Bắc Ninh: Trường Mầm non Liên Cơ lại bị tố mập mờ khoản 'xã hội hóa' đầu năm học

Bức xúc trước việc phải đóng tiền lắp điều hòa một cách "miễn cưỡng” và nghi ngờ có nhiều bất cập trong công tác thu chi đầu năm học 2016 - 2017, nhiều phụ huynh có con em học tại trường Mầm non Liên Cơ (huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã phản ánh tới đường dây nóng của Việt Nam Mới. 

Trường công liên tục “xã hội hóa”

Thời gian qua, không ít phụ huynh có con học tại trường mầm non Liên Cơ (Thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) phản ánh đến đường dây nóng của Việt Nam Mới phản ánh tình trạng nhà trường có một số khoản thu không hợp lý, thiếu minh bạch.

Cụ thể, theo phản ánh của chị T - phụ huynh có con học lớp 4 tuổi: “Nhà trường không cho chúng tôi họp phụ huynh để bàn phương án lắp đặt điều hòa, chi phí lắp đặt ra sao mà chỉ họp đại diện phụ huynh của từng lớp. Số tiền 300 nghìn đồng/học sinh do nhà trường thu nói là tiền lắp điều hòa chúng tôi chỉ được biết đến theo kiểu “thông báo”. Nhiệm vụ duy nhất của chúng tôi là ký vào tờ giấy nhà trường và hội phụ huynh chuẩn bị sẵn với nội dung cam kết rằng chúng tôi đồng ý với mức chi phí để lắp đặt điều hòa cho các cháu…”.

Anh T, phụ huynh có con học lớp 5 tuổi cho biết: “Ban đầu, nhà trường đề ra mức thu tiền lắp điều hòa theo từng độ tuổi: Lớp 24-36 tháng là 800 nghìn đồng/cháu, lớp 3 tuổi là 600 nghìn đồng một cháu, lớp 4 tuổi là 400 nghìn đồng/cháu, lớp 5 tuổi là 200 nghìn đồng một cháu. Sau đó thấy thay đổi thành lớp 24-26 tháng là 500 nghìn đồng một cháu, lớp 3 tuổi là 400 nghìn đồng một cháu, lớp 4 tuổi là 300 nghìn đồng một cháu và lớp 5 tuổi là 200 nghìn đồng một cháu. Con tôi học hết năm nay là lên lớp một, thời gian này cũng đã vào thu, xong lại đến mùa đông. Mùa hè nóng nực thì các cháu lại đã nghỉ hè để vào năm học mới, thế nên tôi thấy việc mua điều hòa là không cần thiết. Vậy nhưng, nhà trường đã thông báo đóng thì phải đóng thôi”.

bac ninh truong mam non lien co lai bi to map mo khoan xa hoi hoa dau nam hoc
Trường mầm non Liên Cơ.

Cũng theo anh T: “Khoản thu 200 nghìn đồng không được ghi trong văn bản thu của nhà trường, cũng không có hóa đơn thu chi. Các cô giáo là người trực tiếp thu khoản này. Phụ huynh chúng tôi hỏi thì nhà trường giải thích là chỉ thu hộ Hội phụ huynh học sinh. Với các bé ở lớp 5 tuổi như con nhà tôi thì việc đóng tiền để lắp điều hòa là không hợp lí. Bởi điều hòa này để phục vụ những ngày nắng nóng. Giờ đã là tháng 9-10, thời tiết không còn khắc nghiệt như hồi tháng 5-6 nên không cần dùng điều hòa. Đến mùa hè năm sau thì bé nhà tôi lại lên lớp 1 rồi. Nhà một đứa đã là quá, nhà nào có hai đứa cùng học ở trường thì đầu năm đóng không biết bao nhiêu tiền. Nhà trường đưa ý kiến, yêu cầu ai đồng ý thì ký tên. Không ít phụ huynh đã ký vào văn bản dù chẳng mặn mà gì. Bởi con cháu mình vẫn còn đang học ở đó”.

“Năm nay đóng tiền để lắp điều hòa nhưng có chắc năm sau các cháu có phải tiếp tục đóng không? Hay số tiền thu được có tính đến việc phí bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa cho cả năm học hay không cũng không được nhà trường nhắc tới làm chúng tôi rất lo”, một phụ huynh khác băn khoăn.

Chị H.T, có con học lớp 4 tuổi bức xúc: "Từ khi nhà trường tiến hành xây dựng lại, chúng tôi liên tục được vận động đóng các khoản tự nguyện, năm thì đóng tiền mua rèm cửa, lúc thì đóng tiền để làm sân khấu ngoài trời, rồi giờ tiền điều hòa. Tiền quỹ lớp 100 nghìn, rồi lại quỹ phụ huynh 100 nghìn nữa. Lắm quỹ thế không hiểu để làm gì?".

bac ninh truong mam non lien co lai bi to map mo khoan xa hoi hoa dau nam hoc
Những tờ "Đơn tự nguyện" được chuẩn bị sẵn, phụ huynh học sinh chỉ việc... đặt bút kí.

Nhà trường nói gì?

Trước những bức xúc của các bậc phụ huynh, PV Việt Nam Mới đã có buổi làm việc với đại diện trường trường màm non Liên Cơ về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Lê, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc thu chi tiền ủng hộ lắp đặt điều hòa là do Hội cha mẹ học sinh đứng ra làm. Vì thế, việc giải đáp các thắc mắc của phóng viên về vấn đề này sẽ do đại diện Hội cha mẹ học sinh trả lời.

"Chúng tôi cũng có họp phụ huynh học sinh 3 lần về vấn đề lắp đặt điều hòa, trong đó có 1 lần họp phụ huynh học sinh toàn trường. Có thể do cuộc họp này một số phụ huynh bận không tham gia nên không biết nội dung họp, chứ không phải chúng tôi chỉ họp đại diện hội phụ huynh học sinh", bà Lê khẳng định.

Ông Đỗ Đăng Quý – Hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường mầm non Liên Cơ cho biết: “Thông tin bắt mỗi cháu đóng 800 nghìn đồng để ủng hộ lắp điều hòa là không đúng. Việc này được tiến hành theo phương thức xã hội hóa. Tất cả đều được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Nếu phụ huynh nào không đóng ủng hộ thì thôi”.

bac ninh truong mam non lien co lai bi to map mo khoan xa hoi hoa dau nam hoc
Những tờ hóa đơn...thiếu trước hụt sau.

Vị đại diện hội cha mẹ học sinh cũng thông tin, đề xuất lắp đặt điều hòa ở 16 phòng học của các cháu xuất phát từ thực tiễn. Xu thế chung của các trường mầm non đều được lắp đặt điều hòa, nếu giờ không tiến hành thì các cháu học tại trường sẽ rất thiệt thòi, chịu nóng nực trong mùa nóng.

“Hơn nữa việc huy động phụ huynh ủng hộ hoàn toàn không phải ép buộc ai cả. Chương trình đã được lấy ý kiến từ các chi hội cha mẹ học sinh các lớp. Sau đó thống nhất tới Hội phụ huynh của toàn trường. Nếu quý vị phụ huynh nào có điều kiện thì có thể tùy tâm đóng góp. Còn không thì thôi, chúng tôi sẽ đi vận động các đơn vị doanh nghiệp đóng trên địa bàn ủng hộ thêm để lắp xong điều hòa cho các cháu trong tháng 9 này”, ông Quý nói.

Thực tế, việc thu tiền ủng hộ lắp điều hòa được phân làm nhiều cấp độ:

Đối với các cháu lớp 2 tuổi (tổng số 84 học sinh) thì đóng 500 nghìn đồng/học sinh. Và các cháu học ở các lớp 3, 4 và 5 tuổi thì mức ủng hộ được áp dụng lần lượt là 400 nghìn đồng/học sinh, 300 nghìn đồng và 200 nghìn đồng/học sinh.

Trong đó, với mỗi lớp học rộng 42m2 còn phải thêm chi phí lắp đặt vách ngăn, cửa nhôm lên tới 6 triệu đồng. Cộng với giá một chiếc điều hòa khoảng 16 triệu đồng, chi phí đầu tư cho mỗi lớp sẽ là khoảng 22 triệu đồng.

Ông Đỗ Đăng Quý cũng giải thích thêm, việc lắp đặt điều hòa là chủ trương được hội cha mẹ học sinh thông qua và đứng ra thực hiện. Nhà trường chỉ đóng vai trò xây dựng kế hoạch để hỗ trợ phụ huynh mà thôi.

bac ninh truong mam non lien co lai bi to map mo khoan xa hoi hoa dau nam hoc

Về vấn đề thu tiền không có phiếu thu, Ông Ngô Xuân Tôn, trợ lí Hội phụ huynh khẳng định, phụ huynh nói khi thu tiền không có hóa đơn là sai, cha mẹ học sinh khi đóng tiền điều hòa đều được cũng cấp phiếu thu đầy đủ.

Ông này cũng cho biết thêm, ngoài việc họp bàn với cha mẹ học sinh, Hội phụ huynh cũng tiến hành kêu gọi ủng hộ từ các doanh nghiệp, cơ quan trong tỉnh, số thư mời gọi ủng hộ đã phát đi khoảng 240 chiếc, và bước đầu đã kêu gọi được gần 100 triệu tiền ủng hộ từ các doanh nghiệp.

Trước câu hỏi về việc, liệu rằng năm sau có tiếp tục "kêu gọi" tiền điều hòa của phụ huynh học sinh nữa hay không, ông Tôn cho biết: Nếu số tiền năm nay đủ để thu chi thì năm sau không thu, nhưng nếu thiếu thì năm sau lại phải tiếp tục...bàn.

Để có cái nhìn toàn diện hơn, sau khi làm việc với Ban Giám hiệu trường Liên Cơ, PV có tiến hành phỏng vấn khoảng 10 phụ huynh học sinh bất kì khi họ đến đón con, thì 9/10 khẳng định dù đã nộp tiền cách đây 1-2 tuần nhưng đến chiều 29/9 (ngày PV đến làm việc với nhà trường) thì họ mới được nhận phiếu thu (!?).

Và những tờ phiếu thu PV được mục sở thị viết rất sơ sài, ngoài tên người đóng, có rất nhiều thông tin mập mờ: phần ghi địa chỉ người nộp tiền bị bỏ trống, không có thông tin đây là phụ huynh của em nào, lớp mấy tuổi.

Và tiền lệ vẫn là, những tờ đơn tự nguyện được in sẵn, phụ huynh sẽ được phát đến tận tay và chỉ việc...kí tên.

Trước đó, năm 2015, trường mầm non Liên Cơ đã từng bị “tố” vì quy định tuyển sinh tréo ngoe, theo đó, để “được” vào học trường này, các cháu phải là con cán bộ công chức; viên chức, công tác tại cơ quan huyện Thuận Thành. Nhiều người cho rằng, trong khi ngành giáo dục đang hướng đến mục tiêu bình đẳng thì việc trường mầm non Liên cơ từ chối tuyển con em của người dân liệu có đúng?

Còn nữa...

"Lạm thu" núp bóng tiền mua điều hòa

Từ vài năm nay, trong các khoản thu vào đầu năm học, "nóng” nhất vẫn là khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của lớp, của trường. Đây là khoản thu mà đầu năm học nào cũng gây nhiều bàn luận. Theo quy định, nếu kinh phí ngân sách và khoản thu học phí chưa đáp ứng được nhu cầu sửa chữa nhỏ, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học, thì các trường được phép huy động sự đóng góp của phụ huynh nhưng phải tuân theo nguyên tắc không ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp...

Quy định là vậy nhưng không ít phụ huynh bức xúc với các khoản đóng góp tự nguyện.

Một phụ huynh có con đanng học tiểu học cho biết, mặc dù gọi là những khoản đóng góp tự nguyện, nhưng dù muốn hay không, phụ huynh nào cũng phải đóng, bởi giáo viên đã phát sẵn tờ giấy ghi tên đầy đủ của các con, có sự ký nhận đồng thuận các khoản tự nguyện, thử hỏi như vậy có ai dám không tự nguyện?

XHHGD đang bị lạm dụng và bóp méo, dẫn đến tình trạng lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính về phía người dân.

GS.TS khoa học Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam từng bày tỏ, “Việc xã hội hoá giáo dục đang bị hiểu nhầm một cách nghiêm trọng. Các trường học coi xã hội hoá giáo dục là thu tiền của dân”.

Ông Phạm Tất Dong cho rằng: “Ngành giáo dục cần yêu cầu các trường học công khai các khoản thu chi một cách rõ ràng hơn. Ví dụ, năm nay trường được rót bao nhiêu tiền, khoản xây dựng là bao nhiêu? Các khoản còn thiếu như thế nào? Sau đó báo cáo với UBND địa phương xem có thể hỗ trợ được không hay trường phải làm công tác xã hội hóa”.

Ông Dong cũng khẳng định việc “mị” khoản thu chưa hợp lý đó dưới tên xã hội hoá giáo dục thực chất là lạm thu: “Hôm nay họ bảo thiếu cái chổi, họ kêu gọi phụ huynh mua chổi, mai bảo học sinh nóng quá thì hô hào phụ huynh đóng tiền mua điều hòa, ngày kia bảo rét quá thì lại đóng tiền làm cửa kính cho tốt. Lẽ ra phải mừng vì công cuộc giáo dục ngày càng được dân chủ, nhưng dân bây giờ nghe đến xã hội hoá là… sợ lắm”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, trước đây Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này. Tuy nhiên, Ban này lại bị “biến tướng” trở thành cánh tay đắc lực của trường, chủ yếu chịu trách nhiệm trong việc thu các khoản tiền cho nhà trường. Trong khi đó, trước các khoản không hợp lý, không cấp thiết, một số vị phụ huynh ngại nêu ý kiến phản biện vì sợ con bị giáo viên "trù dập", chính vì vậy tình trạng lạm thu tái diễn nhiều năm nay, chưa thể chấm dứt.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.