Bắc Giang tập trung nguồn lực cho phát triển đô thị

Đến nay, dân số khu vực có tính chất đô thị của tỉnh Bắc Giang đã tăng lên 449.278 người, chiếm tỷ lệ 23,96%. Tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị, phấn đấu nâng tỷ lệ dân số đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 32,4%, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích cho biết.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, thời gian tới, Bắc Giang tập trung huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đưa các đô thị trở thành trung tâm, đầu tàu tăng trưởng của khu vực và vùng lân cận.

Tỉnh quan tâm đầu tư bài bản, đồng bộ, theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể đối với các đô thị. Các đô thị hiện hữu, khu vực dự kiến hình thành đô thị mới trong tương lai trên địa bàn tỉnh phải được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung đô thị đồng bộ trước khi chấp thuận đầu tư và triển khai thực hiện các các khu đô thị, khu dân cư.

 Một góc TP Bắc Giang. (Ảnh tư liệu: Cổng TTĐT Bắc Giang).

Hiện, toàn tỉnh Bắc Giang có 19 đô thị; trong đó 16 đô thị có quyết định công nhận loại đô thị của cấp có thẩm quyền, gồm: 1 đô thị loại II (thành phố Bắc Giang); 4 đô thị loại IV (Thắng, Chũ, Đồi Ngô và Việt Yên); 11 đô thị loại V (Bách Nhẫn, Phố Hoa (huyện Hiệp Hòa), Vôi, Kép (huyện Lạng Giang); Cao Thượng, Nhã Nam (huyện Tân Yên); Phồn Xương, Mỏ Trạng, Bố Hạ (huyện Yên Thế); Phương Sơn (huyện Lục Nam); Tây Yên Tử (huyện Sơn Động) và 3 thị trấn (An Châu, Tân An, Nham Biền) chưa có quyết định công nhận loại đô thị.

UBND tỉnh Bắc Giang đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lập, điều chỉnh 5 đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị và đã được chấp thuận chủ trương tại công văn số 661/TTg-CN ngày 23/7/2022 (gồm: thành phố Bắc Giang mở rộng; đô thị Hiệp Hòa, Chũ, Việt Yên và Lạng Giang). Đến nay, thành phố Bắc Giang, đô thị Việt Yên, đô thị Chũ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, đồ án đã được Bộ Xây dựng lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

Huyện Việt Yên đã được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV trực thuộc tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa của tỉnh Bắc Giang đã được thành lập theo Nghị quyết số 510/NQ-UBTVQH15 ngày 12/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 147 dự án khu đô thị, khu dân mới đã được chấp thuận đầu tư và lựa chọn được chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng 2.200 ha, tổng mức đầu tư khoảng 33.000 tỷ đồng; trong đó 24 dự án đã hoàn thành, 5 dự án cơ bản hoàn thành, 24 dự án đang thi công xây dựng, 47 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng, 47 dự án đang lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi để trình thẩm định theo quy định.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 14 dự án phát triển nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư khoảng 19.242 tỷ đồng; 6 dự án nhà ở, nhà ở kết hợp với công công trình thương mại dịch vụ với tổng vốn đầu tư 12.005 tỷ đồng.

Một số khu đô thị mới, nhà ở trên địa bàn tỉnh được hình thành làm thay đổi không gian, cảnh quan đô thị như: khu số 1, 2, 3, 6, 7 thuộc khu đô thị phía Nam, chung cư Diamond Hill tại lô C01, X03 thuộc khu dân cư số 2, nhà ở thương mại số 1 thuộc phố đi bộ thuộc Khu đô thị phía Nam, Nhà ở thương mại cạnh công viên Ngô Gia Tự (thành phố Bắc Giang); Khu đô thị phía Tây, phía Đông, thị trấn Vôi (huyện Lạng Giang); Khu dân cư mới phía Đông Bắc, thị trấn Bích Động (huyện Việt Yên); Khu đô thị phía Nam, thị trấn Thắng (huyện Hiệp Hòa); Khu đô thị phía Đông thị trấn Đồi Ngô (huyện Lục Nam)...

Thời gian tới, Bắc Giang quan tâm thu hút các nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm, năng lực tài chính đầu tư một số đô thị đồng bộ, hiện đại tạo điểm nhấn, lan tỏa phát triển các khu vực khác. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển các đô thị nén (tăng tỷ lệ nhà cao tầng, giảm đất ở liền kề) để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, dành quỹ đất phát triển các không gian chung, công trình tiện ích xã hội, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài.

Các quy hoạch đô thị đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có tầm nhìn dài hạn; chú trọng việc phát triển đô thị gắn với nét đặc trưng riêng của từng vùng, bố trí các công trình cảnh quan, kiến trúc để tạo điểm nhấn đô thị; quy hoạch đủ các công trình công cộng, phúc lợi xã hội (bãi đỗ xe, công viên, văn hóa thể thao, khu vui chơi…) đảm bảo bán kính phục vụ. Các công trình dịch vụ thương mại, nhà ở xã hội ưu tiên quy hoạch ở vị trí thuận lợi, có diện tích đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm…