triển thêm là hơn 1.482 ha, nâng tổng diện tích công nghiệp toàn tỉnh lên hơn 5.968 ha.

Về phương án quy hoạch CCN, 32 CCN theo quy hoạch CCN tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt thì có 4 CCN đưa ra khỏi quy hoạch với tổng diện tích 65,831/689,955 ha (CCN Tân Tiến (13,83 ha), CCN Liên Châu (10 ha), CCN Văn Tiến (30 ha), CCN Thị trấn Lập Thạch (12 ha)), còn lại 28 CCN.

Trong giai đoạn này, 20 CCN đã hình thành từ hiện trạng sẽ được tiếp tục phát triển trong giai đoạn này, phát triển 8 CCN chưa được hình thành, xây dựng thêm 22 CCN mới tại các địa phương trên cơ sở định hướng hiện có cũng như nhu cầu thực tế trong quá trình phát triển. Các CCN của tỉnh dự kiến thu hút đầu tư và đạt tỉ lệ lấp đầy từ 60% diện tích trở lên.

Với tỉnh Hà Nam, đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ phát triển mới 10 KCN, 14 CCN. Diện tích đất KCN đến năm 2030 của tỉnh là 4.627 ha, tăng 2.851,55 ha so với năm 2020. Đến năm 2030 sẽ có khoảng 2.866,55 ha được sử dụng vào mục đích xây dựng các KCN.

Giai đoạn 2021-2030 tiếp tục thực hiện 8 KCN đã và đang thực hiện trong quy hoạch các KCN đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích là 2.516 ha; quy hoạch mới thêm 10 KCN với diện tích là 2.111 ha, nâng tổng số KCN đến năm 2030 là 18 KCN với tổng diện tích là 4.627 ha.

Đối với đất CCN, diện tích đất CCN đến năm 2030 của tỉnh gần 1.265 ha, tăng 1.075 ha so với năm 2020. Đến năm 2030 tiếp tục thực hiện 14 CCN hiện trạng (trong đó mở rộng ba CCN), quy hoạch mới 15 CCN nâng tổng số CCN lên 29.

Trong vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình dành quỹ đất ít nhất cho phát triển công nghiệp 

Còn với tỉnh Nam Định, quỹ đất dự kiến để phát triển công nghiệp của địa phương khoảng trên 7.000 ha, là những khu vực có lợi thế về vị trí, quy mô, kết cấu hạ tầng đảm bảo cho việc phát triển công nghiệp.

Về phương án phát triển các KCN, Nam Định giữ nguyên các KCN đã đi vào hoạt động, gồm 5 KCN là KCN Hòa Xá quy mô 285,37 ha; KCN Mỹ Trung 148,15 ha; KCN Bảo Minh 148,52 ha và KCN dệt may Rạng Đông 503,38 ha.

Đến năm 2030 có 6 KCN nâng tổng diện tích khoảng 2.546 ha, 51 CCN với tổng diện tích hơn 1.977 ha. Dự kiến sau năm 2030 (tầm nhìn 2050) bổ sung thêm 5 KCN.

Trong các tỉnh thành vùng đồng bằng sông Hồng, giai đoạn đến năm 2030, Ninh Bình là địa phương có tổng diện tích các KCN, CCN nhỏ nhất với quy mô khoảng 3.000 ha.

Dự báo đến năm 2030, giá trị công nghiệp của ngành công nghiệp tỉnh trong KCN sẽ tăng lên chiếm khoảng 60%, nhu cầu đất công nghiệp trong KCN của tỉnh cần khoảng 1.300 ha đất công nghiệp có thể cho thuê, tương đương diện tích KCN cần phải quy hoạch là 1.690 ha.

Tính năm 2020, tỉnh Ninh Bình đã quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích 1.396,7 ha, trong đó đất công nghiệp có thể cho thuê chiếm khoảng 78%, đạt 1.087,7 ha.

Từ diện tích 7 KCN đã quy hoạch của tỉnh cho thấy, trong 10 năm (2021 - 2030), diện tích đất KCN đã quy hoạch hiện tại chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp cho 10 năm tới và trên thực tế sẽ không có đủ một diện tích đất KCN nhất định để dự phòng “gối đầu” cho giai đoạn sau năm 2030 trong trường hợp hai KCN Tam Điệp II và Kim Sơn nếu hoàn thành thu hút đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.

Ngoài ra, cũng phải dự tính đến trường hợp một trong hai KCN là KCN Kim Sơn (huyện Kim Sơn) hoặc KCN Tam Điệp II (TP Tam Điệp) gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển hạ tầng, dẫn đến diện tích đất công nghiệp trong KCN không đủ hoặc kịp thời đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư sản xuất.

Tỉnh Ninh Bình cho biết để dự phòng cho những biến động, cũng như tạo quỹ đất cho phát triển công nghiệp tiếp nối cho giai đoạn sau năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành công nghiệp tỉnh cần tạo thêm quỹ đất và quy hoạch phát triển thêm khoảng 1.000 - 1.300 ha (tương đương 3 - 4 KCN) để có thêm điều kiện phát triển thu hút đầu tư phát triển ngay trong giai đoạn 2026 - 2030 và sau năm 2030.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.