Bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng hơn 1 triệu tỷ đồng giải ngân từ SCB như thế nào?

Từ đầu 2012 đến 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, đều được sử dụng cho mục đích cá nhân.

Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB được đưa ra xét xử trong ngày 5/3 tới đây, bà Trương Mỹ Lan được cơ quan điều tra xác định có vai trò chính, gây thiệt hại cũng như chiếm đoạt hàng trăm nghìn tỷ đồng của Ngân hàng SCB. Dự kiến, phiên tòa sơ thẩm sẽ diễn ra gần 2 tháng, kết thúc vào ngày 29/4.

Cơ quan điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể thu hồi và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng, gây thiệt hại tổng cộng hơn 415.000 tỷ đồng.

Chi phối, sử dụng SCB để huy động vốn, giải ngân 93% cho mục đích cá nhân

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, mặc dù không giữ chức vụ trong SCB nhưng do luôn nắm giữ cổ phần chi phối (từ 85% đến 91,5% tổng số cổ phần) nên bà Trương Mỹ Lan là người thực tế có “quyền lực” cổ đông chi phối, chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của Ngân hàng SCB ngay từ khi hợp nhất ba Ngân hàng tư nhân đến khi khởi tố vụ án. Đồng thời, bà Trương Mỹ Lan là chủ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và phần lớn công ty trong hệ sinh thái.

Bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn, sau đó tổ chức, chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt tại Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai việc thông đồng, câu kết, lập hồ sơ hợp thức hóa như các khoản vay để rút ra rất nhiều khoản tiền lớn, để bà sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Để thực hiện được việc này, bà Trương Mỹ Lan đã tuyển chọn, bố trí nhân sự là những người thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt Ngân hàng SCB để nắm quyền điều hành; thành lập các đơn vị thuộc SCB chỉ để cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bà.

Bà Lan đã chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty “ma”, thuê/nhờ các cá nhân để đứng tên hồ sơ vay, cổ phần, tài sản đảm bảo, ...; tạo lập hồ sơ vay vốn khống, hợp thức việc rút tiền của SCB; câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật các công ty có liên quan để tạo lập khoản vay, cùng sử dụng, chiếm đoạt tiền của SCB.

Cùng với đó, bà đã thông đồng, câu kết với các Công ty Thẩm định giá để cấp Chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm; không hoàn thiện thủ tục thể chấp, không đăng ký giao dịch bảo đảm để hoán đổi tài sản bảo đảm; lập phương án rút tiền, cắt đứt dòng tiền sau khi giải ngân; bán nợ xấu, cấn trừ nợ để giảm dư nợ tín dụng và tỷ lệ nợ xấu; mua chuộc cán bộ, lãnh đạo tại các cơ quan chức năng để bưng bít, che giấu thông tin sai phạm.

Vì đều là các khoản vay khống, do vậy khi đến hạn không trả được nợ, nên bà Lan cùng đồng phạm tiếp tục tạo ra các khoản vay khống khác, dẫn đến số tiền rút ra sử dụng ngày càng nhiều dẫn đến hậu quả thiệt đặc biệt lớn.

Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản (gồm: 1.057 khoản khách hàng cá nhân và 1,470 khoản khách hàng tổ chức) với tổng số tiền 1.066.608 tỷ đồng.

Đến ngày 17/10/2022 còn 1.284 khoản vay (gồm: 440 cá nhân vay 512 khoản và 435 tổ chức vay 772 khoản), còn dư nợ 677.286 tỷ đồng (gồm 483,971 tỷ đồng nợ gốc và 193.315 tỷ đồng nợ lãi/phí.

Các khoản vay đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi; dư nợ gốc các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan chiếm 93% tổng dư nợ gốc của 23.042 khoản vay còn dư nợ tại Ngân hàng SCB.

Hơn 1 triệu tỷ đồng đã được bà Trương Mỹ Lan hợp thức hoá như thế nào?

Trong số hơn 1 triệu tỷ giải ngân nói trên, Ngân hàng SCB đã ghi nhận dòng tiền của 1.284 khoản vay, tương ứng 483.917 tỷ đồng dư nợ gốc (khi giải ngân là 525.480 tỷ đồng), là số tiền giải ngân qua tài khoản cho các cá nhân, pháp nhân theo các phương án vay vốn.

Theo đó, 57.029 tỷ đồng được dùng để trả nợ khoản vay cũ tại Ngân hàng SCB; 5.275 tỷ đồng chuyển khoản nội bộ trong SCB; 381.303 tỷ đồng chuyển khoản ra ngoài hệ thống SCB; 81.873 tỷ đồng được rút tiền mặt tại một số chi nhánh.

Cụ thể, rút tiền mặt tại Chi nhánh Sài Gòn 50.086 tỷ đồng, Chi nhánh Cống Quỳnh 16.952 tỷ đồng; Chi nhánh Bến Thành: 14.1717 tỷ đồng, Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch: 537,35 tỷ đồng, Chi nhánh Phú Đông 323,7 tỷ đồng, Chi nhánh Tân Định 21,2 tỷ đồng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nêu rõ, nhằm hợp thức việc rút tiền đã được Ngân hàng SCB giải ngân để sử dụng, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo thực hiện một số "chiêu trò" đối với các khoản tiền nói trên.

Đối với trường hợp SCB giải ngân vào tài khoản của các công ty “ma” thụ hưởng tiền theo phương án vay, bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo ông Hồ Bửu Phương (nguyên Phó TGĐ phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thinh Phát) phối hợp với một số cán bộ thuộc Văn phòng HĐQT Tập đoàn lập phương án thực hiện việc “giải quỹ” bằng cách lập các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống, sử dụng nhiều cá nhân mở tài khoản tại Ngân hàng SCB để ký rút tiền, nộp tiền, chuyển tiền lòng vòng vào tài khoản của công ty trong nhóm, cuối cùng chuyển đến các tài khoản theo mục đích sử dụng của bà Trương Mỹ Lan.

Đối với trường hợp SCB giải ngân vào tài khoản của các cá nhân được thuê đứng tên khoản vay hoặc đứng tên thụ hưởng tiền vay thì các cá nhân này sẽ đến ngân hàng ký chứng từ rút tiền. Khi cần sử dụng ngay một số tiền mặt, bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo trực tiếp nhân viên và lái xe đến Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn để nhận tiền.

Hai Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB là bà Nguyễn Phương Hồng và Trần Thị Mỹ Dung chỉ đạo nhân viên của mình nhận thông tin về tên pháp nhân, cá nhân nhận tiền, cá nhân rút tiền, lập Phiếu chi và các thủ tục để hoàn tất nghiệp vụ rút tiền mặt. Đồng thời, nhân viên của bà Lan chỉ đạo các nhân viên kế toán lập các chứng từ rút tiền, hẹn các cá nhân đến ngân hàng để ký chứng từ rút tiền.

Kiểm soát viên ngân quỹ Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn là người xuất tiền mặt khỏi quỹ để giao cho lái xe vận chuyển tiền về nhà riêng của bà Lan tại Tòa nhà Sherwood tại 127 Pateur, Quận 3, TP HCM hoặc vận chuyển tiền về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại 193-203 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP HCM giao cho các cá nhân theo chỉ đạo của bà Lan.

Từ ngày 26/2/2019 đến 12/9/2022, theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, đã có 108.878 tỷ đồng và hơn 14,7 triệu USD được vận chuyển từ SCB về Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của bà Lan. Cơ quan điều tra xác định bà Lan sử dụng để trả nợ tiền mua các bất động sản, mua cổ phần các dự án và sử dụng vào các mục đích cá nhân.

Bà Trương Mỹ Lan tự nguyện dùng tất cả tài sản để giải quyết hậu quả của vụ án

Trong lần xét xử này, sẽ có 5 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bà Trương Mỹ Lan gồm ông Giang Hồng Thanh, Nguyễn Huy Thiệp, Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng và Trương Thanh Đức.

Chia sẻ với Vietnamnet mới đây, Luật sư Giang Hồng Thanh cho hay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề chưa đồng nhất với quan điểm buộc tội của cơ quan tố tụng, nhưng bà Trương Mỹ Lan bày tỏ việc tự nguyện mang tất cả tài sản hợp pháp của mình cũng như vận động gia đình, kêu gọi bạn bè giúp đỡ để đảm bảo giải quyết triệt để các vấn đề về tài chính, kinh tế liên quan đến hậu quả vụ án (trong trường hợp Tòa án phán quyết bà Lan có tội và có trách nhiệm bồi thường, khắc phục).

Bà Lan khẳng định, với điều kiện kinh tế, với uy tín và khả năng của bản thân, nếu Tòa án phán quyết bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả nào, bà đều sẽ giải quyết được đầy đủ, trọn vẹn.

Chia sẻ với luật sư, bà Trương Mỹ Lan cho biết không phải bây giờ và trong tình cảnh hiện nay bà mới có đề xuất này. Trên thực tế, từ khi Nhà nước có chủ trương hợp nhất ba ngân hàng yếu kém thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn vào năm 2011, theo lời vận động của Ngân hàng Nhà nước khi đó, bà Lan đã dùng nhiều tài sản có giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng của bản thân và gia đình đưa vào ngân hàng bảo lãnh cho nhiều khoản nợ không phải của mình để làm phương án cơ cấu các khoản cấp tín dụng yếu kém trước đó, tránh cho ba ngân hàng không bị đổ vỡ ảnh hưởng đến hệ thống các tổ chức tín dụng.

Gia đình bà Lan cũng cung cấp danh sách hơn 10 tài sản có giá trị rất lớn và không liên quan đến vụ án tới các cơ quan tố tụng để xin phương án xử lý.

Ngày 5/3, TAND TP HCM sẽ xét xử vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan.

Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị truy tố về các tội: “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 353; khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", quy định tại khoản 3 Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Phiên tòa do Chánh tòa hình sự Phạm Lương Toản làm chủ tọa. Viện KSND tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc Viện KSND tối cao và Viện KSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa. Hơn 200 luật sư sẽ bào chữa cho 86 bị cáo.

chọn
Đề xuất ưu đãi thuế bất động sản cho Việt kiều
Với Luật Đất đai 2024 đang được kỳ vọng có liệu lực sớm từ 1/7, quyền sử dụng đất đối với Việt kiều sẽ được mở rộng. VARS kiến nghị cần thiết lập chính sách ưu đãi như giảm hoặc miễn thuế cho Việt kiều đầu tư vào địa ốc.